Thậm chí có buổi tối họ tổ chức khiêu vũ tại nhà ông. Ivan I lyich vui vẻ, mọi việc đều tốt đẹp, trừ cuộc cãi cọ lớn giữa ông với vợ về chuyện bánh ga-tô và kẹo: Praskôvia Phêđôrốvna đã có kế hoạch riêng của mình, nhưng Ivan I lyich cứ khẩn khoản đòi mua tất cả ở một cửa hàng bánh kẹo đắt tiền và đã đặt nhiều bánh ga-tô. Họ cãi nhau vì bánh ga-tô còn thừa và tiền trả cho cửa hàng bánh kẹo lên tới bốn mươi lăm rúp. Cuộc cãi cọ lớn và khó chịu đến nỗi Praskôvia Phêđôrốvna bảo ông: “Đồ ngu, cái gì cũng kêu ca”. Còn ông đưa tay ôm lấy đầu và hằm hằm nói đến chuyện ly dị. Nhưng tối khiêu vũ đó vui vẻ. Giới thượng lưu tới dự và Ivan I lyich nhảy với nữ công tước Tơruphônôva, chị em với người đàn bà nổi tiếng vì đã lập ra hội “Hãy giải phiền cho tôi”[18]. Niềm vui trong công vụ là niềm vui của lòng tự ái, niềm vui trong giới xã giao là niềm vui của hư danh, nhưng niềm vui thật sự của Ivan I lyich là được chơi bài uyxtơ. Ông thú nhận rằng sau tất cả mọi chuyện, sau những biến cố dù chẳng vui vẻ gì trong đời ông, niềm vui lóe sáng như ngọn nến đối với ông là được ngồi chơi bài uyxtơ với những tay chơi biết điều, ít lời và nhất định là phải chơi tay tư (chơi tay năm thế nào ấy, rất khó chịu tuy ông làm ra vẻ cũng thích chơi), chơi ván bài thông minh, nghiêm túc, sau đó ăn bữa tối và uống một cốc rượu vang. Sau khi chơi bài, đặc biệt là khi ông được một chút (được nhiều ông lại khó chịu) Ivan I lyich đi nằm, lòng khoan khoái đặc biệt.
Họ đã sống như thế. Giới xã giao gồm những loại tinh hoa, cả những vị tai mắt lẫn đám trẻ, lui tới nhà ông. Về phương diện chọn người để giao du, cả hai vợ chồng và cô con gái đều hoàn toàn nhất trí, và tuy không bảo nhau, họ đều gạt bỏ bất kỳ loại bạn bè, họ hàng và những người lem luốc nào dám trìu mến lao tới phòng khách tường treo đầy những đĩa sứ Nhật Bản của họ. Chẳng bao lâu, những bạn bè lem luốc đó thôi không lai vãng tới chỗ họ nữa và chỉ còn độc giới thượng lưu lui tới gia đình Gôlôvin. Đám thanh niên ve vãn Êlidavêta, và Pêtơrisér con trai của Đmitơri Ivanôvích Pêtơrisér, người thừa kế duy nhất gia sản của ông bố, làm dự thẩm, bắt đầu theo đuổi Êlidavêta tới mức Ivan I lyich đã nói về chuyện đó với Praskôvia Phêđôrốvna: Có nên đưa chúng nó đi dạo chơi bằng xe tam mã hay là thu xếp cho chúng nó đi xem kịch không. Họ đã sống như thế. Và mọi việc đã trôi qua như thế, không thay đổi, tất cả đều rất tốt đẹp.
4
Mọi người đều khỏe mạnh. Đôi khi Ivan I lyich nói rằng ông thấy trong miệng có một vị gì lạ và ở mé bụng bên trái của ông có cái gì không ổn, nhưng không thể gọi đó là đau yếu được.
Nhưng rồi sự bất ổn đó ngày càng tăng thêm và tuy chưa chuyển thành đau, nhưng Ivan I lyich cứ cảm thấy mạng sườn của mình luôn nằng nặng và tâm thần ông kém phấn chấn. Tâm thần ông cứ ngày càng kém phấn chấn, do đó ảnh hưởng đến cuộc sống dễ chịu, thoải mái và lịch thiệp đã hình thành trong gia đình Gôlôvin. Vợ chồng cãi nhau luôn, cuộc sống của họ mất ngay sự thoải mái dễ chịu, và khó khăn lắm mới còn giữ được vẻ lịch thiệp, cảnh xô xát lại diễn ra dồn dập. Chỉ còn lại ít những hòn đảo nhỏ, trên đó hai vợ chồng có thể hòa hợp không bùng nổ.
Và bây giờ Praskôvia Phêđôrốvna nói không phải không có cơ sở rằng tính nết của chồng bà rất khó chịu. Vốn quen nói ngoa, bà nói rằng tính nết ông lúc nào cũng kinh khủng như vậy, rằng bà phải tốt bụng lắm mới chịu đựng nổi tính nết đó suốt hai mươi năm nay. Bây giờ quả thật những cuộc cãi cọ bắt đầu từ ông. Bao giờ ông cũng bắt đầu bới móc trước bữa ăn trưa và thường thường ông làm việc đó vào lúc bắt đầu ăn súp. Khi thì ông nhận xét rằng bát đĩa rửa chưa sạch, khi thì món ăn không ra gì, khi thì ông trách móc cậu con trai chống cùi tay lên bàn[19], khi thì ông chê kiểu chải đầu của cô con gái. Và ông quy tội cho Praskôvia Phêđôrốvna về tất cả những chuyện đó. Thoạt đầu bà phản đối và nặng lời với ông, nhưng đã hai lần trước khi ăn trưa, ông nổi khùng lên, đến nỗi bà hiểu rằng đây là bệnh trạng do việc tiêu hóa của ông gây ra, cho nên bà đấu dịu, không phản đối ông nữa, mà chỉ ăn nhanh lên cho xong. Praskôvia Phêđôrốvna cho rằng mình rất có công trong việc đấu dịu. Cho rằng chồng mình tính tình khủng khiếp và làm cho đời mình bất hạnh, bà đâm ra thương thân. Và càng thương hại bản thân mình bao nhiêu, bà càng căm ghét chồng bấy nhiêu. Bà bắt đầu mong cho ông chết, nhưng bà không dám cầu mong như thế, bởi vì lúc ấy sẽ không còn tiền lương. Điều đó càng làm cho bà chống lại ông một cách tức bực hơn. Bà coi mình là một kẻ cực kỳ bất hạnh, chính ở chỗ ngay đến cái chết của ông cũng không thể cứu được bà, bà bực tức, giấu giếm sự bực tức đó, và sự bực tức ngấm ngầm này của bà càng làm tăng thêm sự bực tức của ông.
Sau một trận cãi nhau trong đó Ivan I lyich tỏ ra đặc biệt bất công, và khi hai người phân bua với nhau, ông nói rằng đúng là ông có tức bực, nhưng đó là do bệnh hoạn, bà bèn bảo ông nếu như ông ốm thì phải điều trị và yêu cầu ông đến nhà một bác sĩ nổi tiếng để khám.
Ông đi khám bệnh. Mọi việc diễn ra đúng như ông chờ đợi, tất cả diễn ra đúng như lệ thường. Nào cảnh đợi chờ, nào vẻ bệ vệ giả tạo của bác sĩ, vẻ bệ vệ quen thuộc mà ông từng thấy ở mình tại tòa án, nào gõ gõ, nghe nghe, nào những câu hỏi yêu cầu những câu trả lời đã định sẵn và hiển nhiên là không cần thiết, nào là vẻ trang trọng như có ý bảo cho anh biết rằng anh cứ việc phó thác mình cho chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ thu xếp đâu vào đấy, mọi người đều biết và tin rằng chúng tôi có thể thu xếp mọi việc đâu vào đấy, bất kỳ đối với người nào chúng tôi đều chỉ có một cách thức duy nhất thôi. Mọi việc đã diễn ra đúng y như ở tòa án. Ở tòa án ông giữ bộ mặt như thế nào với các bị cáo, thì ở đây, các bác sĩ nổi tiếng cũng giữ vẻ mặt như vậy đối với ông.
Vị bác sĩ nói rằng, cái này và cái nọ chứng tỏ rằng trong người ông có chuyện này và chuyện nọ, nhưng nếu như việc nghiên cứu không khẳng định cái này và cái nọ ấy, thì phải giả định rằng ông bị bệnh nọ và bệnh kia. Nếu như cho rằng ông bị thế này thì lúc đó, … Đối với Ivan I lyich, chỉ có mỗi một câu hỏi là quan trọng: Tình trạng của ông có nguy hiểm hay không? Nhưng vị bác sĩ không đếm xỉa gì đến câu hỏi không đúng chỗ đó. Theo quan điểm của bác sĩ đó là một câu hỏi phù phiếm và không đáng bàn cãi. Chỉ còn có việc cân nhắc các khả năng: Thận di động, viêm chảy mãn tính, và bệnh manh tràng. Không có vấn đề về sự sống chết của Ivan I lyich, chỉ có sự tranh cãi giữa thận di động và manh tràng. Và vị bác sĩ giải quyết một cách xuất sắc cuộc tranh cãi đó ngay trước mặt Ivan I lyich; ông thiên về bệnh manh tràng và rào đón thêm rằng nếu như việc thử nước tiểu đưa ra những chứng cớ mới, thì lúc ấy vấn đề sẽ được xem xét lại. Chính bản thân Ivan I lyich cũng đã giải quyết một cách xuất sắc đúng như vậy hàng nghìn lần đối với các bị cáo. Vị bác sĩ cũng đắc ý, vui vẻ đưa ra lời nhận xét tóm tắt xuất sắc của mình, thậm chí còn ngước mắt lên phía trên kính để nhìn bị cáo của mình. Từ nhận xét tóm tắt của bác sĩ, Ivan I lyich rút ra kết luận rằng bệnh tình của mình trầm trọng, đối với bác sĩ và có lẽ đối với mọi người thì đằng nào cũng thế thôi, còn đối với ông thì gay go. Kết luận đó làm cho Ivan I lyich bực bội một cách bệnh hoạn, khiến cho ông vô cùng thương hại mình và hết sức bực bội đối với vị bác sĩ dửng dưng trước vấn đề quan trọng nhường ấy.
Nhưng ông không nói gì cả, đứng dậy, đặt tiền lên bàn và thở dài, thốt ra:
– Bệnh nhân chúng tôi có lẽ thường hỏi ông những câu hỏi không đúng chỗ. Nói chung đây có phải là bệnh nguy hiểm hay không?…
Vị bác sĩ nghiêm khắc nheo một mắt nhìn ông qua cặp kính như ý nói: Bị cáo, nếu như anh không dừng lại trong khuôn khổ những câu hỏi được nêu lên đối với anh, tôi sẽ bắt buộc phải ra lệnh đuổi anh khỏi phòng xử án.
– Tôi đã nói với ông tất cả những gì coi như cần thiết và thích hợp, – bác sĩ nói. – Việc xét nghiệm sẽ cho thấy bệnh tình diễn biến ra sao. – Và bác sĩ nghiêng mình chào.
Ivan I lyich thong thả bước ra, rầu rĩ ngồi lên xe trượt tuyết và đi về nhà. Suốt dọc đường ông không ngừng phân tích tất cả những điều bác sĩ nói, cố gắng chuyển những từ ngữ khoa học mù mờ rối rắm đó sang ngôn ngữ thông thường, và tìm ở đó lời giải đáp cho câu hỏi: Bệnh mình nặng, rất nặng hay là còn chưa việc gì? Và ông tưởng như tất cả những điều bác sĩ đã nói với ông có nghĩa là bệnh ông rất trầm trọng. Ivan I lyich tưởng như mọi vật trên phố đều buồn. Những người đánh xe ngựa buồn bã, những ngôi nhà buồn bã, những khách qua đường, những cửa hiệu buồn bã. Cơn đau âm ỉ ấy, cơn đau nhức nhối không ngừng một giây phút nào, gắn với những lời lẽ mù mờ của vị bác sĩ tưởng chừng như có một ý nghĩa khác, nghiêm khắc hơn. Giờ đây, với một cảm giác nặng nề mới, Ivan I lyich lắng nghe cơn đau.
Về đến nhà, ông bắt đầu kể cho vợ nghe. Bà vợ lắng nghe, nhưng giữa chừng câu chuyện của ông, cô con gái đội chiếc mũ nhỏ đi vào: Cô sửa soạn để đi cùng với mẹ. Cô cố gắng ghé ngồi xuống để nghe câu chuyện buồn chán này, nhưng không chịu được lâu và bà mẹ cũng chẳng nghe hết câu chuyện.
– Thôi được, tôi rất mừng, – bà vợ nói, – bây giờ mình phải chú ý uống thuốc cẩn thận đấy nhé. Mình đưa đơn thuốc đây, tôi sẽ sai thằng Ghêrasim ra hiệu thuốc mua, – và bà đi thay quần áo.