Ghêrasim lại mỉm cười và toan đi. Nhưng Ivan I lyich thấy thích ngồi với anh, nên không muốn để anh đi.
– Thế này nhé: Anh đẩy giúp tôi chiếc ghế dựa kia lại đây. Không, chiếc kia cơ, đặt dưới chân tôi. Để chân lên cao tôi cảm thấy dễ chịu hơn.
Ghêrasim nhấc chiếc ghế tựa, không gây ra tiếng động, đặt nó ngay ngắn trên sàn nhà và nâng chân Ivan I lyich lên chiếc ghế. Ivan I lyich tưởng như dễ chịu hơn, khi Ghêrasim nhấc cao chân ông lên.
– Khi để chân lên cao tôi cảm thấy dễ chịu hơn, – Ivan I lyich nói. – Anh kê cho tôi chiếc gối vào đây. Ghêrasim làm theo lời ông. Anh lại nâng chân ông lên và đặt chân lên gối. Ivan I lyich lại cảm thấy dễ chịu hơn khi Ghêrasim đỡ chân ông lên. Khi anh hạ chân ông xuống, ông tưởng như khó chịu hơn. Ông nói với anh:
– Anh Ghêrasim này, bây giờ anh có bận gì không?
– Không bận gì cả ạ, – Ghêrasim nói, anh đã học được cung cách của người thành phố ăn nói với các chủ nhân.
– Anh còn phải làm gì nữa không?
– Làm gì nữa ạ? Tôi làm xong việc cả rồi, chỉ còn bổ củi để mai đun thôi.
– Thế thì anh đỡ cho chân tôi cao lên được không?
– Được chứ, sao lại không ạ. – Ghêrasim nhấc cao chân Ivan I lyich lên và ông tưởng như trong tư thế đó ông hoàn toàn không cảm thấy đau.
– Thế còn củi thì sao?
– Xin ngài đừng lo. Tôi làm kịp chán.
Ivan I lyich sai Ghêrasim ngồi và đỡ chân cho ông, rồi trò chuyện với ông. Và điều kỳ lạ là ông cảm thấy dễ chịu hơn, khi Ghêrasim đỗ chân ông.
Từ đó, thỉnh thoảng Ivan I lyich lại gọi Ghêrasim tới và bắt anh đưa vai ra đỡ chân cho mình, và ông thích nói chuyện với anh. Ghêrasim làm việc đó một cách nhẹ nhõm, tự nguyện, giản dị và đôn hậu, khiến Ivan I lyich hết sức cảm động. Sức khỏe, sức lực, sức sống trong mọi người khác làm cho Ivan I lyich mếch lòng, chỉ có sức lực và sức sống của Ghêrasim là không làm ông phiền lòng mà còn xoa dịu ông.
Ivan I lyich bị giày vò chủ yếu bởi sự dối trá, – chẳng hiểu sao sự dối trá đó được tất cả mọi người thừa nhận, họ cho rằng ông chỉ ốm đau thôi, chứ không phải sắp chết, ông chỉ cần yên tâm chạy chữa, thế rồi sự thể sẽ rất tốt đẹp. Bản thân ông biết rằng dù họ có làm gì đi nữa cũng không ăn thua gì, ngoài việc gây thêm cho ông những đau đớn quằn quại và cái chết. Ông bị giày vò bởi sự dối trá đó, bị giày vò bởi chỗ họ không muốn thừa nhận điều mọi ngươi đều biết và ông cũng biết, mà cứ muốn lừa dối ông về tình trạng khủng khiếp của ông và họ muốn buộc chính ông phải tham gia vào cái trò dối trá này. Ivan I lyich bị giày vò một cách khủng khiếp bởi cái trò dối trá mà người ta đã dựng lên trước mặt ông khi ông sắp chết, trò dối trá đó hạ thấp cái chết trang trọng khủng khiếp này của ông xuống hàng những cuộc viếng thăm, những rèm treo cửa sổ, món cá chiên trong bữa ăn của họ… Điều kỳ lạ là đã nhiều lần, khi họ giở trò ra với ông, suýt nữa ông đã quát vào mặt họ: Các người đừng lừa dối nữa. Các người biết rõ và tôi cũng biết rõ rằng tôi đang hấp hối, vậy thì ít ra cũng đừng lừa dối nữa. Nhưng không bao giờ ông có đủ tinh thần để làm việc đó. Ông thấy tất cả những người xung quanh ông đã hạ thấp quá trình hấp hối đáng sợ, khủng khiếp của ông xuống mức độ một sự tình cờ khó chịu, phần nào bất lịch sự (giống như người ta xử sự với một kẻ đem hơi thối vào phòng khách vậy) bằng chính cái phép lịch sự mà ông suốt đời phụng sự. Ông thấy chẳng có ai thương ông và thậm chí không ai muốn hiểu tình trạng của ông. Chỉ có mình Ghêrasim hiểu tình trạng đó và thương ông. Bởi lẽ đó, Ivan I lyich chỉ cảm thấy khoan khoái khi có Ghêrasim. Ông cảm thấy khoan khoái khi có Ghêrasim thỉnh thoảng thức thâu đêm, đỡ chân cho ông, không chịu đi ngủ và nói: “Ngài đừng phiền lòng, Ivan I lyich ạ, tôi sẽ ngủ sau”, hoặc khi anh bỗng nhiên xưng hô thân mật với ông: “Giá như ông không ốm thì con làm sao mà được hầu hạ ông?” Chỉ có một mình Ghêrasim không lừa dối, căn cứ vào tất cả cung cách của anh, có thể thấy chỉ có một mình anh hiểu rõ sự tình và thấy không cần giấu giếm điều đó, anh chỉ thương hại một cách chất phác ông chủ yếu ớt hác hác của mình. Thậm chí có lần anh nói thẳng, khi Ivan I lyich cho anh đi:
Tất cả chúng ta rồi sẽ chết. Tại sao lại không chịu khó làm lụng? – Nói như vậy anh muốn giãi bày quan niệm của anh là anh không thấy việc làm này nặng nề chính vì anh làm việc đó cho người đang hấp hối, và anh hy vọng rằng rồi cũng sẽ có người chịu khó giúp anh khi anh lâm vào cảnh đó.
Ngoài sự dối trá này hoặc là do kết quả của nó, điều khiến Ivan I lyich bị giày vò hơn cả là chẳng có ai thương xót ông như ý ông mong muốn. Sau những đau đớn kéo dài, nhiều lúc điều Ivan I lyich mong ước nhiều hơn cả là muốn được có người thương xót mình như thương một đứa trẻ đau ốm, dẫu rằng thú nhận như vậy ông cảm thấy xấu hổ. Ông muốn người ta vuốt ve ông, hôn hít, khóc lóc vì ông, như người ta vẫn vuốt ve an ủi trẻ con vậy. Ông biết rằng ông là một nhân vật quan trọng, đầu ông đã bạc cho nên không thể làm như thế được, nhưng dẫu sao ông vẫn cứ mong muốn điều đó. Trong quan hệ của ông với Ghêrasim có một cái gì đó gần gũi như thế, bởi vậy, ông thấy được an ủi khi tiếp xúc với anh. Ivan I lyich muốn khóc, muốn người ta vuốt ve ông và khóc vì ông. Ấy thế nhưng khi viên ủy viên tư pháp Sêbếch tới, thì đáng lẽ khóc lóc và làm nũng. Ivan I lyich lại nghiêm nét mặt ra vẻ trầm ngâm và theo thói quen, ông phát biểu ý kiến của mmh về ý nghĩa của quyết đinh kháng án và khăng khăng giữ nguyên ý kiến đó. Sự dối trá ở quanh ông và ở ngay trong chính bản thân ông đã đầu độc những ngày cuối đời của Ivan I lyich nhiều hơn cả.
8
Rạng sáng. Trời vừa rạng sáng là Ghêrasim rời khỏi phòng, và anh đầy tớ Piốt tới tắt nến, vén một rèm che cửa sổ và khe khẽ dọn dẹp. Buổi sáng hay buổi chiều, thứ sáu hay chủ nhật, đằng nào cũng thế thôi, ngày nào cũng vẫn một điều ấy; cơn đau quằn quại, nhức nhối, không giây phút nào lắng dịu; ý thức về cuộc sống đang ra đi, không phương cứu vãn, nhưng vẫn chưa đi hẳn; cái thực tại duy nhất vẫn là cái chết khủng khiếp đáng căm giận đang nhích tới gần và vẫn là sự dối trá đó. Giờ giấc, ngày tháng ở đây nào có ý nghĩa gì?
– Ngài có dùng trà không ạ?
“Hắn cần giữ nề nếp là sáng nào các chủ nhân cũng uống trà”, – Ivan I lyich nghĩ và chỉ nói.
– Không.
– Ông có thích chuyển sang đi văng không ạ?
“Hắn muốn dọn buồng cho gọn và mình cản trở hẳn, mình là đồ bẩn thỉu, một sự lộn xộn”, – ông nghĩ và chỉ nói:
– Không, để kệ tôi.
Anh đầy tớ lại loay hoay dọn dẹp. Ivan I lyich chìa tay ra. Piốt ân cần bước lại gần.
– Ngài cần gì ạ?
– Đồng hồ.
Piốt lấy chiếc đồng hồ nằm ở ngay bên cạnh và đưa cho ông.
– Tám giờ rưỡi. Ngoài kia họ chưa dậy à?
– Chưa ạ. Cậu Vaxili Ivanôvích (đó là cậu con trai) đi học, còn bà Praskôvia Phêđôrốvna ra lệnh đánh thức bà, nếu ngài cần. Ngài sai đánh thức bà chứ ạ?
– Không, không cần. – “Thử uống tí nước chè chăng?” – Ông nghĩ. Ừ, nước chè… Anh đem đến đây.
Piốt đã bước ra tới cửa, Ivan I lyich bắt đầu thấy khiếp sợ khi phải ở lại một mình. “Làm thế nào giữ hắn lại nhỉ? A phải rồi, thuốc”, – Piốt này, anh đưa thuốc cho tôi uống. – “Tại sao nhỉ, có lẽ thuốc còn có tác dụng”. Ông cầm chiếc cùi dìa và uống: “Không, chả có tác dụng. Chuyện vớ vẩn cả, trò bịp bợm, – ông dứt khoát nghĩ như vậy, khi vừa cảm thấy mùi vị quen thuộc ngọt sắc và vô vọng. – Không, mình không thể tin được nữa rồi. Nhưng cơn đau, tại sao lại đau, giá nó dịu đi một lát”. Và ông rên lên. Piốt quay trở lại. – Không, đi đi, mang nước chè lại đây.
Piốt đi ra. Nằm lại một mình, Ivan I lyich rên lên, vì đau thì ít, dù cơn đau khủng khiếp đến như thế nào, ông rên lên vì một nỗi buồn da diết. “Vẫn cứ một điệu ấy, vẫn những ngày đêm vô tận ấy. Giá chóng vánh hơn. Cái gì chóng vánh hơn? Cái chết, bóng tối. Không, không. Mọi thứ đều hay hơn cái chết!”
Khi Piốt bê khay nước chè bước vào, Ivan I lyich ngỡ ngàng nhìn anh mãi không biết anh là ai và anh vào làm gì. Piốt bối rối trước cái nhìn đó. Và khi thấy Piốt bối rối, Ivan I lyich mới sực tỉnh.
– À phải, – ông nói, – nước chè… tốt lắm, anh để đây. Có điều anh giúp tôi lau mình và thay chiếc áo sơ-mi sạch nhé.
Rồi Ivan I lyich bắt đầu lau mình. Ông vừa lau vừa nghỉ, lau mặt, tay, đánh răng, chải đầu và soi gương. Ông đâm ra hoảng sợ, đặc biệt hoảng sợ khi thấy tóc nằm ẹp xuống vầng trán xanh lướt.
Khi người ta thay áo sơ-mi cho ông, ông biết rằng ông sẽ còn hoảng sợ hơn nữa nếu ông nhìn vào thân hình mình, bởi thế ông không nhìn. Nhưng rồi mọi việc cũng xong xuôi. Ông mặc áo choàng, khoác thêm chiếc khăn len và ngồi vào ghế bành uống trà. Ông cảm thấy mình tươi tỉnh lên trong giây lát, nhưng chỉ vừa mới bắt đầu nhấp chén trà ông lại cảm thấy ngay mùi vị đó, cơn đau đó. Ông cố uống hết chén nước, đi nằm và duỗi chân ra. Ông cho Piốt đi ra ngoài.
Vẫn cứ thế. Khi thì một tia hy vọng lóe lên, khi thì biển tuyệt vọng nổi sóng và vẫn cứ đau, đau mãi, vẫn thấy buồn da diết và vẫn cứ mãi một điệu ấy. Nằm một mình buồn kinh khủng, muốn gọi ai đó, nhưng ông biết trước rằng có mặt những người khác lại còn tệ hại hơn.