Cùng với ý nghĩ đó còn có cơn đau thể xác và thêm vào đó là nỗi khiếp sợ, vậy mà vẫn phải vào giường nằm và thường không ngủ được vì đau gần suốt đêm. Thế mà sáng hôm sau lại phải trở dậy, mặc quần áo, đi đến tòa án, nói năng, viết lách, còn nếu như không đi đâu thì ngồi ở nhà với đủ hai mươi bốn giờ trong một ngày đêm, mỗi giờ là một cực hình. Ông phải sống một mình, mấp mé cái chết, không có một người nào hiểu và thương ông cả.
5
Chừng hai tháng đã trôi qua như vậy. Trước dịp tết, người anh vợ đến thành phố của họ và nghỉ lại ở nhà họ. Ivan I lyich làm việc ở tòa án. Praskôvia Phêđôrốvna đi mua sắm. Trở về nhà, bước vào phòng làm việc của mình, ông bắt gặp người anh vợ, một tay hiếu động, khỏe mạnh, đang tự mình tháo dỡ va-li. Nghe thấy tiếng bước chân của Ivan I lyich, ông ta ngẩng đầu lên và im lặng nhìn ông trong chốc lát. Cái nhìn đó làm cho Ivan I lyich hiểu rõ tất cả. Người anh vợ hé miệng định “ồ” lên một tiếng, nhưng kìm lại được. Cử chỉ đó đã xác định tất cả.
– Thế nào, tôi thay đổi nhiều lắm à?
– Phải… có thay đổi. Và sau đó đã mấy lần Ivan I lyich lái ông anh vợ vào câu chuyện về diện mạo của mình, ông anh vợ vẫn tảng lờ. Khi Praskôvia Phêđôrốvna về, ông anh vợ bèn đi sang phòng bà. Ivan I lyich khóa cửa lại và bắt đầu ngắm mình trong gương, soi thẳng, rồi soi nghiêng. Ông lấy bức ảnh chụp cùng với vợ và đối chiếu chân dung mình với chân dung ông nhìn thấy trong gương. Thay đổi nhiều quá. Sau đó ông vén tay áo lên tận khuỷu, ngắm nghía, buông tay áo xuống, ngồi lên chiếc đi văng, nét mặt sa sầm”.
“Không nên thế, không nên”, – ông tự nhủ, bật người dậy, bước lại gần bàn, mở hồ sơ ra, bắt đầu đọc, nhưng đọc không nổi. Ông mở cửa, bước sang phòng lớn. Cửa vào phòng khách đóng kín. Ông nhón gót bước lại gần cửa và lắng nghe.
– Không, không, bác nói quá, – Praskôvia Phêđôrốvna nói.
– Nói quá thế nào? Cô không thấy chú ấy như người chết rồi ư, cô nhìn mắt chú ấy mà xem. Chả còn sáng nữa. Thế chú ấy làm sao?
– Nào có ai biết. Nhikôlaiév (đó là một vị bác sĩ khác) có nói gì đó, những tôi cũng không rõ. Lesetítski (đó là vị bác sĩ nổi tiếng) thì nói ngược lại…
Ivan I lyich bỏ đi, bước về phòng mình nằm và nghĩ: “Thận, thận di động”. Ông nhớ lại tất cả những điều các bác sĩ đã nói với ông về việc quả thận đã tách và đang di động như thế nào. Và bằng sự nỗ lực của trí tưởng tượng, ông cố gắng chộp lấy quả thận đó, chặn nó lại và giữ cho nó yên chỗ. Ông tưởng như muốn thế chẳng khó khăn gì lắm. “Không, không, mình sẽ còn đến nhờ Piốt Ivanôvích kia mà” (Đó là bạn của Ivan I lyich, ông ta có một người bạn là bác sĩ). Ông bấm chuông, ra lệnh thắng ngựa vào xe, rồi sửa soạn ra đi.
– Mình đi đâu thế, Jean – bà vợ hỏi với vẻ buồn bã đặc biệt và tốt bụng ít thấy.
Vẻ tốt bụng ít thấy đó làm cho ông tức giận. Ông lầm lầm nhìn bà.
– Tôi phải đi đến nhà Piốt Ivanôvích.
Ông đi tới nhà người bạn có bạn là bác sĩ. Và cùng với người bạn đi đến nhà bác sĩ. Ông đã gặp và nói chuyện lâu với bác sĩ. Khám tỉ mỉ về mặt cơ thể, và về mặt sinh lý học để tìm căn nguyên bệnh theo ý bác sĩ, Ivan I lyich đã hiểu cả.
Có một vật, một vật nhỏ trong manh tràng. Có thể chữa khỏi được. Tăng cường năng lực của bộ phận này, giảm hoạt động của bộ phận khác, sẽ hấp thụ được và thế là khỏi bệnh thôi. Ông trở về nhà ăn cơm trưa hơi muộn. Vừa ăn, ông vừa trò chuyện vui vẻ, nhưng mãi vẫn không thể quay về phòng mình được. Sau cùng ông bước sang phòng làm việc và ngồi xuống làm việc ngay. Ông đọc các hồ sơ, làm việc, nhưng cứ bị một ý nghĩ ám ảnh: ông có một nỗi niềm tâm sự quan trọng đang để hoãn lại. Xong việc là phải nghĩ đến nó ngay. Khi đọc xong hồ sơ, ông sực nhớ ra rằng niềm tâm sự đó chính là những ý nghĩ về manh tràng. Nhưng không chịu buông mình theo những ý nghĩ đó, ông bước vào phòng khách để dùng trà. Khách đang trò chuyện, chơi đàn pi-a-nô và hát. Trong đám khách khứa có viên dự thẩm, vị hôn phu đáng mong ước của con gái ông. Theo nhận xét của Praskôvia Phêđôrốvna, buổi tối hôm đó Ivan I lyich tỏ ra vui vẻ hơn những người khác, nhưng không giây phút nào ông quên rằng ông có những ý nghĩ quan trọng đang phải để hoãn lại về manh tràng. Đến mười một giờ, ông cáo lui về phòng mình. Từ ngày bị bệnh, ông ngủ một mình trong căn buồng nhỏ ở phòng làm việc của mình, về đến phòng, ông cởi quần áo và lấy một cuốn tiểu thuyết của Dôla[21], nhưng không đọc mà suy nghĩ. Và ông tưởng tượng ra cảnh manh tràng của mình đã được chữa khỏi đúng như mong ước. Ruột hấp thụ được, thải được và hoạt động bình thường của nó được khôi phục, ông tự nhủ: “Phải, tất cả là như thế đấy. Chỉ cần một điều là phải giúp đỡ sự hồi phục tự nhiên”. Sực nhớ tới thuốc, ông nhổm dậy lấy thuốc uống, rồi nằm ngửa lắng nghe tác dụng tốt đẹp của thuốc, xem nó tiêu diệt cơn đau như thế nào. “Chỉ cần uống thuốc đều đặn và tránh những ảnh hưởng có hại. Bây giờ mình đã cảm thấy khá hơn chút ít, khá hơn nhiều”. Ông tắt nến và xoay người nằm nghiêng… Manh tràng đã được chữa lành, đang thẩm thấu. Bất chợt ông cảm thấy cơn đau cũ quen thuộc, âm ỉ, nhức nhối, dai dẳng, lặng lẽ, trầm trọng. Miệng ông vẫn có cái vị quen thuộc quái ác đó. Tim ông thót lại, đầu óc rối bời. “Trời ơi, trời ơi, – ông thốt lên. – Lại đau, lại đau, chẳng bao giờ dứt được”. Và bỗng nhiên ông hình dung bệnh tình từ một phía hoàn toàn khác. Ông tự nhủ: “Manh tràng! Thận. Vấn đề không phải là ở manh tràng, không phải là ở thận, mà là ở chuyện sống và… chết. Phải, ta đã sống và kìa, cuộc sống bỏ đi, nó bỏ đi và ta không thể nào giữ nó lại được. Phải rồi. Lừa dối mình để làm gì? Chả lẽ tất cả mọi người, trừ mình, lại không thấy rõ rằng mình đang hấp hối và cái chết chỉ còn tính bằng tuần lễ, bằng ngày, có lẽ ngay giờ đây hay sao? Trước là cõi dương, còn bây giờ là cõi âm. Mình đã từng ở đây, còn bây giờ thì sang thế giới bên kia! Bây giờ mình đi đâu?” Ông lạnh toát cả người, tắc thở, ông chỉ nghe thấy tiếng tim đập thình thịch.
“Mình sẽ không còn nữa, thế rồi sẽ ra sao nhỉ? Sẽ chẳng có gì hết. Thế là mình sẽ ở đâu, khi mình không còn nữa? Lẽ nào đó lại là cái chết? Không, ta không muốn chết”. Ông chồm dậy, muốn thắp nến lên, bàn tay run rẩy của ông sờ soạng, – ông đánh rơi cây nến cắm trong giá nến xuống sàn, rồi lại nằm vật lên gối. “Để làm gì nhỉ? Đằng nào cũng thế thôi, – ông tự nhủ, cặp mắt mở to nhìn vào bóng tối. – Cái chết. Phải, cái chết. Và họ chẳng ai hay biết, họ không muốn biết, cũng không thương xót mình. Họ đang đàn hát. (Ông nghe thấy tiếng cười nói âm vang và tiếng nhạc dạo ở xa vọng qua cánh cửa). Đối với họ đằng nào cũng thế thôi, và họ cũng sẽ chết. Ngốc thật! Mình chết trước, còn họ chết sau. Rồi họ cũng sẽ chết. Vậy mà họ hớn hở vui chơi. Lũ súc sinh!” Sự hằn học làm ông nghẹt thở. Ông bắt đầu cảm thấy đau đớn, nặng nề không chịu nổi. Không có lẽ nào mọi người luôn luôn phải chịu nỗi sợ hãi khủng khiếp đó. Ông nhổm dậy.
“Có cái gì không ổn đây. Phải bình tĩnh, phải nghiền ngẫm lại tất cả từ đầu”. Thế rồi ông bắt đầu nghiền ngẫm. “Phải, từ lúc bệnh mới chớm. Sườn mình bị va mạnh, và mình vẫn chẳng sao, hôm đó cũng như ngày hôm sau; thấy hơi nhức, sau đau nhiều, rồi phải đi bác sĩ, rồi rầu rĩ, sầu não, lại phải đi đến bác sĩ; còn mình thì cứ ngày càng đi gần sát tới vực thẳm. Sức lực giảm sút. Gần sát, gần sát vực thẳm, thế rồi mình khô héo đi, mắt không còn ánh sáng nữa. Và cái chết tới, thế mà mình lại đi nghĩ về khúc ruột. Mình nghĩ làm thế nào để chữa chạy khúc ruột, nhưng đó lại là cái chết. Chả lẽ lại là cái chết?” Ông lại khiếp sợ, nghẹt thở, cúi người xuống, tìm diêm, khuỷu tay tì lên chiếc tủ nhỏ để cạnh giường. Chiếc bàn đó khiến ông vướng víu, làm ông đau, ông tức mình với nó, bực bội tì mạnh lên nó và làm cho chiếc bàn nhỏ đổ kềnh. Tuyệt vọng, ông thở hổn hển, nằm vật ngửa ra giường, chờ đợi cái chết tức thời.
Lúc đó khách khứa ra về. Praskôvia Phêđôrốvna tiễn họ. Nghe tiếng bàn đổ, bà bước vào phòng.
– Gì thế mình?
– Có gì đâu. Tôi vô ý đánh đổ.
Bà bước ra khỏi phòng, lấy nến đem tới. Ông nằm đó, thở gấp và ì ạch như một người đã chạy qua hàng vécsta, mắt nhìn bà trừng trừng.
– Mình sao thế, Jean?
– Chả… sao… cả. Tôi… đánh… đổ. “Nói làm gì. Bà ấy sẽ không hiểu đâu”, – ông nghĩ.
Đúng là bà không hiểu. Bà nâng cây nến lên, thắp nến cho ông, rồi vội vã đi ra, bà còn phải tiễn khách ra về.
Khi bà quay trở lại, ông vẫn nằm ngửa như thế, mắt nhìn lên trần:
– Mình thấy thế nào, hay là đau hơn?
– Ừ.
Bà lắc đầu, ngồi xuống.
– Jean này, mình biết không, tôi nghĩ liệu có nên mời Lesetítski đến không.
Nghĩa là bà định mời vị bác sĩ nổi tiếng và không tiếc tiền. Ông mỉm cười cay độc và nói: “Không”. Bà ngồi một lát, bước lại gần và hôn lên trán ông.
Khi bà hôn ông, ông vô cùng căm ghét và ông đã cố gắng để không đẩy bà ra.
– Cầu Chúa cho mình ngủ được. Thôi, tôi đi nhé.
– Ừ.
6
Ivan I lyich thấy mình đang chết dần và thường xuyên tuyệt vọng.
Trong thâm tâm Ivan I lyich biết rằng ông sắp chết, nhưng không những ông không quen, mà còn không hiểu, không tài nào hiểu được điều đó.
Ông đã đọc được một thí dụ về tam đoạn luận trong sánh lô gích học của Kideveter[22]: Kai là một con người. Mọi người đều phải chết. Bởi thế Kai cũng sẽ chết. Suốt đời mình, ông tưởng như cái thí dụ này chỉ đúng đối với Kai thôi, chứ không hề đúng với ông. Kai là một con người, một con người nói chung và điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng ông không phải là Kai và không phải là một con người nói chung, mà bao giờ ông cũng là con người đặc biệt, hoàn toàn đặc biệt, khác tất cả mọi người. Ông là Ivan đối với bố mẹ ông, anh em ông, với các đồ chơi, với các bà đánh xe, với vú nuôi và sau đó là với Kachia, cùng với mọi nỗi vui buồn phấn khởi của thời thơ ấu, thời thanh niên. Có lẽ nào Kai lại chịu được mùi quả bóng ghép bằng da mà Ivan vẫn ưa thích! Lẽ nào Kai đã hôn tay mẹ mình như thế và lẽ nào nếp áo lụa của mẹ cũng sột soạt như thế đối với Kai? Lẽ nào anh ta lại nổi khùng lên vì món bánh ngọt ở trường Tư pháp? Lẽ nào Kai lại yêu đương như thế? Lẽ nào Kai lại có thể chủ trì các phiên tòa như thế?