Tôi chần chừ một lát rồi cầm lấy, mẩu giấy lạo xạo khi tôi khoanh hai tay lại, rồi tôi cắm đầu đi tiếp. Sau lưng tôi, anh ta cười và nói: “Cô đúng là lạ, cô gái kỳ quặc. Tôi thích cô đấy!”
Buổi sáng hôm đó, sau khi mang ra một suất Danish và một ly cà phê đá, cô phục vụ bàn ở quán cà phê Bambi còn đặt trên bàn tôi thêm một đĩa cơm to với vài miếng chả cá, hai đĩa dưa góp và một bát xúp miso.
“Ồ không, tôi không gọi những món này,” tôi nói bằng tiếng Nhật.
Cô gái liếc nhìn về phía người quản lý đang kiểm tra hóa đơn tại quầy thu tiền rồi quay lại phía tôi, đưa mắt nhìn lên trần nhà và đặt một ngón tay lên miệng. Đến khi tính tiền tôi thấy cô chỉ ghi trong hóa đơn có món Danish mà thôi. Tôi ngồi ngẩn người ra, không biết phải nói gì nữa, chỉ biết nhìn chằm chằm vào cô phục vụ lúc này đang tíu tít đi từ bàn này sang bàn khác rút cuốn sổ ghi chép nhỏ ra khỏi chiếc túi ở tạp dề và lấy chiếc bút bi Maruko Chan màu hồng gãi gãi đầu. Không phải lúc nào bạn cũng được hưởng một sự đối xử hào phóng đến vậy, ít nhất là theo những gì tôi được biết. Tôi đột nhiên tò mò không biết bố cô ấy là người thế nào, cả ông nội cô ấy nữa. Tôi băn khoăn không biết liệu ông có bao giờ trò chuyện với cô về những gì đã xảy ra ở Nam Kinh. Trong nhiều năm, các trường học ở Nhật Bản không dạy học sinh về vụ thảm sát ở Nam Kinh. Tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến này đều bị đưa ra khỏi sách giáo khoa. Phần lớn thanh niên Nhật chỉ có một khái niệm hết sức mơ hồ về những gì xảy ra ở Trung Quốc năm 1937. Tôi tự hỏi không biết cô phục vụ bàn có biết đến cái tên Nam Kinh hay không nữa.
Có những thứ bạn phải nghiên cứu rất lâu trước khi có thể hiểu được nó. Chín năm, bảy tháng, mười tám ngày. Ấy thế mà dường như vẫn chưa đủ. Thậm chí với tất cả những gì mà tôi đã đọc về quãng thời gian người Nhật chiếm đóng Trung Quốc, tôi vẫn chưa thực sự hiểu tại sao vụ thảm sát lại có thể xảy ra. Có vẻ như các chuyên gia, bao gồm các nhà xã hội học, tâm lí học và sử học thì hiểu được chuyện đó. Họ nói rằng đó là vì sợ hãi. Rằng quân đội Nhật lúc đó vừa đói, vừa mệt, vừa sợ hãi khi phải đổ xương máu cho cuộc tấn công vào Thượng Hải, lại phải đương đầu với bệnh tả và kiết lị, cho nên sau khi hành quân qua nửa đất nước Trung Hoa, đến gần tới thủ đô thì sức chịu đựng của họ đã vượt quá giới hạn cho phép. Một số nhà nghiên cứu cho rằng lính Nhật lúc đó là sản phẩm của một xã hội khao khát quyền lực, họ đã bị tẩy não, xem người Trung Quốc như một loài hạ đẳng. Một số khác thì cho rằng một quân đội như thế khi tiến vào Nam Kinh và nhìn thấy hàng trăm nghìn thường dân vô tội trốn chui trốn lủi trong những tòa nhà bị trúng bom… thì những gì xảy ra tiếp theo đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Quân đội Thiên hoàng đã không tốn nhiều thời gian. Chỉ trong vòng vài tuần họ đã tàn sát khoảng ba trăm nghìn thường dân. Người ta kể rằng, sau vụ tàn sát đó, xác người chất thành cầu, nối liền hai bờ sông Dương Tử. Lính Nhật nghĩ ra đủ kiểu giết người mới lạ như chôn thanh niên xuống cát ngập đến cổ rồi cho xe tăng cán qua đầu; cưỡng hiếp người già, trẻ em và súc vật; dùng cực hình, tra tấn, chém đầu, phanh thây; họ dùng trẻ em làm bia cho các buổi tập trận bằng lưỡi lê. Bạn không thể mong đợi những người đã từng chứng kiến cuộc tàn sát đó lấy lại niềm tin vào người Nhật.
Trong phòng làm việc của Sử Trùng Minh có một chiếc máy chiếu 16 li. Suốt đêm tôi chỉ nghĩ đến nó. Cứ mỗi khi bắt đầu nghĩ rằng mình đã tưởng tượng ra bài báo đó, tôi lại thì thầm với mình, “Một giáo sư xã hội học cần đến máy chiếu phim để làm gì?”
Ngày hôm sau, ông xuất hiện ở trường đại học khoảng trước mười giờ sáng một chút. Tôi nhìn thấy ông từ xa, trông giống như một đứa trẻ di chuyển khó khăn trên vỉa hè. Ông mặc chiếc áo hải quân cài khuy lệch hoàn toàn không theo phong cách Nhật, tập tễnh dựa vào cây gậy, tốc độ chỉ bằng nửa người thường, chiếc mũ dân chài bằng nhựa màu trắng sụp xuống che mái tóc dài bạc trắng. Tôi nhìn ông bước xuống đường, tiến về phía mình, chờ cho ông đến gần cánh cổng sơn đỏ.
“Chào ông,” tôi bước lên phía trước và Sử Trùng Minh dừng lại.
Ông giận dữ nhìn tôi. “Đừng nói gì với tôi,” ông lầm bầm. “Tôi không muốn nói chuyện với cô.” Ông tập tễnh bước về phía trường. Tôi đi bên cạnh ông. Xét ở một khía cạnh nào đó, cảnh tượng chắc hẳn có vẻ khá lịch sự, một học giả nhỏ bé khắc khổ bước đi tập tễnh, giả vờ như không hề có một đứa con gái ngoại quốc cao lênh khênh khoác bộ quần áo kỳ quặc bám theo sau. “Tôi không thích những gì cô mang đến.”
“Nhưng ông phải nói chuyện với tôi. Đây là chuyện hệ trọng nhất trên đời.”
“Không. Cô tìm nhầm người rồi!”
“Tôi không tìm nhầm người. Chính là ông. Sử Trùng Minh. Trong bộ phim của ông có thứ mà tôi đã tìm kiếm suốt gần mười năm qua. Chín năm, bảy tháng và…”
“Và mười tám ngày. Tôi biết. Tôi biết. Tôi biết.” Ông đột ngột dừng lại và quay sang nhìn tôi. Sự giận dữ khiến trên mống mắt ông xuất hiện những đốm nhỏ màu da cam. Ông nhìn tôi rất lâu và tôi nhớ lại cảm giác mơ hồ rằng chắc hẳn tôi khiến ông nhớ tới một chuyện gì đó vì nét mặt ông bỗng trở nên rất đăm chiêu. Cuối cùng ông thở dài, lắc đầu: “Cô đang ở đâu?”
“Ở đây, ở Tokyo. Và hôm nay đã là bảy tháng và mười chín ngày.”
“Vậy thì nói cho tôi biết tôi có thể liên lạc với cô ở đâu. Có thể trong một hai tuần tới, khi tôi rỗi rãi hơn, có thể tôi sẽ cho cô phỏng vấn về thời gian tôi ở Nam Kinh.”
“Một tuần? Ôi, không, tôi không thể đợi được. Tôi không có lấy…”
Ông ta hắng giọng vẻ sốt ruột. “Hãy cho tôi biết một chuyện,” ông nói. “Cô có biết những người giàu có ở Trung Quốc sẽ làm gì để con trai họ học tiếng Anh không?”
“Xin lỗi, tôi không hiểu ông định nói gì?”
“Cô có biết họ đi xa tới mức nào không?” Ông uốn lưỡi lên rồi chỉ vào phần cơ nối phía dưới lưỡi. “Họ cắt lưỡi con trai họ, ngay dưới này này, khi chúng ba hoặc bốn tuổi. Chỉ để lũ trẻ có thể phát âm chữ r trong tiếng Anh.” Ông gật đầu. “Vậy đấy! Thế cô thấy tiếng Anh của tôi thế nào?”
“Hoàn hảo.”
“Ngay cả khi tôi không có bố mẹ giàu có và không cần phải phẫu thuật.”
“Đúng vậy.”
“Đó là do rèn luyện chăm chỉ. Tất cả chỉ có vậy. Hai mươi năm chuyên cần. Và cô có biết chuyện gì không? Tôi không chuyên cần học tiếng Anh hai mươi năm để rồi lãng phí lời nói của mình. Do đó, tôi nói một tuần. Thậm chí là hai tuần. Đó là những gì tôi muốn nói.”
Rồi ông tập tễnh bỏ đi. Tôi lại bám theo.
“Tôi xin lỗi, thôi thì một tuần cũng được.”
Tôi chạy lên phía trước, quay về phía ông và giơ hai tay ra để chặn ông lại. “Tôi đồng ý. Một tuần. Tôi sẽ… Tôi sẽ gọi điện cho ông. Một tuần nữa tôi sẽ đến gặp ông.”
“Tôi không phụ thuộc vào thời khóa biểu của cô được. Tôi sẽ gọi cho cô khi tôi đã sẵn sàng.”
“Tôi sẽ gọi cho ông. Một tuần nữa.”
“Tôi không nghĩ thế,” Sử Trùng Minh bước sang một bên định vượt qua tôi.
“Xin đợi một chút.” Tôi căng óc ra nghĩ. “Được rồi, xem nào.” Tôi tuyệt vọng vỗ tay dò tìm trong mớ quần áo, cố gắng nghĩ xem phải làm gì. Tôi lưỡng lự, cánh tay treo lơ lửng trên túi áo. Trong túi có một thứ. Một miếng vỏ hộp thuốc lá mà Jason trao cho tôi. Tôi hít một hơi dài: “Đây là địa chỉ của tôi. Để tôi viết lại cho ông.”
Chương 4
Ai đó chợt xuất hiện trong đời tôi. Một cách đột ngột. Không mong đợi. Cô ta cứ vo ve xung quanh giống như một con ong bắp cày cứng đầu, và hai lần làm tôi mất cảnh giác. Những hai lần! Cô ta la hét và đưa ra những tuyên bố hùng hồn, cô ta vung tay lên trời và nhìn tôi với một vẻ đầy hăm dọa như thể tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về những điều xấu xa xảy ra trên thế giới này. Cô ta nói cô ta muốn thảo luận về những gì đã xảy ra ở Nam Kinh.
“Muốn?” Không đúng, muốn không phải là một từ chính xác. Có cái gì đó còn mạnh mẽ hơn là muốn. Đó là một căn bệnh. Cô ta phát điên vì muốn được nghe nói về Nam Kinh.
Có đôi lần, tôi đã thấy hối tiếc biết bao về thời kỳ tiền cách mạng văn hóa ở Giang Tô, những ngày xa xưa khi tôi hài lòng với vị trí của mình ở trường đại học tới mức tôi đã cho phép mình nhắc đến những gì xảy ra ở Nam Kinh. Bây giờ tôi mới thấy giận bản thân biết bao khi đã buột miệng ám chỉ tới những sự kiện đã xảy ra ở Nam Kinh vào mùa đông năm 1937. Tôi đã tin rằng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Tôi đã tin. Tôi đã cho rằng chắc chắn sẽ không còn ai nhắc lại chuyện đó nữa. Làm sao lúc ấy tôi có thể biết được những lời buột miệng trong một cơn ngẫu hứng của mình một ngày nào đó lại được nhắc đến trong một tạp chí phương Tây để rồi lọt vào mắt và trở thành một đề tài ám ảnh cô gái xa lạ này? Tôi đang rơi vào trạng thái tuyệt vọng vì tất cả những chuyện này. Tôi đã hai lần bảo với cô ta là hãy để tôi yên nhưng cô ta không chịu và hôm nay tôi đã bị cô ta dồn vào chân tường để cuối cùng đành phải đồng ý sắp xếp một cuộc hẹn khác.
Nhưng (ôi, đây mới chính là vấn đề nan giải), điều thực sự gây phiền não cho tôi không phải là sự ngoan cố của cô ta mà là một cái gì đó sâu xa hơn nhiều. Bởi vì một cái gì đó trong sự quyết tâm của cô ta đã khiến tôi lung lay. Tôi bắt đầu cảm thấy một mối bất an mới, một mối bất an đen tối và không thể không băn khoăn liệu cô ta có phải là một điềm báo, liệu sự xuất hiện đột ngột của cô ta ở nơi này, quyết tâm không thể lay chuyển của cô ta về việc lục lại đám tro tàn quá khứ của Nam Kinh có phải điềm báo rằng chương cuối cùng của quyển nhật ký đã đến gần hơn tôi tưởng.