Đúng là Kai phải chết và anh ta hấp hối là đúng, nhưng đối với mình, Ivan I lyich với tất cả tư tưởng tình cảm của mình, đối với mình đó là chuyện khác. Và không có lẽ nào mình lại phải chết. Điều đó khủng khiếp quá.
Ông cảm thấy như vậy.
“Nếu như mình phải chết, như Kai, thì chắc mình phải biết chứ, chắc tiếng nói bên trong phải bảo mình chứ, nhưng trong mình không hề có những chuyện đó; cả mình và tất cả bạn bè của mình đều hiểu rằng chuyện đó hoàn toàn không giống như đối với Kai. Còn bây giờ cơ sự như thế đấy! – Ông tự nhủ. – Không có lẽ nào. Không có lẽ nào: – nhưng nó lại thế đấy. Thế là thế nào? Làm sao mà hiểu được chuyện đó?”
Ông không thể hiểu được và cố gắng xua đuổi ý nghĩ đó, xem nó là một ý nghĩ sai lầm, không đúng, bệnh hoạn và dùng những ý nghĩ khác, đúng đắn, lành mạnh để gạt bỏ nó. Nhưng ý nghĩ đó, không phải chỉ là ý nghĩ, mà tựa hồ như một thực tại, lại tới và đứng sừng sững trước mặt ông.
Ông lần lượt kêu gọi các ý nghĩ khác tới thay thế ý nghĩ đó, hy vọng tìm ở chúng một chỗ dựa. Ông mưu toan quay trở lại với những cách suy nghĩ trước đây, chúng che lấp, ngăn ông, trước hết, khỏi nghĩ tới cái chết. Nhưng điều kỳ lạ là mọi cái trước đây che lấp, thủ tiêu ý nghĩ về cái chết, giờ đây đã không thể có tác dụng đó nữa. Thời gian gần đây, Ivan I lyich dùng phần lớn thì giờ vào các mưu toan phục hồi những cách cảm nghĩ che lấp cái chết trước đây. Khi thì ông tự nhủ: “Hãy bắt tay vào công vụ, bởi mình đã sống chính vì công vụ”. Và ông đi đến tòa án, xua đuổi khỏi mình bất kỳ mối hoài nghi nào. Ông trò chuyện với đồng nghiệp và ngồi lơ đãng, theo thói quen cũ, đưa cặp mắt trầm ngâm nhìn công chúng, hai cẳng tay gầy guộc tựa lên thành ghế bành bằng gỗ sồi như lệ thường, nghiêng mình về phía một bạn đồng nghiệp, khởi sự công việc, thì thào với nhau và sau đó ông bỗng ngước mắt lên, ngồi ngay ngắn lại, thốt ra một số lời lẽ quen thuộc và bắt đầu công việc xét xử. Nhưng bỗng nhiên đến giữa chừng, cơn đau ở cạnh sườn chẳng hề chú ý đến diễn biến của việc xử án, bắt đầu công việc gây đau đớn của nó. Ivan I lyich lắng nghe, xua đuổi ý nghĩ về cơn đau, nhưng cơn đau tiếp tục công việc của mình, nó đã tới, đứng lại ngay trước mặt ông và nhìn ông. Ông sững người ra, ngọn lửa trong mắt ông vụt tắt và ông lại bắt đầu tự hỏi: “Lẽ nào chỉ có nó là sự thực?” Và các bạn đồng sự cùng những người dưới quyền ông ngạc nhiên và cay đắng thấy rằng một quan tòa xuất sắc, tinh tế như ông đã lầm lẫn và phạm sai lầm. Ông lắc lắc mình, cố gắng tỉnh lại và điều khiển được chăng hay chớ cho xong phiên tòa, rồi quay về nhà với ý nghĩ buồn bã rằng ông không thể lấy công việc ở tòa án để che lấp điều ông muốn che lấp như trước đây nữa, rằng ông không thể dùng công việc ở tòa án để thoát khỏi nó được. Và điều tệ hại hơn cả là nó kéo ông về phía mình không phải để ông làm một việc gì đó, mà chỉ cốt để ông nhìn vào nó, nhìn thẳng vào mắt nó, nhìn nó mà đau đớn không nói ra được, và cũng chẳng làm gì được cả.
Và để thoát khỏi tình trạng đó, Ivan I lyich đã dùng những cách an ủi khác, những tấm vải che mắt khác, và trong một thời gian ngắn những tấm vải che mắt này tựa hồ như đã cứu ông, nhưng rồi lập tức những tấm vải đó không hẳn chỉ là rách nát, mà còn để ánh sáng lọt qua, y như thể cơn đau đã xuyên qua tất cả và không gì có thể che lấp được nó.
Gần đây khi bước vào phòng khách ông thường nhìn thấy một vết xước trên chiếc bàn đánh véc-ni nhẵn bóng. Đó chính là gian phòng khách do ông bài trí, nơi ông đã ngã. Ông nghĩ một cách hài hước độc địa rằng ông đã hy sinh đời mình để bài trí căn phòng này, vì ông biết rằng bệnh ông khởi phát từ chỗ bị dập thương mà ra. Ông tìm nguyên do vì sao mặt bàn bị xước và thấy cái diềm trang trí bằng đồng bị quăn lại trên quyển Album đã gây ra vết xước đó. Ông cầm lấy quyển Album yêu quý do ông sưu tập một cách say mê và buồn bực về sự cẩu thả của cô con gái và bạn bè của nó, chỗ thì rách toạc, chỗ thì ảnh bị xáo trộn. Ông cố gắng sắp xếp lại cho có trật tự, uốn lại chiếc diềm trang trí bị cong.
Sau đó ông nảy ra ý nghĩ chuyển tất cả số établissement[23] này cùng với những quyển Album vào một góc phòng khác, đến gần các chậu hoa. Ông gọi đầy tớ và mong muốn hoặc vợ hoặc con gái ra giúp mình một tay. Họ không đồng ý sắp xếp như vậy, nói trái ý ông, ông cãi lại, tức giận, nhưng mọi việc đều tốt đẹp vì ông không nhớ đến nó, không trông thấy nó nữa.
Nhưng khi thấy ông tự mình xê dịch bàn ghế, vợ ông nói: “Mình cứ để đấy, khắc có người làm, mình lại làm khổ mình thôi”. Và bỗng nhiên nó thoáng hiện ra qua tấm màn che mắt, ông đã nhìn thấy nó. Nó đã thoáng hiện, ông vẫn còn hy vọng là nó sẽ biến đi, nhưng bất giác, ông chú ý lắng nghe chỗ cạnh sườn mình: Nó vẫn ngồi ở đó, vẫn gây nhức nhối như thế, ông không thể quên được nó nữa rồi, và rõ ràng là nó nhìn ông từ sau những chậu hoa. Để làm gì nhỉ, tất cả những chuyện đó?
“Quả thật, ta đã hy sinh đời mình ở đây, chỗ tấm rèm treo cửa sổ này, như trong một cuộc tấn công vậy. Có lẽ nào như thế? Thật khủng khiếp và ngu xuẩn biết bao! Không thể nào như vậy được. Không thể như vậy được, nhưng nó lại như vậy đấy”.
Ông vào phòng làm việc, nằm xuống và lại ở một mình với nó. Đối diện với nó mà không làm gì được nó. Chỉ có nhìn nó và lạnh toát cả người.
7
Không thể nói được việc đó đã xảy ra như thế nào vào tháng thứ ba, sau khi Ivan I lyich bị bệnh, vì nó diễn ra âm thầm từng bước một: Cả bà vợ, cả con gái và con trai ông, cả gia nhân và những người quen thuộc, lẫn các bác sĩ, và chủ yếu là chính bản thân ông, đều biết rằng mọi người chỉ quan tâm tối chỗ rốt cuộc liệu ông có nhanh chóng nhường chỗ, giải thoát người sống khỏi sự vướng víu do việc có mặt của ông gây ra, và tự giải thoát khỏi những đau khổ của mình hay không.
Ông ngủ ngày càng ít, người ta cho ông uống thuốc phiện và bắt đầu tiêm moóc-phin cho ông. Nhưng những cái đó không làm cho ông dễ chịu. Nỗi buồn ngấm ngầm mà ông cảm thấy trong trạng thái nửa thức nửa ngủ thoạt đầu chỉ làm cho ông dễ chịu như một cái gì mới mẻ, nhưng sau đó nó cũng trở thành nỗi đau dằn vặt, giống như vậy hoặc còn nhức nhối hơn cơn đau lộ liễu.
Người ta chuẩn bị cho ông những món ăn đặc biệt theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng đối với ông tất cả những món ăn này đều rất nhạt nhẽo và kinh tởm quá thể.
Người ta cũng đã làm những đồ dùng đặc biệt để ông đại tiện và lần nào ông cũng thấy khổ tâm. Khổ tâm vì sự bẩn thỉu, mùi hôi thối và sự bất nhã, và vì nghĩ rằng có một người khác phải tham gia vào chuyện này.
Nhưng trong cái việc khó chịu nhất nay lại xuất hiện niềm an ủi đối với Ivan I lyich. Bao giờ anh hầu bàn Ghêrasim cũng tới đổ bô cho ông.
Ghêrasim là một chàng trai trẻ tuổi, sạch sẽ, tươi tắn, nhờ cơm gạo thành phố mà béo đẫy người ra. Bao giờ anh cũng vui tươi, trong sáng. Thoạt đầu Ivan I lyich bối rối, khi trông thấy bộ dạng của một con người ăn mặc theo kiểu Nga, luôn luôn sạch sẽ mà lại phải làm cái việc kinh tởm đó.
Một lần ông rời bô đứng dậy, không đủ sức kéo quần dài lên, ông buông người ngồi phịch xuống chiếc ghế bành mềm và khiếp sợ nhìn đôi cẳng chân để trần bất lực, hằn rõ các bắp thịt của mình.
Ghêrasim vào phòng, bước chân khỏe khoắn nhẹ nhàng, anh đi đôi giày to tướng, đem theo vào phòng không khí tươi mát của mùa đông và mùi nhựa dễ chịu ở giày của mình anh. Anh mặc chiếc sơ-mi bằng vải hoa sạch sẽ, ngoài khoác chiếc tạp-dề tinh tươm bằng vải gai, Ổng tay áo xắn lên để lộ những cánh tay trần khỏe mạnh, trẻ trung. Anh không nhìn Ivan I lyich, rõ ràng là muốn kìm bớt niềm vui sống rạng rỡ trên vẻ mặt của anh để làm cho người ốm khỏi chạnh lòng, và bước lại gần chiếc bô.
– Ghêrasim, – Ivan I lyich nói một cách yếu ốt.
Ghêrasim giật mình, rõ ràng anh sợ mình sơ suất điều gì đó và nhanh nhẹn quay khuôn mặt trẻ trung tươi tắn, chất phác, đôn hậu, chỉ mới lún phún râu, về phía người ốm.
– Ngài cần gì ạ?
– Tôi chắc việc này làm anh khó chịu. Anh tha lỗi cho tôi, tôi không thể tự làm lấy được.
– Đâu ạ, – mắt Ghêrasim ngời sáng và anh nhe đôi hàm răng trẻ trung trắng muốt của mình. – Tại sao lại không chịu khó được ạ? Ông đang ốm mà.
Anh đưa đôi cánh tay nhanh nhẹn rắn chắc ra làm cái công việc quen thuộc của mình, rồi bước ra ngoài, dáng đi nhẹ nhõm. Năm phút sau anh quay trở lại, bước chân đi vẫn nhẹ nhõm như vậy.
Ivan I lyich vẫn ngồi trên ghế bành.
– Anh Ghêrasim này, – ông nói khi anh đặt chiếc bô đã cọ sạch vào chỗ cũ, – anh làm ơn lại đây giúp tôi. – Ghêrasim bước lại gần. – Anh nâng tôi lên. Tự mình tôi thì khó nhọc lắm, còn Đmitơri tôi vừa sai đi có việc rồi.
Ghêrasim bước sát lại cũng nhẹ nhàng như lúc bước đi, đôi cánh tay lực lưỡng của anh khéo léo ôm ông chủ, khẽ nâng ông lên, đỡ lấy ông, một tay anh kéo quần dài của ông lên và anh định đặt ông ngồi xuống. Nhưng Ivan I lyich yêu cầu anh đưa mình ra đi văng. Ghêrasim không cần phải cố gắng và tựa hồ như không siết vào người ông, dìu ông đi, gần như bồng ông tới đặt ở trên đi văng.
– Cám ơn anh. Anh khéo quá… làm việc gì cũng giỏi.