Ilia Êphimôvích Gôlôvin là một con người như thế. Ông là cố vấn cơ mật[4] nhân viên vô tích sự của nhiều công sở vô tích sự khác nhau.
Ông có ba con trai. Ivan I lyich là con trai thứ hai. Người con trai cả cũng đạt được công danh như ông bố, chỉ có điều anh ta làm ở bộ khác và đã xấp xỉ tới cái tuổi mà lương bổng đã khó được tăng. Người con trai thứ ba thất cơ lỡ vận. Anh ta đã trải qua nhiều nơi khác nhau, ở chỗ nào cũng tự làm hại mình và hiện nay anh ta làm trong ngành đường sắt. Ông bố, những người anh và đặc biệt là các bà chị dâu không những không thích gặp gỡ anh ta, mà nếu không thật cần thiết họ cũng chẳng buồn nhắc đến anh ta nữa. Cô con gái lấy nam tước Grép, cũng là một quan chức Peterburg như ông bố vợ anh ta. Ivan I lyich là le phenix de la famille[5], như người ta thường nói.
Anh ta không phải là một người lạnh lùng và đứng đắn như người anh cả, nhưng cũng không phải là một kẻ bất trị như cậu em út. Anh ta ở khoảng giữa hai người đó, là một con người thông minh, linh hoạt, dễ mến và lịch sự. Anh cùng với người em út được học ở Trường Tư pháp. Người em út không học hết và đến năm thứ năm thì bị loại khỏi trường. Còn Ivan I lyich đã kết thúc tốt đẹp khóa học. Lúc ở trường anh ta như thế nào thì sau này suốt đời anh ta vẫn như thế. Anh ta là người có năng lực, vui tính, tốt bụng, chan hòa với mọi người, nhưng hoàn thành nghiêm chỉnh cái mà anh coi là bổn phận của mình. Mọi cái mà cấp trên coi là bổn phận thì anh cũng xem đó là bổn phận của mình. Anh không phải là một đứa trẻ xun xoe, cả sau này khi là một người lớn cũng vậy, nhưng ngay từ thời thanh niên, anh đã có thói quen bị cuốn hút tới những người có địa vị cao sang trong giới thượng lưu, giống như ruồi bị ánh sáng hấp dẫn, anh học đòi những cung cách của họ, chấp nhận cách nhìn cuộc sống của họ và gây dựng quan hệ bạn bè với họ. Mọi say mê của tuổi trẻ và thời thanh niên đều qua đi không để lại dấu vết gì đáng kể trong anh. Anh bị nhiễm cả thói hiếu sắc lẫn thói háo danh và sau hết, khi giao du với các tầng lớp thượng lưu, anh nhiễm cả thói tự do chủ nghĩa. Nhưng anh chỉ nhiễm những thói đó đến chừng mức mà anh cảm thấy vừa phải thôi.
Khi ở Trường Tư pháp, anh đã có những hành vi mà trước đây anh cho là rất xấu và đã khiến anh ghê tởm mình. Nhưng về sau, anh thấy rằng cả những người ở tít tận cấp trên cũng có những hành vi như vậy và họ không coi những hành vi đó là xấu, vì thế chẳng những anh thừa nhận hành vi trước đây của mình là tốt, mà anh còn quên bẵng chúng đi và không hề buồn phiền khi nhớ đến chúng.
Tốt nghiệp Trường Tư pháp với phẩm hàm bậc 10[6] và nhận được tiền của bố cho để may sắm quần áo, Ivan I lyich đặt may chiếc áo dài ở hiệu của Sarmer[7] đeo ở dây đồng hồ một chiếc huy chương có khắc dòng chữ: respice finem[8] chia tay vị hoàng thân và thầy học, ăn uống với các bạn học ở tiệm ăn Đônôn[9] rồi mang theo chiếc va-li áo quần, áo dài, đồ cạo râu và trang sức, khăn choàng len, tất cả đều theo mốt mới do anh đặt may hoặc mua ở những cửa hàng sang trọng nhất, đi về tỉnh nhận chức phái viên đặc biệt của quan tổng trấn, một địa vị do bố anh kiếm cho.
Tại tỉnh lỵ, Ivan I lyich đã thu xếp ngay cho mình một hoàn cảnh sống nhẹ nhõm dễ chịu như hồi anh ở Trường tư pháp. Anh thừa hành công vụ, tấn tới trên bước hoạn lộ và đồng thời vẫn vui chơi một cách thoải mái và lịch sự. Thỉnh thoảng cấp trên phái anh xuống các huyện, anh xử sự đàng hoàng với cả cấp trên lẫn cấp dưới, hoàn thành các công việc được giao một cách chính xác và liêm khiết khiến anh không thể không lấy thế làm kiêu hãnh. Công việc anh được giao chủ yếu dính đến những người ly giáo[10].
Tuy còn trẻ tuổi, và tính thích vui chơi thoải mái, vậy mà trong mọi công vụ anh tỏ ra cực kỳ dè dặt, giữ đúng nghi thức, thậm chí còn nghiêm khắc nữa. Nhưng trong quan hệ xã hội anh thường tỏ ra vui tính, hóm hỉnh, bao giờ cũng tốt bụng, lịch sự và là một bon enfant[11] như quan thầy và phu nhân của ông ta thường nói về anh. Anh đi lại nhà quan thầy như người nhà.
Tại tỉnh lỵ, nhà tư pháp ăn diện bảnh bao cũng có dan díu với một phu nhân. Cũng có một cô chuyên may trang phục phụ nữ, có những bữa chè chén với các vị sĩ quan phụ tá ngự tiền tới công cán và những chuyến xuống xóm “chị em” sau bữa ăn tối, có việc quỵ luỵ quan thầy, thậm chí quỵ luỵ cả bà vợ ông ta, nhưng tất cả những việc đó đều mang màu sắc thanh lịch tao nhã, đến nỗi không thể dùng những lời lẽ xấu để nói về chúng, tất cả những việc đó phù hợp với một câu nói của người Pháp: il faut que jeunesse se passe [12] Mọi việc đều diễn ra với những bàn tay sạch sẽ, với những chiếc sơ-mi sạch sẽ, với những câu nói bằng tiếng Pháp và chủ yếu đều diễn ra trong giới thượng lưu, do đó được những người ở cấp trên tán thành.
Ivan I lyich làm việc như thế được năm năm, rồi có sự thay đổi trong công vụ. Những cơ quan tư pháp mới xuất hiện cần phải có những con người mới.
Và Ivan I lyich trở thành một con người mới đó.
Ivan I lyich được bổ nhiệm vào làm dự thẩm tại tòa án, anh chấp nhận điều đó, tuy phải chuyển sang một tỉnh khác và phải vứt bỏ những quan hệ đã được thiết lập, để gây dựng những quan hệ mới. Bạn bè góp tiền, tổ chức bữa tiệc mừng Ivan I lyich, tặng anh một hộp đựng thuốc lá bằng bạc và anh đi tới chỗ làm mới.
Khi làm dự thẩm ở tòa án, Ivan I lyich vẫn trang nhã và lịch thiệp như vậy, anh biết phân biệt những trách nhiệm công vụ với đời sống riêng tư và làm cho mọi người kính trọng mình giống như khi anh làm phái viên đặc biệt vậy. Bản thân công việc của người dự thẩm đối với Ivan I lyich còn hứng thú và hấp dẫn hơn nhiều so với công việc trước đây. Khi làm đặc phái viên, anh vận bộ lễ phục may ở hiệu Sarmer, ung dung đi ngang qua mặt những người đến kêu cầu hồi hộp chờ được tiếp và những người có chức vụ đang phát ghen lên với anh, đi thẳng vào phòng làm việc của quan trên, ngồi uống nước trà, hút thuốc lá với quan. Nhưng số người trực tiếp lệ thuộc vào sự độc đoán của anh ít lắm. Khi được phái đi công cán thì những người đó chỉ là những viên cảnh sát trưởng hàng huyện và những người ly giáo. Anh thích xử sự một cách lễ độ, hầu như thân ái với những người lệ thuộc mình. Anh thích tỏ cho họ biết rằng tuy có thể nghiền nát họ đấy, nhưng anh vẫn xử sự một cách giản dị, thân ái đối với họ. Lúc đó, những người như vậy ít lắm. Bây giờ, khi làm dự thẩm, Ivan I lyich cảm thấy rằng tất cả, không trừ một ai, những người quan trọng nhất, những kẻ tự đắc nhất, tất cả đều nằm trong tay anh và anh chỉ cần viết ít chữ nhất định lên một tờ giấy có tiêu ngữ in sẵn là người ta sẽ triệu con người quan trọng, tự đắc đó đến trình diện anh như là một bị cáo hoặc một nhân chứng và nếu như kẻ đó không muốn bị anh bỏ tù, sẽ phải đứng trước mặt anh mà trả lời các câu hỏi của anh. Ivan I lyich không bao giờ lạm dụng quyền hành của mình, ngược lại anh cố gắng giảm nhẹ biểu hiện của quyền hành. Nhưng ý thức về quyền hành đó và khả năng giảm nhẹ nó đi khiến anh đặc biệt hứng thú và say mê công việc mới của mình. Trong công việc điều tra, Ivan I lyich đã tiếp thu được rất nhanh cách tách mình ra khỏi mọi tình huống không liên quan đến công vụ, cách trình bày bất kỳ một sự việc phức tạp nhất nào bằng cách cái hình thức trong đó sự việc chỉ được phản ánh một cách bề ngoài trên giấy tờ, trong đó mọi quan điểm cá nhân của anh đã hoàn toàn bị gạt bỏ và cái chính là thủ tục giấy tờ đó được làm đúng theo yêu cầu. Đây là một công việc mới mẻ. Và trên thực tế, Ivan I lyich là một trong những người đầu tiên khởi thảo phần phụ lục cho những quy chế năm 1864.
Khi chuyển sang một thành phố khác để đảm nhận chức vụ dự thẩm, Ivan I lyich đã có những mối quen biết, quan hệ mới, biết đặt mình trong tình thế mới và có một giọng điệu hơi khác. Đối với chính quyền tỉnh, anh giữ một khoảng cách phải chăng, tuyển chọn một nhóm thượng lưu từ đám quan tòa và quý tộc giàu có sống ở thành phố, giữ cái giọng bất bình nhè nhẹ với chính phủ, thể hiện đầu óc tự do chủ nghĩa ôn hòa và tinh thần công dân văn minh, đồng thời trong cương vị mới, Ivan I lyich không hề thay đổi cách ăn mặc diêm dúa của mình, nhưng lại thôi không cạo râu nữa, mà để cho nó mặc sức mọc tự do.
Cuộc sống của Ivan I lyich ở thành phố mới cũng rất dễ chịu: Đám người chống đối quan tổng trấn sống hòa thuận và êm đẹp; lương bổng nhiều hơn và thêm vào đó còn có cái thú lớn là chơi bài uyxt[13] mà anh mới tập. Anh có khả năng chơi bài một cách vui vẻ, nghĩ nhanh và rất tinh tế, cho nên nói chung bao giờ anh cũng được.
Sau hai năm làm việc ở thành phố mới, Ivan I lyich đã gặp gỡ người vợ tương lai của mình. Praskôvia Phêđôrốvna Mikhen là cô gái xuất sắc, thông minh, hấp dẫn nhất trong nhóm người mà Ivan I lyich thường giao du. Ivan I lyich xếp các quan hệ nhẹ nhõm vui vẻ của mình với Praskôvia Phêđôrốvna vào số các trò vui chơi giải trí sau các cuộc điều tra vất vả của người dự thẩm.
Khi là phái viên đặc biệt, nói chung Ivan I lyich còn khiêu vũ, lúc làm dự thẩm anh ít khi khiêu vũ. Anh chỉ khiêu vũ khi cần phải chứng tỏ rằng: Tuy làm việc ở các công sở mới và đã là viên chức bậc năm[14] nhưng về khoản khiêu vũ tôi vẫn có thể hơn những người khác. Bởi thế, thỉnh thoảng vào cuối các đêm vui anh khiêu vũ với Praskôvia Phêđôrốvna, và chủ yếu anh đã chinh phục được Praskôvia Phêđôrốvna trong những lần khiêu vũ đó, cô đem lòng yêu anh. Ivan I lyich không có ý định cưới vợ rõ rệt, nhưng khi cô gái yêu anh, anh tự hỏi lòng mình: “Ừ, tại sao mình lại không lấy vợ nhỉ?”