Praskôvia Phêđôrốvna là một cô gái khá đẹp thuộc dòng dõi quý tộc lương thiện, cô có một gia tài nho nhỏ. Ivan I lyich có thể nhắm một đám xuất sắc hơn, nhưng đây cũng là đám khá. Ivan I lyich có lương bổng, anh hy vọng rằng cô ta cũng có một khoản tương tự. Họ hàng bên vợ bề thế, còn cô ta là một thiếu nữ dễ thương, kháu khỉnh và rất đoan trang. Bảo rằng Ivan I lyich cưới vợ vì yêu cô vợ chưa cưới của mình và thấy cô ta đồng tình với quan điểm sống của mình thì cũng không đúng, như khi nói rằng anh cưới vợ vì những người trong giới anh tán thành đám này. Ivan I lyich cưới vợ vì cả hai lẽ: anh làm cái việc dễ chịu đối với mình là kiếm được cô vợ như thế, và đồng thời anh làm cái điều mà những người ở cấp trên coi là đúng đắn.
Và thế là Ivan I lyich cưới vợ.
Bản thân việc cưới xin, tuần trăng mật của đôi vợ chồng trẻ với những sự âu yếm vuốt ve, việc sắm sanh đồ đạc mới, bát đĩa mới, áo quần mới, trước khi vợ anh có mang, đều đã diễn ra rất tốt đẹp, vì thế Ivan I lyich đã bắt đầu nghĩ rằng việc cưới vợ chẳng những không phá vỡ, mà còn làm cho cuộc sống thoải mái dễ chịu, vui tươi, bao giờ cũng lịch thiệp và được giới xã giao đồng tình của anh càng thêm ý vị, vì những tính chất đó anh coi là đặc trưng của cuộc sống nói chung. Nhưng từ những tháng đầu tiên vợ anh có mang đã xuất hiện một điều gì đó mới mẻ, bất ngờ, khó chịu, nặng nề và không lịch thiệp, điều anh không ngờ tới và không có cách nào tránh được.
Ivan I lyich tưởng như de gaité de coeur[15] vợ anh đã phá hoại cuộc sống dễ chịu và lịch sự của anh một cách vô cớ, cô ta ghen bóng ghen gió, đòi hỏi anh phải săn sóc cô ta, sinh sự đủ mọi chuyện và gây ra những cảnh khó chịu, thô bỉ.
Thoạt đầu, Ivan I lyich hy vọng thoát ra khỏi tình trạng khó chịu đó bằng chính cái thái độ lịch thiệp thoải mái đối với cuộc sống, là thái độ trước đây đã cứu giúp anh. Anh thử bỏ qua coi như không biết tới tâm trạng của vợ, tiếp tục sống một cách thoải mái và dễ chịu như trước, mời bạn đến chơi nhà đánh bài, tự mình đi đến câu lạc bộ hoặc đến chơi bè bạn. Nhưng một lần, vợ anh bắt đầu mắng nhiếc anh một cách gay gắt bằng những lời lẽ thô tục, và rồi cô ta tiếp tục mắng nhiếc anh một cách dai dẳng, đến nỗi khi anh không thực hiện những yêu cầu của cô ta, rõ ràng cô ta đã quyết định một cách cứng rắn là sẽ không ngừng mắng nhiếc cho tới khi nào anh chịu khuất phục, nghĩa là cho tới khi anh phải ngồi nhà và cũng buồn thỉu buồn thiu như cô ta. Điều này làm cho Ivan I lyich khiếp sợ. Anh hiểu rằng cuộc sống lứa đôi – ít ra là với vợ anh – không phải bao giờ cũng làm tăng thêm vẻ lịch thiệp và những thú vị trong cuộc sống, mà ngược lại nó thường hủy hoại những cái đó và vì thế cần phải che chở cho mình khỏi những sự hủy hoại đó. Ivan I lyich bắt đầu tìm tòi các phương cách để làm việc đó. Công vụ là điều mà Praskôvia Phêđôrốvna phải coi trọng. Ivan I lyich đã dùng công vụ và những chức trách của mình để đấu tranh với vợ, nhằm ngăn riêng cái thế giới độc lập của mình ra.
Với sự ra đời của đứa con đầu lòng cùng những cố gắng để chăm bẵm nó và những thất bại đủ loại trong việc này, với những bệnh thực và bệnh tưởng của đứa trẻ và của vợ mà anh buộc lòng phải tham gia, dù anh chẳng hiểu mô tê gì cả, Ivan I lyich mới cảm thấy cái nhu cầu ngăn cách thế giới của mình với gia đình ngày càng trở nên khẩn thiết.
Vợ anh càng trở nên bẳn gắt và sách nhiễu hơn, Ivan I lyich càng dồn hết tâm trí vào công vụ. Anh đâm ra yêu công vụ hơn và đâm ra hám danh hơn trước.
Chẳng bao lâu, không quá một năm sau khi cưới vợ, Ivan I lyich hiểu rằng cuộc sống lứa đôi tuy có tạo ra một vài thuận tiện nào đấy, thực chất là một công việc rất phức tạp và nặng nề. Để làm tròn phận sự của mình, nghĩa là duy trì một cuộc sống lịch sự được giới xã giao tán đồng, cần phải đề ra một thái độ nhất định đối với cuộc sống lứa đôi cũng như đối với công vụ vậy.
Và Ivan I lyich đã đề ra cho mình một thái độ với cuộc sống lứa đôi. Anh chỉ đòi hỏi ở cuộc sống gia đình là làm sao có đủ những tiện nghi về việc ăn uống, có đủ giường chiếu, và có người trông nom nhà cửa là những thứ mà cuộc sống đó có thể đem lại cho anh, và cái chính là anh chỉ đòi hỏi những hình thức lịch sự bề ngoài mà dư luận xã hội đã quy định. Còn ngoài ra, anh tìm niềm vui thú và nếu tìm được, anh rất hàm ơn, nếu gặp sự phản đối hay càu nhàu, anh tức thời đi ngay vào thế giới riêng biệt, cái thế giới công vụ của mình và tìm thấy thích thú ở đó.
Người ta đánh giá Ivan I lyich là một viên chức tốt và sau ba năm, anh đã được thăng lên phó biện lý. Những trách nhiệm quan trọng mới, khả năng đưa ra tòa hoặc bỏ tù bất kỳ ai, những diễn văn trước công chúng, sự thành đạt, tất cả những cái đó càng thêm lôi cuốn Ivan I lyich vào công vụ.
Họ có vài đứa con. Bà vợ càng trở nên cảu nhảu càu nhàu và hay cáu gắt hơn. Nhưng do đã sẵn có thái độ đối với cuộc sống gia đình, nên hầu như Ivan I lyich dửng dưng không để tâm gì đến tính càu nhàu của vợ.
Sau bảy năm làm việc ở tỉnh lỵ, Ivan I lyich được thuyên chuyển làm biện lý ở một tỉnh khác. Họ phải thuyên chuyển, tiền thì ít, và bà vợ lại không thích nơi mới. Tiền lương tuy có hơn trước một chút, nhưng cuộc sống đắt đỏ hơn; thêm vào đó là có chuyện hai đứa con bị chết. Vì thế cuộc sống gia đình càng trở nên khó chịu hơn đối với Ivan I lyich.
Đến nơi ở mới, cứ mỗi khi gặp khó khăn Praskôvia Phêđôrốvna lại trách móc chồng. Phần nhiều những cuộc trò chuyện của hai vợ chồng, đặc biệt là về việc giáo dục con cái, thường dẫn tới những vấn đề khiến họ nhớ lại những cuộc cãi cọ, và những cuộc cãi cọ sẵn sàng bung ra bất cứ lúc nào. Những thời kỳ vợ chồng âu yếm nhau trở nên hiếm hoi và ngắn ngủi. Đó là những hòn đảo nhỏ mà họ tạm thời cập bến, nhưng sau đó họ lại buông mình vào biển hận thù ngấm ngầm thể hiện trong việc họ lánh xa nhau. Lẽ ra sự xa lánh đó đã có thể khiến Ivan I lyich phiền lòng nếu như ông coi đó là điều không nên, nhưng giờ đây chẳng những ông xem tình trạng này là bình thường, mà còn coi đó là mục đích hoạt động của mình trong gia đình. Mục đích của ông là cốt sao ngày càng được giải thoát nhiều hơn khỏi những sự khó chịu đó, làm cho chúng trở nên vô hại và giữ được vẻ lịch sự. Ông đã đạt được mục đích đó bằng cách ngày càng ít ở nhà với gia đình và khi bắt buộc phải ở nhà, ông cố gắng giữ vững tư thế của ông bằng cách mời bạn bè đến chơi. Cái chính là Ivan I lyich có công vụ của mình. Tất cả hứng thú của đời ông đều tập trung vào thế giới công vụ. Hứng thú đó choán hết tâm trí ông. Ông sung sướng khi nghĩ tới quyền hành của mình, tới khả năng hãm hại bất kỳ người nào ông muốn hãm hại, tới vẻ đường bệ của mình, dù là vẻ đường bệ bề ngoài đi chăng nữa, khi ông bước vào tòa án và gặp gỡ các thuộc hạ, tới sự thành đạt của mình trước quan trên và các thuộc hạ và cái chính là khi ông nghĩ tới nghệ thuật tiến hành công việc của mình. Cùng với những niềm vui đó, những cuộc trò chuyện với bè bạn, những bữa ăn và những ván bài uyxtơ đã choán hết cả đời ông. Thành thử nói chung cuộc sống của Ivan I lyich tiếp tục trôi đi theo đúng như ý ông muốn: dễ chịu và lịch thiệp.
Ông sống như thế thêm bảy năm nữa. Con gái đầu lòng của ông đã mười sáu tuổi, thêm một đứa con nhỏ nữa chết, còn lại chú bé học sinh trung học, đầu mối của sự bất hòa. Ivan I lyich muốn đưa nó vào trường Tư pháp, còn Praskôvia Phêđôrốvna để trêu tức ông, đã đưa nó vào trường trung học. Cô con gái học ở nhà và tấn tới. Cậu con trai học cũng không xoàng.
3
Cuộc đời của Ivan I lyich đã trôi đi như thế suốt mười bảy năm kể từ khi lấy vợ. Ông đã là một biện lý già, từng từ chối một vài lần thuyên chuyển để chờ đợi một chỗ đáng mong ước hơn, thì bất ngờ xảy ra một tình huống khó chịu suýt nữa phá tan cuộc sống yên tĩnh của ông. Ivan I lyich chờ được bổ nhiệm chức chánh án trong một thành phố có trường đại học tổng hợp, nhưng bằng cách nào đó Gôpe đã chạy trước ông và nhận được chức đó. Ivan I lyich bực tức, trách móc, cãi nhau với Gôpe và với cấp trên trực thuộc. Người ta bắt đầu lạnh nhạt với ông và trong lần bổ nhiệm sau, người ta lại bỏ qua không để ý đến ông.
Đó là năm 1880, năm nặng nề nhất trong cuộc đời Ivan I lyich. Trong năm đó, một mặt tiền lương không đủ sống, mặt khác mọi người đã quên ông và cái mà ông tưởng như là điều bất công lớn nhất, tàn nhẫn nhất đối với ông, thì những người khác lại coi là việc hoàn toàn bình thường. Thậm chí cụ thân sinh ra ông cũng không thấy mình có trách nhiệm phải giúp đỡ con. Ông cảm thấy mọi người bỏ rơi ông, coi việc ông sống với tiền lương đồng niên ba nghìn năm trăm rúp là tình trạng bình thường nhất, thậm chí sung sướng nữa. Chỉ có một mình ông biết rằng tình trạng của ông đâu có phải là bình thường: ông nhận rõ những bất công phải chịu đựng, sự đay nghiến dai dẳng của bà vợ, những khoản nợ nần do sống quá khả năng cho phép.
Mùa hè năm đó, để giảm nhẹ chi tiêu, ông xin nghỉ phép và cùng với vợ về sống ở làng quê của ông anh vợ.
Sống ở làng quê không làm việc, lần đầu tiên Ivan I lyich cảm thấy không những chán ngán, mà còn buồn không sao chịu nổi và ông quyết định không thể sống như thế, nhất thiết phải có những biện pháp kiên quyết nào đó.