Ngay lúc đó, cùng với những hồi ức này, trong lòng ông đã diễn ra một loạt hồi ức khác về việc căn bệnh của ông phát triển và nặng lên như thế nào. Càng nghĩ xa về trước càng thấy nhiều sự sống hơn. Nhiều điều lành trong cuộc sống, ngay sự sống cũng nhiều hơn. Những hồi ức đó quyện lẫn vào nhau. “Nhưng nỗi đau đớn ngày càng tệ hại, cũng như cả cuộc sống ngày càng tệ hại”, – ông nghĩ. Ngược về trước chỉ có một chấm sáng ở giai đoạn đầu cuộc đời, còn sau đó tất cả trở nên ngày càng đen tối hơn và diễn ra ngày càng chóng vánh hơn. “Tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách tới cái chết”, – Ivan I lyich nghĩ và hình ảnh hòn đá rơi xuống với tốc độ ngày càng nhanh hằn sâu trong tâm trí ông. Cuộc sống với hàng loạt đau khổ tăng thêm lên đang bay mỗi lúc một nhanh hơn tới chỗ kết thúc, tới nỗi đau khổ khủng khiếp nhất. “Mình đang bay…” Ông rùng mình, cựa quậy, muốn chống lại, nhưng ông biết rằng không thể chống lại được. Ông lại đưa cặp mắt nhìn lưng đi văng, cặp mắt nhìn đã mỏi, nhưng không thể không nhìn ra phía trước, và chờ đợi, chờ đợi sự rơi tõm khủng khiếp, sự va đập và tan tành. “Không thể chống lại được, – ông tự nhủ. – Nhưng giá hiểu được vì sao lại thế? Và không thể hiểu được. Có thể giải thích được, nếu như nói rằng mình đã sống không ra sống. Nhưng không thể thừa nhận điều đó được”, – ông tự nhủ khi nhớ lại cuộc sống hợp pháp, mực thước và lịch thiệp của mình. “Không thể chấp nhận điều đó được, – ông tự nhủ, nhếch mép cười, tưởng như có người nhìn được nụ cười đó của ông và bị nó đánh lừa. – Không giải thích được! Sự đau khổ, cái chết… Để làm gì?”
11
Hai tuần lễ đã trôi qua như thế. Trong những tuần lễ đó đã xảy ra sự kiện mà Ivan I lyich và vợ ông mong chờ: Pêtơrisér đã chính thức cầu hôn. Việc đó xảy ra vào buổi tối. Hôm sau Praskôvia Phêđôrốvna đến phòng chồng, bà suy nghĩ xem nên báo tin đó cho chồng như thế nào, nhưng cũng trong buổi tối đó, bệnh tình Ivan I lyich lại trở nên trầm trọng. Praskôvia Phêđôrốvna bắt gặp ông vẫn nằm trên chiếc đi văng đó, nhưng nằm trong tư thế mới. Ông nằm ngửa, rên rỉ và nhìn chằm chằm lên trần.
Bà bắt đầu nói về chuyện thuốc men. Ông đưa mắt nhìn bà. Chưa nói hết lời, bà đã nhận ra vẻ hằn học ghê gớm đối với bà chứa chất trong cái nhìn đó.
– Vì Chúa, mình hãy để tôi chết cho yên thân, – ông nói.
Bà muốn đi ra, nhưng vừa lúc ấy cô con gái vào phòng và bước lại gần giường cha thăm hỏi. Ông cũng nhìn cô con gái như nhìn bà vợ và khi nghe cô hỏi về sức khỏe, ông chỉ nói một cách khô khan với cô rằng ông sẽ mau chóng giải thoát cho tất cả bọn họ khỏi phải chịu đựng ông. Hai mẹ con ngồi im lặng, rồi ra khỏi phòng.
– Mẹ con mình có lỗi gì cơ chứ? – Êlidavêta nói với mẹ. – Cứ y như chúng ta gây ra chuyện này ấy! Con thương ba, nhưng vì lẽ gì ba lại giày vò chúng ta?
Bác sĩ đến vào giờ thường lệ. Trả lời câu hỏi của bác sĩ, Ivan I lyich nói:
“Có, không”, không rời cặp mắt hằn học khỏi ông ta và sau cùng ông nói:
– Ông cũng biết rằng ông không thể giúp gì được, vậy hãy thôi đi.
– Chúng tôi có thể làm dịu đau, – bác sĩ nói.
– Cả điều ấy ông cũng không thể làm được, ông thôi đi.
Bác sĩ bước ra phòng khách và báo cho Praskôvia Phêđôrốvna biết rằng tình hình rất nguy kịch và chỉ còn có một phương sách là dùng thuốc phiện để làm dịu đau đớn, những đau đớn hẳn là khủng khiếp.
Bác sĩ nói rằng, những đau đớn thể xác của ông là khủng khiếp. Điều đó đúng, nhưng những đau đớn tinh thần của ông còn khủng khiếp hơn những đau đớn thể xác, ông bị giày vò chính là vì thế.
Những đau đớn tinh thần của ông là ở chỗ, đêm hôm ấy khi nhìn khuôn mặt ngái ngủ, đôn hậu, có gò má cao của Ghêrasim, ông bất chợt nghĩ: Thế ngộ quả thực toàn bộ cuộc đời mình, cuộc sống có ý thức của mình “không ổn” thì sao.
Trước đây ông cho rằng dứt khoát không thể nào nghĩ là ông đã sống không ra sống, bây giờ ông nghĩ điều đó có thể là sự thật. Ông đã từng có những ý định đấu tranh không rõ rệt chống lại điều mà những người ở chót vót trên cao cho là tốt và lập tức gạt bỏ những ý định đó, bây giờ ông nghĩ rằng những ý định đó có thể là chính đáng, còn mọi điều khác có thể là không ổn. Cả công vụ của ông, cả việc thu xếp cuộc sống, cả gia đình của ông lẫn những mối quan tâm về xã hội và công vụ kia, mọi cái đó đều có thể là không ổn. Ông định bảo vệ tất cả những cái đó trước mình. Bỗng nhiên ông cảm thấy tất cả chỗ yếu của những gì ông đang bảo vệ. Và chẳng làm thế nào mà bảo vệ được.
“Nếu quả là như thế, – ông tự nhủ, – mình sẽ rời khỏi cuộc sống với ý thức rằng mình đã hủy hoại tất cả những gì đã được trao cho mình, không thể nào cứu vãn được, lúc đó tình hình sẽ ra sao?” Ông nằm ngửa và bắt đầu điểm lại cuộc đời mình một cách hoàn toàn mới mẻ. Sáng nay ông đã nhìn thấy tên đầy tớ, rồi đến bà vợ, cô con gái và vị bác sĩ, – mỗi cử chỉ của họ, mỗi lời nói của họ đều khẳng định với ông chân lý khủng khiếp ông đã phát hiện đêm qua. Ông nhìn thấy mình qua họ, nhìn thấy tất cả những gì ông đã sống và thấy rõ ràng tất cả những cái đó đều không ổn, tất cả những cái đó đều là trò bịp lớn, khủng khiếp, nó che lấp mất cả cuộc sống lẫn cái chết. Ý nghĩ đó tăng thêm, nhân lên gấp mười những đau đớn thể xác của ông. Ông rên rỉ, vật vã và dứt tung quần áo ở trên mình. Ông tưởng như áo quần đè nén ông, làm cho ông nghẹt thở. Và vì thế ông căm ghét họ, những con người đó.
Người ta cho ông uống một liều thuốc phiện lớn, ông ngủ thiếp đi, nhưng đến bữa ăn trưa, cảnh đó lại tái diễn. Ông xua đuổi tất cả mọi người và vật vã tại chỗ.
Bà vợ đến gần ông và nói:
– Jean yêu quý ơi, mình hãy làm vì tôi, (vì tôi ư?). Việc đó không có hại đâu, mà đôi khi còn có lợi. Chả việc gì đâu. Ngay những người khỏe đôi khi cũng…
Ông mở to mắt:
– Cái gì? Làm lễ nhập thánh thể à? Để làm gì? Chả cần! Nhưng thôi được…
Bà òa khóc.
– Mình ơi, tôi mời linh mục quen biết nhà ta, ông ấy hiền lắm.
– Tuyệt, hay lắm, – ông thốt lên.
Khi vị linh mục tới và nghe ông xưng tôi, ông dịu đi, cảm thấy tựa hồ như mình đã dịu bớt nghi ngờ, do đó đã dịu bớt đau khổ và ông thoáng thấy hy vọng. Ông lại bắt đầu nghĩ tới manh tràng và khả năng chữa lành nó. Khi làm lễ nhập thánh thể thì mắt ông ứa lệ.
Người ta đặt ông nằm sau khi làm lễ, ông cảm thấy dễ chịu một lát và lại hy vọng sống. Ông xoay ra nghĩ tới cuộc giải phẫu mà người ta đề nghị với ông. “Sống, mình muốn sống”, – ông tự nhủ. Bà vợ tới chúc mừng ông, sau khi nói mấy lời theo lệ thường, bà thêm:
– Có đúng là mình thấy dễ chịu hơn không nào?
Không nhìn bà, ông thốt ra: đúng.
Áo quần của bà, vóc dáng của bà, vẻ mặt của bà, giọng nói của bà – tất cả đều nói với ông một điều: “Không ổn. Tất cả những gì mình đã sống và đang sống đều là dối trá, bịp bợm nó che lấp khiến mình không thấy sự sống và cái chết”. Vừa nghĩ tới đó, lòng căm thù của ông trào lên, kèm theo đó là những đau đớn giày vò về thể xác và ý thức về cái chết gần kề, không tránh khỏi.
Một điều gì đó mới mẻ diễn ra: ông cảm thấy như bị đau xoắn, nhức buốt và nghẹt thở.
Vẻ mặt của ông khi ông thốt ra tiếng “đúng” thật khủng khiếp. Sau khi thốt ra tiếng “đúng”, ông nhìn thẳng vào mặt bà, rồi tuy yếu như vậy, ông quay người nằm sấp xuống nhanh chóng lạ thường và la lớn:
– Đi đi, đi đi, để cho tôi yên!
12
Từ phút đó bắt đầu cuộc kêu rên liên tục suốt ba ngày, tiếng kêu rên khủng khiếp đến nỗi cách hai lần cửa, khi nghe thấy, người ta vẫn khiếp sợ. Vào giây phút khi ông trả lời vợ, ông hiểu rằng ông đã đi đứt rồi, không cứu vãn được, thế là hết rồi, hết hẳn rồi, còn mối hoài nghi thế là đã không được giải quyết và sẽ vẫn cứ là một mối hoài nghi.
– U! U-u! U! – Ông la lên bằng cái giọng điệu khác nhau.
Ông bắt đầu kêu: “Tôi không muốn!” – và cứ thế tiếp tục kêu theo âm “uốn”.