Sau một đêm thức trắng đi đi lại lại ngoài hiên, Ivan I lyich quyết định đi Peterburg để chạy vạy làm sao tìm được cách trừng phạt chúng, những kẻ đã không biết đánh giá ông và xin chuyển sang làm ở một bộ khác.
Hôm sau, mặc mọi lời can ngăn của vợ và anh vợ, ông đi Peterburg.
Ông ra đi với một mục đích: xin một chỗ làm với số tiền lương là năm nghìn rúp. Ông cũng chẳng quan tâm đó là bộ nào, hoạt động loại gì và thuộc khuynh hướng nào. Ông chỉ cần có một chỗ làm việc với tiền lương năm nghìn, làm trong ngạch hành chính, ở nhà băng, trong ngành đường sắt, trong các công sở của nữ hoàng Maria[16] thậm chí trong ngành thuế quan cũng được, nhưng nhất thiết phải được năm nghìn và nhất thiết phải ra khỏi cái bộ mà người ta đã không biết đánh giá ông cho đúng.
Chuyến đi đó của Ivan I lyich đã thành công một cách bất ngờ lạ lùng. Một người quen của ông, Ph.X.Ilin, trên toa xe lửa hạng nhất tại Kurxkơ đã thông báo cho ông biết bức điện sốt dẻo do tổng trấn tỉnh này mới nhận được nói về sự đảo lộn xảy ra mới đây ở trong bộ: Người ta đã bổ nhiệm Ivan Xêmiônôvích thay thế Piốt Ivanôvích.
Ngoài ý nghĩa của nó đối với nước Nga, sự biến đổi mà người ta đã dự đoán đó có một ý nghĩa đặc biệt đối với Ivan I lyich ở chỗ nó đề bạt một nhân vật mới là Piốt Pêtơrôvích và hiển nhiên cả bạn ông là Dakhar Ivanôvích nữa. Ivan I lyich hết sức vui mừng vì Dakhar Ivanôvích là bạn và đồng nghiệp của ông.
Tin đó đã được khẳng định là đúng ở Mátxcơva. Tới Peterburg, Ivan I lyich tìm gặp Dakhar Ivanôvích và được bạn hứa hẹn là sẽ để ông giữ một chức vụ chắc chắn trong bộ Tư pháp trước đây của ông.
Một tuần sau ông đánh điện cho vợ: Dakhar thay chân Miler, anh sẽ được bổ nhiệm trong bản tường trình đầu tiên[17].
Nhờ có sự thay đổi nhân sự này, Ivan I lyich bất ngờ đã được bổ nhiệm vào một chức vụ khiến ông đứng cao hơn các bạn đồng nghiệp hai bậc: Năm nghìn tiền lương và ba nghìn rưỡi tiền phụ cấp di chuyển. Ivan I lyich rất sung sướng, quên hết mọi bực tức đối với tất cả bộ và những kẻ thù trước đây của mình.
Ivan I lyich trở về làng quê vui vẻ, hài lòng, điều lâu nay ít thấy. Praskôvia Phêđôrốvna cũng tỏ ra vui vẻ và giữa họ đã có sự hòa hoãn. Ivan I lyich kể chuyện cho biết ở Peterburg tất cả mọi người đã ăn mừng ông như thế nào, tất cả những người trước đây là kẻ thù của ông đã xấu hổ và giờ đây quỵ luỵ trước mặt ông ra làm sao, người ta thèm muốn địa vị của ông như thế nào, đặc biệt là ở Peterburg mọi người tha thiết yêu mến ông ra sao.
Praskôvia Phêđôrốvna lắng nghe chồng nói tất cả những chuyện đó và làm ra vẻ tin là thực, không nói đâm ngang, mà chỉ vạch ra những kế hoạch để sắp xếp cuộc sống mới tại thành phố mà họ sẽ chuyển tới. Ivan I lyich sung sướng thấy những kế hoạch này chính là kế hoạch của ông, tưởng vợ chồng đã nhất trí với nhau và cuộc sống bế tắc của ông lại có được niềm vui thú và vẻ lịch thiệp thật sự tiêu biểu cho nó.
Ivan I lyich về nhà được một thời gian ngắn. Ông phải nhậm chức vào ngày 10 tháng Chín, ngoài ra cũng phải có thời giờ để thu xếp ở nơi làm việc mới, vận chuyển các thứ ở tỉnh lẻ về, mua sắm, đặt làm nhiều thứ khác nữa. Tóm lại, ông còn phải thu xếp theo đúng như sự tính toán trong đầu óc ông và hầu như cũng theo đúng như sự tính toán trong lòng Praskôvia Phêđôrốvna.
Giờ đây, khi mọi việc đã được thu xếp tốt đẹp, và khi hai vợ chồng nhất trí với nhau về mục đích, hơn nữa, khi họ ít sống cùng với nhau, họ lại đâm ra hòa thuận như họ chưa từng hòa thuận từ ngày mới cưới đến giờ. Ivan I lyich định chuyển gia đình đi ngay, nhưng bà chị vợ và ông anh rể – bỗng trở nên đặc biệt dễ mến và thân thiết đối với Ivan I lyich và gia đình ông – cứ khẩn khoản giữ vợ ông lại, vì thế Ivan I lyich đã ra đi một mình.
Ivan I lyich ra đi, trong lòng luôn luôn cảm thấy phấn chấn vui vẻ vì sự thành đạt mới và vì sự giải hòa với vợ. Ông tìm được căn nhà ở tuyệt vời mà hai vợ chồng hằng ao ước. Những phòng tiếp khách cao ráo rộng rãi theo kiểu cổ, phòng làm việc bề thế tiện nghi, các phòng dành cho vợ và con gái, phòng học cho cậu con trai, cứ như thể người ta cố ý xây dựng nhà dành riêng cho họ. Ivan I lyich trực tiếp bắt tay vào việc bài trí ngôi nhà, ông lựa chọn giấy lót tường, vải bọc lót, mua sắm đồ gỗ, đặc biệt là đồ gỗ cổ, vì ông cho là nó mang phong cách tao nhã đặc biệt. Tất cả cứ phát triển dần lên và đạt tới mức lý tưởng mà ông dự định. Mới tiến hành được một nửa, việc bài trí đã vượt qua sự mong đợi của ông. Ông hiểu rằng khi mọi việc xong xuôi, căn nhà sẽ không tầm thường mà mang vẻ tao nhã lịch sự. Ông nằm lơ mơ, hình dung căn phòng lớn sau này sẽ như thế nào. Nhìn phòng khách còn chưa bài trí xong, ông đã thấy nào lò sưởi, màn che, giá sách, những chiếc ghế tựa nhỏ để rải rác, những chiếc đĩa sứ treo trên tường và các đồ trang trí bằng đồng. Ông sung sướng nghĩ rằng mình sẽ làm cho vợ và con gái ngạc nhiên, vợ con ông vốn cũng là người sành sỏi về thẩm mỹ. Họ cũng sẽ không ngờ được như thế. Đặc biệt là ông đã tìm mua rẻ được nhiều đồ cổ, những thứ này làm cho toàn bộ sự bài trí có tính chất cao quý. Để làm cho vợ con ngạc nhiên, trong thư ông cố ý miêu tả ngôi nhà xoàng xĩnh hơn trên thực tế. Mọi việc đã lôi cuốn ông đến nỗi một người say mê công việc như ông lại đâm ra ít quan tâm đến công vụ mới, đây là điều ông không ngờ tới. Lúc hội họp, ông có những giây phút đãng trí: ông mải suy nghĩ không biết mình sẽ làm thanh lao treo rèm cửa thẳng hay cong. Ông say sưa đến mức thường tự mình bắt tay vào việc, thậm chí ông kê lại đồ gỗ và tự mình treo rèm cửa sổ. Một lần ông trèo lên chiếc thang nhỏ để chỉ dẫn cho người thợ bọc lót đồ gỗ hiểu ý ông muốn làm như thế nào, ông bị trượt chân và ngã, nhưng vì vốn là người khỏe mạnh và nhanh nhẹn, ông đã đứng vững được, chỉ bị va cạnh sườn vào cạnh một chiếc khung gỗ. Chỗ chấn thương gây đau, nhưng mau khỏi. Trong thời gian đó, Ivan I lyich cảm thấy đặc biệt vui vẻ và khỏe khoắn. Ông viết thư cho vợ: anh cảm thấy mình trẻ lại đến mười lăm tuổi. Ông tưởng tới tháng Chín sẽ xếp sắp xong nhà cửa, nhưng công việc kéo dài mãi đến giữa tháng Mười. Bù lại, căn nhà đã được bài trí một cách tuyệt vời, không phải chỉ mình ông, mà tất cả những ai được thấy ngôi nhà cũng đều nói với ông như thế.
Những kẻ không giàu lắm cứ thích học đòi bắt chước những người giàu có và bởi thế những kẻ học đòi này lại đâm ra giống nhau: Nào vải bọc lót đồ gỗ, đồ đạc bằng gỗ mun, hoa hoét, nào thảm, nào đồ trang trí bằng đồng, nào thứ màu thẫm, nào thứ màu rực rỡ – nghĩa là đủ mọi thứ mà tất cả những người thuộc một hạng nào đó cố bày biện cho giống với tất cả những người thuộc hạng mình. Ngôi nhà của Ivan I lyich cũng được bài trí giống như thế, khiến cho người ta thậm chí không hề chú ý tới, nhưng ông ta cứ tưởng ngôi nhà của mình đặc biệt lắm. Ông ra ga đón vợ con, đưa họ về ngôi nhà mình đã sửa soạn sẵn, đèn nến sáng choang, anh đầy tớ thắt chiếc cà vạt trắng mở rộng cửa mời họ vào phòng ngoài đầy hoa, tiếp đó họ bước vào phòng khách, phòng làm việc, và vợ con hết ồ lại à vẻ khoái trá, – Ivan I lyich rất sung sướng, dẫn vợ con đi khắp các phòng, uống từng lời khen của họ và mặt mũi rạng rỡ lên vì thỏa mãn. Ngay chiều tối hôm đó, sau khi uống trà, Praskôvia Phêđôrốvna nhân tiện hỏi xem ông đã bị ngã như thế nào, ông cả cười và dùng nét mặt mô tả cho họ thấy ông đã bay vút xuống và làm cho anh thợ bọc lót hú vía ra sao.
– Anh đã không uổng công tập thể dục. Người khác thì cứ gọi là tan xác, còn anh chỉ bị đập nhẹ vào đây. Khi động vào thì thấy đau, nhưng đã khỏi rồi, còn tím tí chút thôi.
Và họ bắt đầu sống trong căn nhà mới, là nơi, theo thói thường, khi người ta đã thích nghi với cuộc sống đầy đủ, họ thấy thiếu mất một phòng, và với những bổng lộc mới, mà theo thói thường, họ thấy hơi thiếu một chút – khoảng độ năm trăm rúp – và họ tỏ ra rất sung sướng. Thời gian đầu, họ đặc biệt sung sướng, lúc mọi việc chưa sắp xếp xong và còn phải tiếp tục sắp xếp: Nào đặt làm, nào mua sắm, lúc kê dọn lại chỗ này, khi sửa sang lại chỗ kia. Tuy giữa hai vợ chồng có đôi điều bất đồng, nhưng cả hai đều đắc ý, và vì còn nhiều việc phải làm nên rốt cuộc không có những cuộc cãi cọ lớn. Khi chả còn việc gì để sắp xếp nữa, họ bắt đầu thấy hơi chán và cảm thấy thiếu một cái gì đó; nhưng bây giờ họ đã có những mối giao du mới, những thói quen mới rồi, cho nên cuộc sống vẫn không hề trống trải.
Buổi sáng, Ivan I lyich làm việc ở tòa án, ông trở về nhà ăn bữa trưa và thời gian đầu ông cảm thấy tinh thần phấn chấn, tuy đã hơi bực mình về chuyện nhà ở (bất cứ một vết bẩn nào trên khăn trải bàn, trên vải bọc đồ gỗ, bất cứ một dây buộc rèm cửa nào bị buột ra đều khiến ông nổi cáu! Ông đã để biết bao công sức vào việc bài trí, cho nên bất kỳ sự xộc xệch nào đều khiến ông đau lòng).
Nhưng nói chung, cuộc sống của Ivan I lyich đã diễn ra đúng như ông mong ước: Thoải mái, dễ chịu và lịch sự. Ông dậy lúc chín giờ, uống cà-phê, đọc báo, sau đó ông mặc lễ phục vào, rồi đi đến tòa án. Ở đó, ông rơi ngay vào ách nặng của công việc: Những người đến kêu cầu, những bản điều tra, công việc văn thư, các phiên tòa xét xử công khai hoặc những cuộc hội họp mà ông phải chủ trì. Trong tất cả những công việc này, cần phải biết loại trừ tất cả những gì sống sượng, dính dáng đến cuộc sống, cứ luôn luôn làm đảo lộn công việc xuôi chiều đúng đắn của công vụ: Không được chấp nhận một quan hệ nào với con người, ngoài quan hệ trong công vụ, và mọi lý do quan hệ phải là lý do có tính chất công vụ, và bản thân các quan hệ cũng chỉ được mang tính chất công vụ mà thôi. Chẳng hạn, có một người đến và mong muốn tìm hiểu điều gì đó, Ivan I lyich làm như là một người không có chức vụ và không thể có quan hệ gì với người đó, nhưng nếu như con người đó có quan hệ chẳng hạn như với một vị ủy viên, tức là cái quan hệ có thể được diễn đạt trên giấy tờ với tiêu ngữ in sẵn, thì Ivan I lyich dứt khoát sẽ làm mọi việc có thể làm được trong khuôn khổ của những quan hệ đó, đồng thời vẫn giữ được một cái gì giống như quan hệ bè bạn giữa con người với nhau, nghĩa là vẫn giữ được sự lễ độ. Một khi quan hệ sự vụ chấm dứt, mọi quan hệ khác cũng chấm dứt, Ivan I lyich đã biết cách phân biệt rành rọt phương diện công vụ, không xáo trộn nó với cuộc sống thật sự của mình. Do thực tiễn làm việc lâu năm và do tài năng ông đã đưa cách thức đó của mình đạt tới mức độ cao, thậm chí với tư cách là một người lão luyện trong nghề, đôi khi ông đã cho phép mình, tựa hồ như để đùa chơi, xáo trộn quan hệ công vụ và quan hệ tình người. Ông cho phép mình làm như vậy vì ông cảm thấy bao giờ mình cũng có đủ sức mạnh để khi cần thiết lại tách riêng quan hệ công vụ ra và vứt bỏ quan hệ tình người đi. Ivan I lyich tiến hành công việc một cách không những nhẹ nhõm dễ chịu và lịch thiệp mà thậm chí còn điêu luyện nữa. Vào giờ nghỉ giữa chừng, – ông hút thuốc lá, uống nước trà, trò chuyện chút ít về chính trị, chút ít về những việc chung, chút ít về các ván bài và nói nhiều hơn hết tới các việc bổ nhiệm. Ông trở về nhà, mệt mỏi, nhưng với cảm giác của một tay đàn điêu luyện đã làm nổi bật cây vĩ cầm hạng nhất của mình giữa cả dàn nhạc, về nhà ông thấy vợ và con gái đi chơi đâu đó hoặc đang tiếp khách, còn cậu con trai học trung học đang chuẩn bị bài cùng với các thầy dạy kèm và chăm chỉ học những điều người ta dạy nó ở trường trung học. Mọi việc đều tốt đẹp. Sau bữa ăn trưa, nếu như không có khách, đôi khi Ivan I lyich đọc cuốn sách mà nhiều người nói tới và buổi chiều ông ngồi làm việc, nghĩa là đọc giấy tờ, tra cứu luật pháp, đối chiếu những lời khai và dùng luật xem xét chúng. Ông làm việc đó chẳng buồn chán, cũng chẳng vui thích. Nếu buồn chán, thì có thể bỏ đi chơi bài uyxtơ, nhưng nếu như không chơi bài được, thì dù sao làm việc thế vẫn cứ tốt hơn là ngồi một mình hoặc ngồi với vợ. Ivan I lyich thỏa mãn vì những bữa ăn nho nhỏ trong đó ông mời các bậc nam nữ tai mắt trong giới thượng lưu. Cách tiêu phí thì giờ của ông cũng giống như cách giết thì giờ của những người này và phòng khách của ông cũng giống hệt như phòng khách của họ vậy.