Mary Beth chẳng biết vì sao môn lịch sử lại gây cho cô nhiều hứng thú thế. Nhưng luôn luôn là như vậy. Cô nhớ những lần tới khu di tích thuộc địa Williamsburg thuở nhỏ. Nó chỉ cách Tanner’s Corner hai tiếng đồng hồ đi ô tô và gia đình cô hay tới đó. Mary Beth thuộc các con đường gần thị trấn ấy tới mức cô biết lúc nào họ sắp sửa đến nơi. Rồi cô nhắm mắt và sau khi cha cô phanh chiếc Buick lại cô bảo mẹ dắt tay cô vào công viên để trong đó cô có thể mở mắt, giả vờ như mình đang thực sự quay trở về nước Mỹ thời thuộc địa.
Mary Beth cảm thấy chính niềm phấn chấn này – chỉ có điều nó lớn lao hơn gấp trăm lần – khi cô bước dọc theo hai bờ sông Paquenoke ở khu vực Bến tàu kênh Nước đen tuần trước, nhìn xuống đất và nhận ra cái gì đó bị vùi lấp một nửa trong bùn lầy. Cô quỳ thụp xuống, bắt đầu gạt bùn lầy sang bên với sự thận trọng của người bác sĩ phẫu thuật đang mổ quả tim bệnh tật. Và, phải, chúng đấy: các di vật cổ – các chứng cứ mà Mary Beth McConnell đã tuyệt vọng tìm kiếm và giờ đây khiến cô gái hai mươi ba tuổi phải sững sờ. Các chứng cứ có thể chứng minh cho giả thuyết cô đưa ra – nó sẽ viết lại lịch sử nước Mỹ.
Giống như tất cả mọi người dân Bắc Carolina – và giống như hầu hết trẻ em Mỹ – Mary Beth McConnell từng học về Thuộc địa Roanoke Biến mất trong các giờ học lịch sử: Vào cuối thế kỷ XV, thực dân Anh đặt chân lên đảo Roanoke, nằm giữa vùng nội địa Bắc Carolina và khu Bờ Ngoài. Sau một thời gian tiếp xúc hầu như hòa hợp giữa người Anh đến định cư và người Mỹ bản xứ, các mối quan hệ trở nên xấu đi. Mùa đông đến gần và những người thực dân thiếu thức ăn cũng như các đồ dự trữ khác, Thống đốc John White, người sáng lập thuộc địa này, dong buồm trở về Anh xin cứu trợ. Nhưng khi ông quay lại Roanoke, những người thực dân – hơn một trăm người, cả đàn ông, đàn bà và trẻ em – đã biến mất.
Manh mối duy nhất về sự việc xảy ra là từ “Croatoan” được khắc trên vỏ cây gần nơi họ định cư. Đây là tên tiếng Anh điêng của Hatteras, cách Roanoke chừng năm mươi dặm về phía nam. Phần lớn các sử gia tin tưởng rằng những người thực dân đã thiệt mạng ngoài khơi trên đường đến Hatteras hoặc đã bị giết chết khi đến nơi, tuy không có ghi chép nào cho thấy họ từng cập bờ vào đây.
Mary Beth đã đến thăm đảo Roanoke mấy lần, đã xem buổi trình diễn tái hiện tấn thảm kịch tại một nhà hát nhỏ ở đảo. Vở kịch khiến cô xúc động và lạnh toát người. Nhưng cô chưa bao giờ suy nghĩ nhiều về câu chuyện ấy mãi cho tới khi cô lớn hơn và vào trường Tổng hợp Bắc Carolina, phân hiệu Avery, nơi cô đã đọc rất sâu về Thuộc địa Biến mất. Một khía cạnh của câu chuyện gợi lên các câu hỏi chưa có câu trả lời về số phận những người thực dân liên quan đến một cô gái tên là Virginia Dare cùng truyền thuyết Con Nai Cái Lông Trắng.
Đó là một câu chuyện mà Mary Beth McConnell – cô gái con một mang chút đầu óc nổi loạn và độc lập suy nghĩ – có thể hiểu được. Virginia Dare là đứa trẻ người Anh đầu tiên chào đời ở Mỹ. Cô là cháu gái Thống đốc White và là một trong số những người thực dân bị biến mất. Theo các sách lịch sử, cô được cho là đã thiệt mạng cùng họ ở Hatteras hoặc trên đường đến Hatteras. Nhưng khi Mary Beth tiếp tục tiến hành nghiên cứu, cô phát hiện ra rằng chẳng bao lâu sau sự kiện những Người Thực Dân Biến Mất, lúc người Anh bắt đầu định cư đông hơn ở vùng Duyên hải miền Đông, nhiều truyền thuyết địa phương về Thuộc địa Biến mất bắt đầu xuất hiện.
Một truyền thuyết cho rằng những người thực dân không bị giết chết ngay mà vẫn sống sót và tiếp tục sống lẫn giữa những bộ lạc người bản xứ. Viginia Dare lớn lên thành cô thiếu nữ xinh đẹp – da trắng, tóc vàng, ý chí mạnh mẽ và độc lập. Một thầy lang đem lòng yêu cô nhưng cô cự tuyệt và chẳng bao lâu sau thì cô biến mất. Thầy lang kia khẳng định ông ta không hãm hại cô, tuy nhiên, vì cô cự tuyệt tình yêu của ông ta, ông ta đã phù phép cho cô trở thành con nai cái lông trắng.
Tất nhiên, chẳng ai tin lời ông ta, nhung chẳng bao lâu sau người ta bắt đầu trông thấy trong vùng một con nai cái lông trắng dường như là thủ lĩnh của tất cả các loài vật trong rừng. Bộ lạc ấy, khiếp hãi trước sức mạnh rõ ràng của con nai cái, đã tổ chức một cuộc thi xem tay thợ săn nào bắn được nó.
Một tay thợ săn trẻ dũng cảm đã lần theo được dấu vết của con nai và đã bắn đi mũi tên đầu bịt bạc ở khoảng cách xa đến mức khó tin. Mũi tên xuyên vào ngực con nai và khi nằm xuống trút hơi thở cuối cùng, nó ngước nhìn tay thợ săn bằng cặp mắt người thật đáng sợ.
Anh ta lắp bắp hỏi: “Mi là ai?”
“Virginia Dare”, Con nai cái thì thầm trả lời, rồi tắt thở.
Mary Beth quyết định xem xét câu chuyện Con Nai Cái Lông Trắng một cách nghiêm túc. Miệt mài nhiều ngày đêm trong phòng tài liệu lưu trữ ở Đại học Tổng hợp Bắc Carolina, phân hiệu Chapel Hill, và ở Đại học Tổng hợp Duke, đọc các cuốn nhật ký cũ từ thế kỷ XVI, XVII, cô phát hiện ra hàng loạt những tài liệu tham khảo về “con nai cái lông trắng” và “những con quái vật lông trắng” bí ẩn ở vùng đông bắc Bắc Carolina. Nhưng những trường hợp người ta trông thấy chúng không phải là ở Roanoke hay ở Hatteras. Mà những sinh vật này được trông thấy dọc theo “hai bờ kênh Nước đen nơi sông Uốn Khúc bắt nguồn từ đầm lầy Sầu Thảm chảy về phía tây.”
Mary Beth biết sức mạnh của truyền thuyết và bao giờ cũng có sự thực trong thậm chí là các câu chuyện huyền hoặc nhất. Cô lập luận rằng có thể Những Người Thực Dân Biến Mất, sợ hãi vì bị những bộ lạc địa phương tấn công, đã để lại chữ “Croatoan” nhằm đánh lạc hướng họ, và chạy trốn không phải về phía nam mà là về phía tây, nơi họ định cư dọc theo hai bờ của, phải, của sông Paquenoke uốn khúc – gần Tanner’s Corner, ở khu vực bây giờ được gọi là Bến tàu kênh Nước đen. Ở đó, Những Người Thực Dân Biến Mất càng ngày càng mạnh lên khiến những người Anh điêng, sợ hãi trước mối đe dọa này, đã tấn công và giết chết họ. Virginia Dare – Mary Beth cho phép mình tự phỏng đoán, diễn giải truyền thuyết về Con Nai Cái Lông Trắng – hẳn là người định cư cuối cùng sống sót, đã chiến đấu cho tới lúc chết.
Chà, đây là giả thuyết của cô, nhưng Mary Beth chưa bao giờ tìm thấy bất cứ bằng chứng nào ủng hộ nó. Cô dành cả ngày trời lang thang xung quanh Bến tàu kênh Nước đen với những tấm bản đồ cổ, cố gắng suy luận chính xác địa điểm những người thực dân hẳn đã cập bờ và nơi họ định cư. Rồi cuối cùng, tuần trước, đang bước đi dọc bờ sông Paquo, cô phát hiện ra những chứng cứ thuộc về Thuộc Địa Biến Mất.
Mary Beth nhớ nỗi khiếp sợ của mẹ khi cô bảo bà rằng cô sẽ tiến hành công việc khảo cổ tại Bến tàu kênh Nưóc đen.
“Không phải ở đó“, người phụ nữ có nước da trắng bệch nói gay gắt, y như thể chính mình gặp nguy hiểm. “Đó là nơi Thằng Bọ chuyên giết người. Nó sẽ phát hiện ra mày, nó sẽ hãm hại mày.”
“Mẹ”, Mary Beth gay gắt đáp trả. “Mẹ cũng giống như lũ khốn nạn ở trường suốt ngày trêu chọc hắn.”
“Mày lại nói cái từ ấy. Tao đã bảo mày đừng nói cơ mà. Cái từ khốn nạn ấy.”
“Mẹ, thôi nào – mẹ nói nghe như một tín đồ phái Baptist không khoan nhượng, ngồi trên băng ghế lo âu.” Ý cô là hàng ghế phía trước trong nhà thờ, nơi an tọa của những người xứ đạo đặc biệt hay bàn khoăn về phẩm hạnh của chính mình, hoặc – nhiều khả năng hơn – về phẩm hạnh của những người khác.
“Ngay cái tên cũng đáng sợ rồi”, Sue McConnell lẩm bẩm. “Nước đen.”
Và Mary Beth giải thích rằng có đến hàng chục kênh Nước đen ở Bắc Carolina. Bất cứ con sông nào bắt nguồn từ những vùng đầm lầy đều được gọi là sông nước đen vì nước sông thẫm màu do thực vật mục nát lắng xuống. Sông Paquenoke nhận nước từ đầm lầy Sầu Thảm và các bãi lầy xung quanh.
Nhưng thông tin này không khiến cho bà mẹ bớt lo lắng. “Mẹ xin con, con yêu, đừng đi.” Rồi người phụ nữ sử dụng đến biện pháp gợi mặc cảm tội lỗi. “Bây giờ bố mất rồi, nếu có chuyện gì xảy ra với con thì mẹ chẳng còn ai nữa… Mẹ sẽ cô độc một mình. Mẹ sẽ phải làm gì? Con không muốn như thế chứ, hả con?”
Nhưng Mary Beth, bị kích thích bởi chất adrenaline vốn vẫn luôn luôn kích thích các nhà thám hiểm và các khoa học gia, đã gói ghém những cái chổi, những cái lọ và túi đựng các thứ thu thập được, cùng với xẻng làm vườn, rồi buổi sáng hôm qua, trong bầu không khí nóng nực, vàng vọt, ẩm ướt, đã xuất phát để tiếp tục thực hiện công việc khảo cổ.
Và đã xảy ra chuyện gì? Mary Beth đã bị Thằng Bọ tấn công, bắt cóc. Mẹ cô đã dự đoán đúng.
Bây giờ, ngồi trong ngôi nhà gỗ gớm ghiếc, nóng nực này, phải chịu đựng cảm giác đau đớn, nôn nao, nửa như mê sảng, cô nghĩ về mẹ. Chồng chết vì bị ung thư sau một thời gian ốm yếu hao mòn, cuộc sống của người phụ nữ này đang tan vỡ. Bà đã từ bỏ bạn bè, công việc tình nguyện tại bệnh viện, mọi vẻ bề ngoài của lề thói và trạng thái bình thường. Mary Beth thấy mình bắt đầu đảm nhiệm vai trò cha mẹ, trong khi mẹ cô thì trượt vào thế giới xem ti vi ban ngày và ăn vặt. Béo lùn, không cảm xúc, lúc nào cũng thèm thuồng, bà chẳng khác nào một đứa trẻ đáng thương.
Nhưng một trong những điều người cha từng dạy Mary Beth – bằng cả cuộc đời ông lẫn cái chết khó nhọc – là người ta luôn luôn làm cái mà người ta đã được định hướng và không thay đổi con đường đi vì bất cứ ai. Mary Beth không bỏ học để nhận một công việc gần nhà như mẹ cô nài nỉ. Cô cân bằng nhu cầu được nương tựa của mẹ với các nhu cầu của chính bản thân cô – lấy bằng cử nhân và sang năm, khi học xong, sẽ tìm kiếm một công việc để có thể thực hiện những nghiên cứu điền dã về nhân chủng học Mỹ. Nếu được gần nhà thì tốt. Nhưng nếu phải tiến hành khai quật về người da đỏ ở Santa Fe, về người Eskimo ở Alaska, hay về người Mỹ gốc Phi ở Manhattan, cô cũng sẽ đi mà không ngần ngại. Cô sẽ luôn luôn ở bên cạnh mẹ khi cần thiết, nhưng cô còn có cả cuộc đời của chính bản thân cô trước mắt.