Nhưng còn người đàn ông kia. Lúc đầu hắn ta không thèm quay lại. Trước mặt hắn, Thu Kim đang nằm ngửa trên tuyết, dựa vào một thân cây. Một chiếc giày của cô ấy bị tụt ra ngoài, bàn chân trần tím ngắt vì lạnh phơi ra trên tuyết. Tay cô ấy đang cầm một con dao nhỏ, cán làm bằng sơn mài chĩa ra trước ngực. Đó là con dao sắc thường dùng để gọt xoài. Cô ấy giữ chặt chiếc dao bằng cả hai tay và chĩa nó về phía hai người đàn ông.
“Hãy để cô ấy yên,” tôi nói. “Hãy đứng im đó.”
Người đàn ông kia vẫn im lặng khi nghe tiếng tôi nói. Hắn ta từ từ đứng thẳng người lên. Chậm rãi quay lại nhìn thẳng vào tôi. Hắn ta không cao, cũng chỉ cỡ như tôi nhưng đôi mắt của hắn thật đáng sợ. Tôi bước nhanh tới chỗ hắn. Ngôi sao viền chỉ duy nhất trên chiếc mũ của hắn lóe sáng dưới ánh mặt trời, chiếc bành tô cổ viền lông của hắn mở tung, áo sơ mi của hắn bị rách, và tôi có thể nhận thấy đó chính là vị trí của miếng phù hiệu mà tôi đã tìm thấy. Hắn ta ở gần tôi tới mức tôi có thể ngửi thấy mùi rượu sake uống đêm qua toát ra từ mồ hôi của hắn và một thứ mùi hôi hám lưu cữu trên quần áo của hắn. Mặt hắn xám ngoét, bệnh hoạn, đầm đìa mồ hôi.
Ngay lập tức tôi nhận ra hắn. Những chai lọ vấy máu xếp thành hàng trong nhà máy dệt. Chày, cối và những cuộc săn đuổi bất tận… Vì một phương thuốc. Đó là gã đàn ông bệnh tật mà mọi thứ thuốc của quân đội đều bất lực, gã đàn ông bệnh tật đã tuyệt vọng tới mức sẵn sàng thử bất kỳ phương thuốc nào, kể cả việc ăn thịt người. Tên diêm vương của Nam Kinh.
Chương 62
Khi chết, đứa bé vẫn chưa đủ tháng. Trên bụng con bé vẫn còn một đoạn dây rốn ngắn. Một xác ướp màu nâu, khô cứng, nhẹ như một con chim nhỏ, tới mức tôi có thể giữ nó dễ dàng trong lòng bàn tay mình. Một đứa con gái nhỏ xíu. Nhỏ hơn bình thường, nhỏ đến đáng thương. Một khuôn mặt sơ sinh màu vàng nhăn nhúm. Hai cánh tay đông cứng, giơ lên trên đầu như thể nó đang vươn ra để chạm vào ai đó trước khi thế giới của nó khép lại.
Hai chân cũng như phần lớn bụng dưới của con bé không còn nữa. Những gì còn lại cũng đã bị Fuyuki và mụ Y Tá của hắn cắt, xẻo và cạo sạch. Phần lớn cơ thể của con bé đã bị lấy đi bởi một người đàn ông có tuổi, giàu có, theo đuổi giấc mơ bất tử. Con bé không thể chọn người trông nom và chăm sóc nó. Con bé không thể nào tự cứu mình thoát khỏi cảnh bị nhốt trong một chiếc hộp, ngày đêm đối diện với một bức tường trống trơn, không thể nào di chuyển và cứ thế chờ đợi… Chờ đợi cái gì đây? Có phải là chờ ai đó tới và quay mặt nó về phía có ánh sáng?
Nếu tôi không tìm thấy con bé trong khu vườn thì có lẽ nó sẽ ở lại đó mãi mãi, cô độc trong bóng đêm với người bạn đồng hành duy nhất là những con chuột và những mùa cây thay lá, bị đóng băng vĩnh viễn, hướng về vô vọng. Và rồi con bé sẽ biến mất dưới lớp đổ nát của ngôi nhà và thay vì cây xanh, một tòa nhà chọc trời sẽ mọc lên phía trên nó, giống như nấm mộ cuối cùng. Khi mở chiếc túi và lớp giấy bọc, tôi nhận ra rằng Sử Trùng Minh đã đúng: quá khứ là một thứ thuốc nổ, và một khi những mảnh vụn của nó đã bắn vào người bạn thì nó sẽ luôn tìm được cách chui ra vào một ngày nào đó.
Tôi ngồi trong phòng làm việc của ông miệng há hốc, nhìn chằm chằm vào một điểm phía trên đầu ông. Không khí trong phòng dường như nhuốm một màu tang tóc. “Là con gái của ông ư?”
“Bị hắn bắt đi hồi chiến tranh. Ở Nam Kinh.” Ông hắng giọng. “Cô nghĩ là ai sẽ xuất hiện trong cuốn phim đó nếu không phải là Junzo Fuyuki và vợ tôi?”
“Vợ ông?”
“Dĩ nhiên rồi!”
“Fuyuki? Ông ta đã ở đó? Ở Nam Kinh?”
Sử Trùng Minh mở ngăn kéo và lôi lên bàn một vật gì đó. Hai chiếc thẻ kim loại có khắc chữ ghim trên một băng vải màu vàng sờn cũ. Vì hai chiếc thẻ này không có dây xích nên mất một lúc tôi mới nhận ra đó là hai chiếc thẻ quân nhân. Tôi cầm chúng lên và sờ tay vào bề mặt chiếc thẻ. Những chữ kanji khắc trên đó rất rõ nét. Một thân cây và mùa đông. Tôi ngước nhìn Sử Trùng Minh. “Junzo Fuyuki.”
Sử Trùng Minh không trả lời. Ông mở các cánh cửa tủ kê dọc theo tường và chỉ vào bên trong. Các ngăn tủ đều chật cứng những đống tài liệu vàng úa, cũ nát, buộc lại với nhau bằng dây dù, dây vải, băng dính và kẹp giấy.
“Đây là công việc của đời tôi. Việc duy nhất mà tôi làm suốt năm mươi năm qua. Bên ngoài, tôi là một giáo sư xã hội học. Bên trong tôi chỉ làm mỗi một việc, tìm kiếm con gái tôi.”
“Ông đã không quên,” tôi khẽ thốt lên khi nhìn vào núi tài liệu đó. “Ông chưa bao giờ quên Nam Kinh.”
“Không bao giờ. Cô nghĩ là tại sao tôi lại nói tiếng Anh lưu loát đến vậy nếu không phải để đi tìm con gái tôi và nói cho cả thế giới biết sự thật vào một ngày nào đó?” Ông rút một tập tài liệu ra và vứt xuống bàn. “Liệu cô có thể tưởng tượng được những con đường quanh co, gập ghềnh tôi đã phải đi qua, quãng thời gian mà tôi đã mất để lần ra dấu vết của Fuyuki? Hãy nghĩ tới hàng nghìn người đàn ông lớn tuổi ở Nhật Bản cùng có tên là Fuyuki. Giờ tôi ở đây, một người đàn ông nhỏ bé, được thế giới thừa nhận bởi những công trình trong một lĩnh vực mà tôi không hề quan tâm ngoài một sứ mệnh duy nhất là giúp tôi che giấu được mục đích thực sự của đời mình, cho phép tôi tiếp cận được với những tài liệu này.” Ông đưa cho tôi tài liệu trên cùng. Một bản copy có dấu của thư viện lịch sử chiến tranh của Bộ Quốc phòng. Tôi nhớ là đã nhìn thấy những logo này trên một số tài liệu của ông mấy tuần trước. “Tài liệu về các đơn vị của Quân đội Thiên hoàng. Những bản sao. Những tài liệu gốc, ít nhất cũng là những thứ còn sót lại sau các đợt chuyển giao tài liệu với phía Mỹ trong thời kỳ người Mỹ đóng quân ở Nhật Bản, được bảo mật rất cẩn thận. Tuy nhiên tôi đã may mắn khi được phép tiếp cận với chúng sau nhiều năm tác động, và cuối cùng thì tôi đã tìm thấy thứ mình cần.” Ông gật đầu. “Đúng vậy. Chỉ có duy nhất một trung úy Junzo Fuyuki ở Nam Kinh vào năm 1937. Duy nhất có một người. Tên diêm vương Nam Kinh. Tên ác quỷ canh giữ âm phủ. Tên săn thịt người để chữa bệnh.” Ông xoa trán, những vết nhăn hằn lên trên da. “Giống như mọi lính Nhật khác hay hầu hết công dân Nhật trở về nước sau cuộc chiến ở Trung Quốc, Fuyuki mang theo một chiếc hộp.” Sử Trùng Minh giơ tay miêu tả hình dạng và cỡ của chiếc hộp. “Đeo trên cổ hắn ta.”
“Đúng thế,” tôi nói khẽ. Tôi đã nhớ ra nó. Một chiếc hộp màu trắng được thắp đèn và trưng bày trong hành lang căn hộ gần Tháp Tokyo. Chiếc hộp đáng ra được dùng để hồi hương tro của đồng đội đã hy sinh tại Trung Quốc, nhưng Fuyuki đã dùng nó vào một mục đích khác.
“Và cùng với đứa bé, hắn ta còn mang theo một thứ khác nữa.” Sử Trùng Minh buồn bã nhìn đống tài liệu chồng chồng lớp lớp trước mặt. “Hắn mang theo nỗi đau của một người cha. Hắn kéo theo ông ta bởi một sợi dây… một sợi dây nối từ đây,” ông đặt tay lên trái tim, “từ chỗ này cho tới cõi vĩnh hằng. Một sợi dây không bao giờ có thể bị cắt đứt hay lay chuyển. Không bao giờ.”
Cả hai chúng tôi cùng im lặng một lúc lâu. Âm thanh duy nhất lúc này là tiếng cành cây xào xạc ngoài cửa sổ, thi thoảng lại khẽ chạm những ngón tay gầy guộc của chúng lên các ô kính. Cuối cùng, Sử Trùng Minh chùi nước mắt và đứng dậy, chậm chạp di chuyển trong căn phòng, khập khiêng giữa đám đồ đạc ít ỏi quen thuộc của ông. Ông lôi chiếc máy chiếu phim ra giữa phòng, cắm điện rồi bước đi không cần dùng gậy tới một chiếc màn chiếu di động để ở gần cửa sổ. Ông dỡ nó ra và lắp vào giá. “Đây, nó đây.” Ông nói, mở ngăn kéo bàn và lôi ra một chiếc hộp phim han gỉ. Ông nhẹ nhàng mở nó ra. “Đây là lần đầu tiên nó được chiếu cho người khác xem. Tôi vẫn luôn tin chắc rằng người đàn ông quay bộ phim này đã rất hối hận. Tôi dám chắc là khi trở về Nhật anh ta sẽ cho công chiếu cuộn phim này bằng bất cứ giá nào, dù có phải chết. Và đúng là anh ta đã phải chết. Còn đây là cuộn phim. Do tôi giữ gìn cho tới ngày hôm nay.” Ông lắc đầu và mỉm cười một cách gượng gạo. “Mỉa mai thay!”
Khi thấy tôi không nói gì ông bước tới và chìa chiếc hộp đựng phim ra trước mặt cho tôi nhìn vào bên trong.
“Ông sẽ chiếu nó cho tôi xem,” tôi thì thào, nhìn chằm chằm vào cuộn phim. Nó ở đây, những hình ảnh minh họa cho những gì tôi đã đọc trong cuốn sách màu da cam, một lời làm chứng mà tôi đã tìm kiếm suốt bao nhiêu năm qua, một bằng chứng chứng tỏ tôi đã không hề bịa ra bất cứ chuyện gì, nhất là cái chi tiết ấy, cái chi tiết cực kỳ quan trọng ấy.
“Đúng vậy. Cô cho là cô hiểu cảm xúc của mình khi xem đoạn phim này có đúng không? Cô đã nghiên cứu về Nam Kinh trong nhiều năm và đọc bất cứ thông tin nào liên quan tới nó. Cô đã chiếu đoạn phim này hàng trăm lần trong đầu. Cô nghĩ là cô biết mình sẽ nhìn thấy gì và như thế đã đủ kinh khủng lắm rồi, có đúng không?”
Tôi gật đầu một cách thụ động.
“Vậy thì cô sai rồi. Cô sẽ còn nhìn thấy hơn thế nữa kia.” Ông đeo kính và cho cuộn phim vào trong máy chiếu. “Cô sẽ thấy những gì cô nghĩ và còn hơn cả thế. Trong đoạn phim này còn có một nhân vật còn xấu xa hơn cả những gì cô tưởng tượng, xấu xa hơn cả tên diêm vương Nam Kinh.”
“Ai vậy?” Tôi nói như sắp hụt hơi. “Ai xấu xa hơn?”