Cái chết của Ivan I lyich – Lev Tolstoy

“Hay là lại tiêm moóc-phin, để mà thiếp đi. Mình sẽ bảo với bác sĩ để ông ta nghĩ xem có dùng thêm thuốc gì nữa không. Chứ thế này thì không được, không thể được”.

Một giờ, rồi hai giờ đồng hồ trôi qua như vậy. Nhưng rồi có tiếng chuông réo ở phòng ngoài. Có lẽ là bác sĩ. Đúng là bác sĩ tới, ông ta tươi tắn, vui vẻ, tráng kiện, béo núc ních, vẻ mặt ông ta như muốn nói: Các vị ở đây đang có điều gì đó lo sợ, còn chúng tôi giờ đây tới để thu xếp mọi việc cho các vị. Bác sĩ biết rằng vẻ mặt đó không thích hợp ở đây, nhưng đã khoác vẻ mặt đó ông không sao giũ ra được, giống như một người buổi sáng khoác chiếc áo đuôi én lên người và đi thăm thú bạn bè vậy.

Bác sĩ rửa tay một cách khoan khoái, như muốn an ủi người bệnh.

– Tôi bị lạnh. Băng giá khiếp. Để tôi sưởi một lát, – ông nói với cái vẻ như chỉ cần đợi một lát để ông sưởi ấm và khi ông đã sưởi ấm rồi, thì mọi sự sẽ được chỉnh đốn đâu vào đấy.

– Nào, thế nào?

Ivan I lyich cảm thấy bác sĩ muốn nói: “Tình hình thế nào?”. Nhưng chính ông ta cũng thấy không nên hỏi như vậy, nên ông ta nói: – Đêm qua ông ngủ được không?

Ivan I lyich nhìn bác sĩ như muốn hỏi: “Chả lẽ không bao giờ anh thấy hổ thẹn khi nói dối ư?”

Nhưng bác sĩ không muốn hiểu câu hỏi đó.

Và Ivan I lyich nói:

– Vẫn cứ khủng khiếp thế. Không hết đau, cơn đau không chịu lui. Giá có vị thuốc gì đó!

– Chà, bệnh nhân các ông bao giờ cũng cứ thế. Thôi được, bây giờ hình như tôi đã ấm người lên rồi, ngay đến người cẩn thận có tiếng như bà Praskôvia Phêđôrốvna chắc cũng không có lý do gì để chê trách tôi đem khí lạnh vào nhà. Nào, chào ông. – Và bác sĩ bắt tay Ivan I lyich.

Rồi gạt bỏ tất cả vẻ vui nhộn trước đây, bác sĩ bắt đầu khám bệnh, bắt mạch, đo nhiệt độ với vẻ mặt nghiêm trang và lại bắt đầu gõ gõ, nghe nghe. Ivan I lyich biết chắc và dứt khoát rằng tất cả những cái đó đều vớ vẩn, đều là trò bịp vô vị, nhưng khi bác sĩ quỳ xuống, nhoài người trên người ông, áp tai khi thì xuống phía dưới khi thì lên phía trên, làm một vài động tác thể dục khác nhau trên người ông với bộ mặt vô cùng trang nghiêm, Ivan I lyich buông mình theo bác sĩ, như ông thường buông mình theo những lời cãi của các luật sư, khi ông biết rất rõ rằng họ toàn nói dối và họ nói dối như thế để làm gì.

Bác sĩ quỳ gối trên đi văng, còn đang gõ gõ gì đó nữa, thì nghe có tiếng áo lụa sột soạt của Praskôvia Phêđôrốvna ở cửa ra vào và tiếng bà trách mắng Piốt không báo tin bác sĩ tới cho bà biết. Bà bước vào phòng, hôn chồng và bắt đầu chứng minh ngay rằng bà đã dậy từ lâu và chỉ vì sơ ý một chút, nên bà mới không có mặt ở đây khi bác sĩ tới.

Ivan I lyich nhìn bà, đưa mắt nhìn khắp người bà có ý chê trách nước da trắng trẻo, vẻ mũm mĩm và đôi tay cùng ngấn cổ sạch sẽ của bà, mái tóc láng bóng và ánh mắt đầy sức sống của bà. Ông vô cùng căm ghét bà. Việc bà chạm vào người ông khiến ông đau đớn vì cơn căm ghét đối với bà sôi sục trong ông.

Thái độ của bà đối với ông và bệnh tật của ông cũng vẫn thế. Cũng như vị bác sĩ đã tạo ra cho mình thái độ đối xử với người ốm, mà ông ta không thể giũ bỏ đi được, bà cũng tạo ra một thái độ đối xử với ông và bà cũng không thể bỏ thái độ đó được. Thái độ đó là: Bà âu yếm trách móc ông vì ông không làm những gì cần làm và bản thân ông có lỗi.

– Cũng là bởi ông ấy không chịu nghe lời cơ! Có uống thuốc đúng lúc đâu. Cái chính là ông ấy nằm không đúng kiểu, chân cứ giơ lên cao, tư thế nằm như vậy nhất định làm hại ông ấy.

Bà kể chuyện ông ấy đã bắt Ghêrasim đỡ chân mình lên như thế nào.

Vị bác sĩ khinh khỉnh trìu mến mỉm cười: “Biết làm thế nào được, bệnh nhân đôi khi nghĩ ra những trò ngốc nghếch như vậy đấy. Nhưng có thể tha thứ được”. Khi khám bệnh xong, bác sĩ nhìn đồng hồ và lúc đó Praskôvia Phêđôrốvna báo cho Ivan I lyich biết rằng, thể theo ý muốn của ông, hôm nay bà sẽ mời vị bác sĩ nổi tiếng tới để vị đó cùng với Mikhain Đanilôvích (người ta gọi vị bác sĩ loàng xoàng như vậy) khám bệnh và hội chẩn cho ông.

– Mong mình đừng phản đối. Tôi làm như thế vì tôi đấy, – bà nói một cách mỉa mai làm cho người ta cảm thấy rằng bà làm tất cả những việc đó vì ông và chỉ riêng điều đó đã khiến ông không có quyền từ chối bà. Ông cau mày và im lặng. Ông cảm thấy sự dối trá vây quanh ông rối tung lên, đến nỗi khó mà lần ra được điều gì.

Bà đã làm tất cả mọi việc cho ông chỉ vì bà, và bảo ông rằng những việc bà đang làm cũng đúng là bà làm vì bà, đó là chuyện khó tin đến nỗi ông phải hiểu trái ngược lại.

Quả thực vị bác sĩ nổi tiếng đã đến vào hồi mười một giờ rưỡi. Người ta lại nghe ngóng trên người bệnh nhân, lại có những cuộc trao đổi quan trọng trước mặt ông và bàn bạc về thận, về manh tràng tại một căn phòng khác. Lại những câu hỏi và những câu trả lời với những vẻ mặt trang nghiêm, đến mức vấn đề thận và manh tràng – những cái đang hoạt động xộc xệch, bởi thế vị bác sĩ loàng xoàng và bác sĩ trứ danh phải tấn công vào chúng để buộc chúng phải sửa chữa – đã lấn chỗ của vấn đề thực tế về cái sống và cái chết, là vấn đề duy nhất đang sừng sững hiện ra trước mắt ông.

Vị bác sĩ nổi tiếng từ biệt ra về với vẻ mặt nghiêm nghị, nhưng không tuyệt vọng. Và khi Ivan I lyich ngước cặp mắt ánh lên nỗi sợ hãi và niềm hy vọng, rụt rè hỏi ông xem liệu có khả năng bình phục được không, vị bác sĩ nổi tiếng đã đáp rằng ông ta không thể bảo đảm được, nhưng khả năng đó thì có. Ivan I lyich tiễn vị bác sĩ bằng cái nhìn đầy hy vọng, cái nhìn đó thảm hại quá, đến nỗi trông thấy thế, Praskôvia Phêđôrốvna đã òa khóc, khi bà bước ra khỏi cửa phòng làm việc để trả tiền thù lao cho vị bác sĩ trứ danh.

Sự phấn chấn tinh thần do lời hứa hẹn của bác sĩ đem lại kéo dài không lâu. Lại vẫn căn phòng đó, vẫn những bức tranh, những rèm treo cửa sổ, những giấy dán lót tường, những ve thuốc ấy và cũng vẫn cái thân hình bệnh hoạn đau đớn đó. Và Ivan I lyich lại bắt đầu kêu rên. Người ta tiêm thuốc cho ông, ông ngủ thiếp đi.

Khi ông tỉnh dậy, trời đã chạng vạng tối, người ta dọn bữa ăn ra cho ông. Ông gắng sức ăn món thịt hầm. Thế rồi đêm tối lại đến.

Sau bữa ăn, vào khoảng bảy giờ, Praskôvia Phêđôrốvna bước vào phòng ông. Bà ăn mặc như đi dự dạ hội, bộ ngực đồ sộ căng phồng lên, mặt đánh phấn khá rõ. Từ sáng bà đã nhắc cho ông biết tối nay bà đi xem kịch. Cô đào Xara Berna[24] vừa tối và họ thì lại có một lô mà trước đây ông đã khẩn khoản thuê bằng được. Giờ đây ông đã quên chuyện đó, thấy bà ăn mặc trưng diện ông khó chịu. Nhưng ông giấu giếm sự khó chịu của mình, khi sực nhố ra rằng chính ông đã khẩn khoản để họ có được lô đó, bởi vì việc xem hát sẽ đem lại khoái cảm thẩm mỹ có ý nghĩa giáo dục đối với con cái.

Praskôvia Phêđôrốvna tỏ vẻ hài lòng về mình, nhưng bà cảm thấy như có lỗi. Bà ghé ngồi xuống, hỏi han sức khỏe chồng, ông thấy bà hỏi chỉ để mà hỏi, chứ không phải để biết, vì bà biết rằng chả có điều gì phải tìm hiểu cả. Rồi bà bắt đầu nói điều bà thấy cần nói: Những như bà, chả đòi nào bà đi, nhưng lô đã thuê rồi, Êlen, con gái bà Pêtơrisér (viên dự thẩm, chồng chưa cưới của con gái bà) cũng đi và không thể để họ đi một mình được. Chứ giá ngồi với ông thì bà thích hơn. Bà chỉ mong khi vắng bà ông vẫn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

– À, Phêđo Pêtơrôvích (chồng chưa cưới của con gái) muốn vào thăm ông, có được không? Cả Êlidavêta nữa.

– Cứ để chúng nó vào.

Cô con gái bước vào phòng, ăn mặc sang trọng để lộ thân hình trẻ trung, cái thân hình khiến ông phải đau đớn xiết bao. Vậy mà cô ta lại phô trương nó ra. Sung sức, khỏe mạnh, hiển nhiên đang đắm đuối yêu đương, cô ta căm phẫn bệnh tật, những đau khổ và cái chết, vì chúng cản trở hạnh phúc của cô ta.

Phêđo Pêtơrôvích cũng bước vào phòng, anh mặc áo đuôi én, tóc uốn quăn à la Capoul[25], chiếc cổ dài đầy gân lộ ra sau chiếc cổ bẻ của áo sơ-mi màu trắng, ngực trắng, rộng, đôi cẳng chân lực lưỡng bó trong ống quần đen hẹp, một bàn tay đi găng trắng, đội mũ lễ.

Chú học sinh trung học cũng lặng lẽ lò dò vào theo họ, chú bé khốn khổ mặc bộ đồng phục mới, tay đi găng, cặp mắt thâm quầng đèn thảm hại, nhìn những vệt thâm quầng đó, Ivan I lyich hiểu rõ lòng con.

Bao giờ ông cũng thấy thương hại cậu con trai. Cái nhìn kinh hãi và đầy thương cảm của nó thực khủng khiếp. Ivan I lyich tưởng như ngoài Ghêrasim ra, chỉ có mình Vaxili hiểu và thương ông. Mọi người ngồi xuống, lại hỏi về sức khỏe của ông. Im lặng. Êlidavêta hỏi mẹ về chiếc ống nhòm. Hai mẹ con cãi cọ với nhau, mỗi người nói một phách. Mọi người đâm ra khó chịu.

Phêđo Pêtơrôvích hỏi Ivan I lyich xem ông đã được thấy mặt cô đào Xara Berna chưa. Thoạt đầu Ivan I lyich không hiểu anh ta hỏi gì, sau đó ông nói:

– Chưa. Thế anh thấy cô ấy rồi à?

– Rồi ạ, trong vở “Adrienne Lecouvreur”.[26]

Praskôvia Phêđôrốvna nói rằng cô đào này đặc biệt xinh đẹp trong vở đó. Cô con gái phản đối. Họ bắt đầu trò chuyện về vẻ duyên dáng và tính chân thật trong cách diễn xuất của cô đào hát, – vẫn một điệu chuyện trò ấy, giống y như mọi khi.

Giữa những câu chuyện, Phêđo Pêtơrôvích nhìn Ivan I lyich và im bặt. Mọi người cũng nhìn ông và im bặt, Ivan I lyich đưa cặp mắt long lanh nhìn về phía trước mặt, rõ ràng là ông bất bình với họ. Phải cứu vãn tình trạng này, nhưng không tài nào cứu vãn được. Phải làm cách nào đó phá tan sự im lặng này. Chẳng có ai dám quyết định và mọi người đâm ra lo sợ nhỡ bỗng nhiên vì lẽ gì đó sự dối trá lịch thiệp bị phá tan và sự thật sẽ phơi bày rõ mồn một trước mắt mọi người. Êlidavêta là người đầu tiên quyết định. Cô phá tan sự im lặng. Cô muốn che giấu điều mọi người cảm thấy, nhưng cô buột miệng nói ra.

Tác giả: