Cái chết của Ivan I lyich – Lev Tolstoy

– Mời bác vào đây kẻo lễ sắp bắt đầu, tôi cần nói chuyện với bác, – bà quả phụ nói. – Bác đưa tay cho tôi nào.

Piốt Ivanôvích đưa tay cho bà vịn và họ đi vào trong phòng ngang qua mặt Svátxơ đang buồn bã nháy mắt với Piốt Ivanôvích ra hiệu bảo ông: “Thế còn bài uyn-tơ! Đừng có trách nhé, chúng tôi sẽ tìm một chân khác. Hễ anh thoát nợ, chúng ta lại chơi tay năm nhé”.

Piốt Ivanôvích thở dài càng sâu hơn, buồn bã hơn và Praskôvia Phêđôrốvna siết chặt tay ông tỏ vẻ biết ơn. Khi bước vào phòng khách tường lót bọc bằng vải màu hồng có thắp một ngọn đèn ảm đạm, họ ngồi cạnh chiếc bàn, bà ngồi ở đi văng, còn Piốt Ivanôvích ngồi trên chiếc ghế đệm thấp hỏng lò xo mà người ta đã kê nhầm làm chỗ ngồi cho ông. Praskôvia Phêđôrốvna đã toan báo trước để ông ngồi sang một chiếc ghế tựa khác, nhưng bà thấy làm như vậy không hợp với tình cảnh của mình, nên lại thôi. Ngồi trên chiếc ghế đệm thấp ấy, Piốt Ivanôvích nhớ lại Ivan I lyich đã bài trí phòng khách này như thế nào, đã trao đổi với ông về những tấm vải màu hồng và xanh lá cây để lót tường như thế nào. Khi lách qua bàn để ngồi xuống đi văng (nói chung cả phòng khách này đều ngổn ngang đồ gỗ và đồ dùng), mảnh đăng-ten đen trên chiếc áo choàng đen của bà quả phụ vướng vào chỗ chạm trổ ở mặt bàn. Piốt Ivanôvích nhổm người lên để gỡ áo cho bà và chiếc ghế thấp được giải thoát bắt đầu hồi hộp hất ông lên. Bà quả phụ tự gỡ mảnh đăng-ten của mình và Piốt Ivanôvích lại ngồi xuống, đè lên chiếc ghế đệm thấp đang nổi loạn dưới mông mình. Nhưng bà quả phụ vẫn chưa gỡ xong được áo, Piốt Ivanôvích lại nhổm lên, chiếc ghế đệm thấp lại hất tung ông lên, thậm chí nó còn kêu ken két. Khi mọi việc đã ổn thỏa, bà rút chiếc khăn tay sạch bằng nhiễu ra và bắt đầu khóc. Chuyện mảnh đăng-ten bị vướng và cuộc vật lộn của ông với chiếc ghế đệm thấp khiến Piốt Ivanôvích đâm ra nguội lạnh và ông cau có, ngồi yên. Sôkôlôv, một người hầu phòng của Ivan I lyich đã gỡ cho Piốt Ivanôvích ra khỏi tình thế lúng túng đó, bác ta vào để thưa với Praskôvia Phêđôrốvna rằng người ta tính nơi chôn cất ở nghĩa trang hết hai trăm rúp. Bà thôi khóc và nhìn Piốt Ivanôvích với vẻ mặt của một nạn nhân, nói với ông bằng tiếng Pháp rằng bà rất đau buồn. Piốt Ivanôvích phác một cử chỉ lặng lẽ biểu lộ niềm tin chắc chắn rằng tất nhiên không thể nào khác thế được.

– Xin ông cứ hút thuốc tự nhiên, – bà nói bằng một giọng độ lượng và đồng thời đau buồn, rồi bà quay ra hỏi Sôkôlôv về giá cả nơi chôn cất. Piốt Ivanôvích vừa hút thuốc lá vừa nghe bà hỏi han rất kỹ lưỡng về các loại giá cả thuê đất và bà quyết định nên thuê loại nào. Ngoài ra, sau khi bàn xong nơi chôn cất, bà sai bảo cả việc thuê những người hát lễ. Sôkôlôv đi ra.

– Tôi tự làm lấy tất cả, – bà vừa nói với Piốt Ivanôvích vừa đẩy quyển Album ở trên bàn sang một bên. Thấy tàn thuốc có cơ làm cháy bàn, bà vội vã đẩy ngay chiếc gạt tàn tới gần Piốt Ivanôvích và nói tiếp: – Tôi coi là giả dối nếu nói rằng vì đau buồn quá tôi không thể lo liệu được việc tang ma. Ngược lại, việc đó nếu như không an ủi tôi… thì cũng khiến tôi khuây khỏa, vì đó là việc lo liệu cho chính nhà tôi mà. – Bà lại rút khăn tay tựa hồ như định khóc, nhưng bỗng nhiên bà lắc lắc người như thể kiềm chế mình và bắt đầu nói một cách bình thản:

– À, tôi có chuyện muốn thưa với bác.

Piốt Ivanôvích nghiêng người đáp lễ, không để cho lò-xo của chiếc ghế đệm thấp đang đụng đậy dưới mông trồi bật lên.

– Trong những ngày cuối cùng, nhà tôi đau đớn kinh khủng.

– Bác ấy đau lắm à? – Piốt Ivanôvích hỏi.

– Chao ôi, thật khủng khiếp! Trong những ngày cuối, nhà tôi kêu la hàng giờ liền. Ông ấy kêu la suốt ba ngày đêm không chuyển giọng. Chịu không nổi. Tôi không hiểu vì sao tôi đã chịu đựng nổi. Cách ba lần cửa vẫn nghe rõ tiếng kêu la. Chao ôi! Cực quá chừng!

– Chả lẽ bác ấy vẫn tỉnh à? – Piốt Ivanôvích hỏi.

– Vâng, – bà thì thào, – nhà tôi tỉnh cho đến phút chót. Ông ấy vĩnh biệt chúng tôi mười lăm phút trước khi mất và còn yêu cầu đưa Vlađimia ra ngoài.

Ý nghĩ về sự đau khổ của một con người mà ông gần gũi quen biết từ lúc người đó còn là một đứa trẻ vui tính, một chú học sinh, rồi một người đồng sự lớn tuổi bỗng nhiên làm cho Piốt Ivanôvích khiếp sợ, mặc dầu ông thấy khó chịu về sự giả dối của mình và của người đàn bà này. Ông lại hình dung ra vầng trán, cái mũi đè lên môi ấy và ông đâm ra hoảng sợ cho bản thân mình.

“Ba ngày đêm đau đớn kinh khủng rồi chết. Việc đó có thể ập đến cả với mình ngay bây giờ, bất cứ giây phút nào”, – ông nghĩ và trong giây lát ông đâm ra hoảng sợ. Nhưng chính ông cũng chẳng biết tại sao, một ý nghĩ thường tình tức thời đến cứu giúp ông: Việc đó xảy ra với Ivan I lyich, chứ không phải xảy ra với ông, với ông chắc sẽ không có chuyện như vậy; với lại nếu cứ nghĩ thế ông sẽ sinh ra buồn phiền, đó là điều không nên, rõ ràng là nét mặt của Svátxơ có ý nhắn nhủ ông như vậy. Suy luận như thế rồi, Piốt Ivanôvích thấy yên tâm và ông bắt đầu hào hứng hỏi tỉ mỉ về phút lâm chung của Ivan I lyich, tựa hồ như cái chết là một điều rủi ro bất ngò chỉ liên quan đến Ivan I lyich, chứ hoàn toàn không dính líu gì đến ông.

Sau khi đã kể tỉ mỉ về những đau đớn thể xác thực sự khủng khiếp mà Ivan I lyich đã phải chịu đựng, (những chi tiết tỉ mỉ này Piốt Ivanôvích chỉ được biết thông qua tác động của những đau đớn của Ivan I lyich tới thần kinh bà Praskôvia Phêđôrốvna), bà quả phụ thấy rõ ràng cần phải chuyển sang chuyện công việc.

– Chao ôi, bác Piốt Ivanôvích, đau buồn lắm, đau buồn kinh khủng, kinh khủng, – và bà lại khóc.

Piốt Ivanôvích thở dài và chờ bà xỉ mũi, khi bà đã xỉ mũi xong, ông nói:

– Xin bác hãy tin ở tôi… – và bà lại nói miên man, trình bày việc rõ ràng là chính yếu mà bà muốn nói với ông. Việc đó gồm một loạt câu hỏi: Làm sao có thể lấy được tiền ở công quỹ nhân dịp chồng chết. Bà ta làm ra bộ hỏi ý kiến Piốt Ivanôvích về tiền tuất, nhưng ông thấy bà đã am hiểu việc này một cách chi ly, cả đến những chi tiết mà ông không biết. Bà am hiểu tất cả những cách có thể dùng để rút tiền ở công quỹ nhân cái chết của chồng bà. Nhưng điều bà muốn biết thêm, là có thể làm thế nào để rút được nhiều hơn thế nữa không. Piốt Ivanôvích cố gắng nghĩ ra phương cách để làm việc đó, nhưng nghĩ một lúc, rồi vì phép xã giao ông xoay ra xỉ vả chính phủ keo kiệt và nói với bà rằng hình như không thể rút hơn được. Nghe vậy bà thở dài và rõ ràng đã bắt đầu nghĩ cách tống khứ ông khách. Ông ta hiểu ý, giụi tắt điếu thuốc lá, đứng dậy bắt tay bà và bước ra phòng ngoài.

Trong phòng ăn có treo chiếc đồng hồ mà Ivan I lyich rất thích vì đã mua được ở hiệu đồ cũ, Piốt Ivanôvích gặp vị linh mục và vài người quen biết khác tới dự lễ cầu hồn, trông thấy cô tiểu thư xinh đẹp quen biết, con gái của Ivan I lyich, cô ta vận toàn đồ đen. Thân hình cô vốn rất thanh mảnh lại càng thanh mảnh hơn. Vẻ mặt cô rầu rĩ, quả quyết và hầu như tức giận. Cô nghiêng mình chào Piốt Ivanôvích, cứ như thể ông là người có lỗi gì đó. Một chàng thanh niên giàu có mà Piốt Ivanôvích có quen biết, làm dự thẩm ở tòa án, nghe nói là chồng chưa cưới của cô ta, đứng đằng sau cô, cũng với vẻ mặt bất mãn như vậy. Ông buồn bã nghiêng mình chào họ và muốn đi sang phòng người chết, đúng lúc ấy cậu con trai, học sinh trung học, giống Ivan I lyich như lột, nhô mình lên khỏi cầu thang. Thằng bé khiến Piốt Ivanôvích nhớ lại Ivan I lyich lúc nhỏ, khi còn học ở trường tư pháp. Cặp mắt của chú bé khóc sưng húp và cũng kèm nhèm giống mắt các chú bé sớm hư hỏng tuổi mười ba, mười bốn. Trông thấy Piốt Ivanôvích, chú bé cau mặt một cách nghiêm nghị và sượng sùng. Piốt Ivanôvích khẽ gật đầu với chú và bước vào phòng người chết. Lễ cầu hồn bắt đầu: Nào thắp nến, khóc than, hương khói, nào nước mắt, tiếng sụt sịt. Piốt Ivanôvích chau mày đứng yên, nhìn bàn chân trước mặt mình. Ông không nhìn thi hài lần nào và cho đến cuối buổi lễ không để mình rơi vào những ảnh hưởng làm yếu lòng người, và ông là một trong những người đầu tiên đi ra khỏi phòng. Ở phòng ngoài chả có ai. Ghêrasim, người hầu bàn nhảy từ trong phòng người quá cố ra, dùng bàn tay khỏe khoắn của mình bới tất cả đống áo choàng lông để tìm chiếc áo choàng của Piốt Ivanôvích, rồi trao cho ông.

– Thế nào, anh Ghêrasim? – Piốt Ivanôvích nói để mà nói. – Thương nhỉ?

– Đó là ý Chúa. Mọi người chúng ta rồi sẽ đi tới bước đó, – Ghêrasim nói, nhe hàm răng nông dân đều đặn trắng muốt của mình và như một người đang lúc công việc bận rộn căng thẳng, nhanh nhẹn mở cửa, gọi người đánh xe, đỡ Piốt Ivanôvích lên xe, rồi nhảy xuống, quay lại bậc thềm tựa hồ như để nghĩ xem mình còn phải làm gì nữa.

Sau khi phải chịu đựng mùi hương, mùi xác chết và mùi phê-nôn, Piốt Ivanôvích đặc biệt khoan khoái hít thở khí trời trong sạch.

– Ngài đi đâu ạ? – Người đánh xe hỏi.

– Chưa muộn lắm. Tôi ghé đến Phêđo Vasiliêvích hãy còn kịp.

Piốt Ivanôvích đi, và quả thực lúc ông tới họ mới chơi được một hội, vì thế ông ngồi vào chân thứ năm vừa tiện.

2

Câu chuyện về cuộc đời đã qua của Ivan I lyich là một câu chuyện đơn giản, bình thường nhất và khủng khiếp nhất.

Ivan I lyich chết vào quãng bốn mươi lăm tuổi, lúc ông ta là ủy viên của Viện Tư pháp. Ông là con của một quan chức đã đạt được công danh tại nhiều bộ và vụ khác nhau ở Peterburg. Bước đường công danh này đã dẫn nhiều người tới tình trạng là tuy rõ ràng họ là vô dụng, không hoàn thành được một trách nhiệm đáng kể nào, nhưng do đã làm quan lâu năm và do chức tước của họ, họ vẫn không thể bị thải hồi được và vì thế họ vẫn được giao những địa vị giả tạo và được nhận bạc nghìn thật sự – khoảng từ sáu tới mười nghìn, với số tiền đó, họ có thể sống cho đến khi đầu bạc răng long.

Tác giả: