Trong suốt ba ngày, ông không nhận ra thời gian, ông giãy giụa trong chiếc túi đen ngòm mà một sức mạnh vô hình không cưỡng lại được đã ném ông vào đó. Ông giãy giụa như kẻ bị án tử hình giãy giụa trong tay đao phủ, biết rằng mình không thể thoát được. Và cứ mỗi phút ông lại cảm thấy rằng bất chấp mọi nỗ lực đấu tranh, ông đang đi ngày càng gần tối chỗ khiến ông khiếp sợ. Ông cảm thấy nỗi đau đớn giày vò ông cả ở chỗ ông đang bị cuốn vào cái lỗ đen ngòm đó và ông càng bị giày vò đau đớn hớn nữa, vì ông không thể lọt qua cái lỗ đó được. Cái ý nghĩ cho rằng cuộc sống của ông là tốt đẹp đã ngăn trở không cho ông chui lọt qua lỗ đó. Chính sự bào chữa cho cuộc sống của mình đã bám chặt, không thả cho ông lăn đi và nó làm cho ông đau đớn nhiều hơn cả.
Bỗng nhiên, một sức mạnh nào đó thúc vào ngực, vào sườn ông, ông càng thấy nghẹt thở hơn, ông lăn xuống cái lỗ và ở đấy, tại đáy lỗ có cái gì đó sáng lóe lên. Tình hình xảy ra với ông cũng giống như khi ông ngồi trên một toa xe lửa: ông tưởng tàu sẽ chạy về phía trước, nhưng nó lại chạy về phía sau, và ông bỗng nhiên nhận ra hướng đi thật của con tàu.
“Phải tất cả đều không ổn, – ông tự nhủ, – nhưng điều đó cũng chả sao. Có thể, có thể làm cho nó “ổn”. Thế nào là “ổn?” – ông tự hỏi và bỗng nhiên lặng người đi.
Đó là vào cuối ngày thứ ba, một giờ trước khi ông chết.
Đúng lúc ấy chú học sinh trung học khe khẽ lén đến với cha và bước lại gần giường ông. Người hấp hối vẫn kêu la tuyệt vọng và dang hai tay ra. Một bàn tay của ông rơi trúng đầu chú học sinh. Chú nắm lấy bàn tay đó, áp sát vào môi mình và òa khóc.
Vừa lúc ấy Ivan I lyich lăn xuống đáy lỗ, nhìn thấy ánh sáng và phát hiện ra rằng ông đã sống không ra sống, nhưng chuyện đó còn có thể sửa chữa được. Ông tự hỏi: Thế nào là “ổn”, và lặng người đi, chăm chú lắng nghe. Lúc ấy ông cảm thấy có người hôn bàn tay mình. Ông mở mắt nhìn con trai. Ông đâm ra thương hại nó. Bà vợ bước lại gần ông. Ông nhìn bà. Bà há mồm, nước mắt không lau đầm đìa trên mũi và má, bà nhìn ông với vẻ mặt tuyệt vọng. Ông đâm ra thương hại bà.
“Phải, mình giày vò họ, – ông nghĩ. – Họ đáng thương, nhưng khi mình chết, họ sẽ dễ chịu hơn”. Ông muốn nói ra điều đó, nhưng không còn sức để nói. “Vả chăng nói để làm gì, phải làm cơ”, – ông nghĩ. Ông đưa mắt cho vợ, chỉ đứa con trai và nói:
– Dẫn nó đi… thương… cả mình… – ông còn muốn nói “hãy tha thứ cho tôi”, nhưng ông lại nói “hãy để cho tôi đi”, nhưng không đủ sức nói lại, ông khoát tay, vì biết rằng người nào cần nghe sẽ hiểu.
Và bỗng nhiên ông thấy rõ ràng rằng cái đã đày đọa ông và không buông tha ông bỗng nhiên thoát hết ra ngay từ hai phía, từ hàng chục phía, từ tất cả mọi phía. Thương xót họ, phải làm thế nào để cho họ khỏi phải đau đớn. Cần phải giải thoát họ và tự giải thoát bản thân mình khỏi những đau khổ ấy. “Sung sướng biết bao và đơn giản biết bao, – ông nghĩ. – Còn cơn đau? – Ông tự hỏi. – Nó đâu rồi? Ô kìa, cơn đau, mày ở đâu?”
Ông bắt đầu chăm chú lắng nghe.
“A, nó đây rồi. Thôi được, cứ đau đi”.
“Còn cái chết? Nó đâu rồi?”
Ông tìm nỗi sợ chết quen thuộc trước đây của mình và không thấy nó. Cái chết ở đâu? Cái chết là thế nào? Chẳng có nỗi sợ nào cả, vì ngay cả cái chết cũng chẳng có.
Thay thế cho cái chết là ánh sáng.
– Ra thế đấy! – Ông bỗng thốt to lên. – Vui sướng biết bao!
Đối với ông mọi cái đó đã xảy ra trong một khoảnh khắc và ý nghĩa của khoảnh khắc đó không thay đổi. Đối với những người chứng kiến, cơn hấp hối của ông còn kéo dài hai tiếng đồng hồ nữa. Trong ngực ông có cái gì khò khè, cơ thể rã rời của ông rung lên. Sau đó tiếng khò khè và tiếng thở phì phì ngày một thưa thớt đi.
– Thế là hết! – Có người nói trước mặt ông.
Ông đã nghe thấy câu nói đó và ông lặp lại nó trong tâm trí mình. “Hết đời cái chết, – ông tự nhủ. – Chẳng còn cái chết nữa”.
Ông thở hít vào, dừng lại nửa chừng cơn thở dốc, duỗi người ra và chết.
• Chú thích •
[1] Viện tư pháp – cơ quan tư pháp ở nước Nga từ năm 1864 đến năm 1917. Xem xét các vụ án dân sự và hình sự lớn, cũng như các đơn kháng án đối với cách giải quyết của tòa án cấp dưới.
[2] Trường Tư pháp – Trường cao đẳng Pháp lý dành cho con em quý tộc ở Peterburg (thủ đô nước Nga trước năm 1918, hiện nay là Sant-Peterburg).
[3] Một thứ bài lá (tiếng Anh).
[4] Cố vấn cơ mật – theo bảng phân loại ngạch bậc, cố vấn cơ mật là phẩm hàm bậc ba, một trong những bậc cao nhất của ngạch quan chức dân sự.
[5] Niềm kiêu hãnh của gia đình (tiếng Pháp).
[6] Nghĩa là sau khi tốt nghiệp Trường tư pháp, Ivan I lyich đã được ban phẩm hàm bậc mười.
[7] Sarmer – chủ một hiệu may đắt khách ở Peterburg.
[8] Hãy tiên đoán kết cục (tiếng La tinh).
[9] Đônôn – Chủ một tiệm ăn đắt khách ở Peterburg.
[10] Những người ly giáo (cựu giáo) – tín đồ của những nhóm Thiên chúa giáo không thừa nhận những cải cách tôn giáo tiến hành ở nước Nga hồi thế kỷ XVII và trở thành thù địch đối với giáo hội chính giáo.
[11] Chàng trai hiền lành (tiếng Pháp).
[12] Thanh niên rồi sẽ phải đứng đắn ra (tiếng Pháp). – Có thể hiểu tương đương như: Trăng đến rằm trăng tròn.
[13] Một thứ bài lá (tiếng Anh).
[14] Viên chức bậc năm – cố vấn nhà nước, tương đương hàm đại tá.
[15] Do tính nhõng nhẽo (tiếng Pháp).
[16] Ở đây muốn nói đến một số cơ sở dạy học – giáo dục và nhà nuôi trẻ mồ côi.
[17] Trong bản tường trình đầu tiên gửi cấp trên, các quan chức mới nhậm chức thường đề nghị về việc bổ nhiệm những người mới, việc thuyên chuyển.
[18] Tỏ ý khinh miệt sự say mê của đám phụ nữ quý tộc trong các hội từ thiện đủ loại.
[19] Theo quy định về một phong thái tốt thì việc chống cùi tay lên bàn trong bữa ăn bị coi là bất lịch sự.
[20] Tiếng lóng trong bài lá.
[21] Dôla Êmin (1840-1902) – nhà văn Pháp.
[22] Kideveter (1762-1819) – triết gia duy tâm Đức. Sách giáo khoa lô gích học của ông đã được dịch ra tiếng Nga.
[23] Đồ đạc (tiếng Pháp).
[24] Sara Berna (1844-1923) – nữ nghệ sĩ sân khấu Pháp. Đã từng biểu diễn ở Nga.
[25] Theo kiểu Capul (tiếng Pháp).
[26] “Adrienne Lecouvreur” – vở kịch của hai nhà soạn kịch Pháp Ô.Xkríp và G. Lơguvê kể về số phận của Ađrien Lơcuvrơ – nữ diễn viên bi kịch nổi tiếng của Pháp.