Năng lượng.
Ở trường đại học có một nghiên cứu sinh rất say mê với đề tài các bộ lạc chiến tranh ở châu Phi. Tôi nhớ anh ta đã rải tờ rơi khắp trường để kêu gọi mọi người tới tham dự cuộc nói chuyện của anh ta về cái gọi là Hiệp hội Người-Báo ở Sierra Lione và về lính đánh thuê trẻ em ở Poro, Liberia. Tôi không tham dự cuộc nói chuyện này nhưng tôi có nghe mọi người kể về nó: “Tin tôi đi, anh ta nói những chuyện kỳ quặc như họ xẻo thịt kẻ thù để ăn, và nếu đó chính là kẻ đã bại dưới tay họ, thì việc ăn thịt kẻ đó sẽ giúp họ trở nên mạnh hơn.” Một số nhân chứng còn nhắc đến việc tìm thấy trên đường phố Nam Kinh các thi thể đã bị mất các bộ phận như tim, gan. Người ta đồn rằng lính Nhật đã lấy đi những bộ phận này vì tin rằng chúng sẽ khiến họ mạnh mẽ hơn khi giao chiến.
Tôi nhìn xuống chữ “năng lượng” vừa mới vẽ rồi lại nhúng cọ vào mực viết thêm hai chữ nữa, chữ “cách thức” và chữ “của Trung Hoa”. Kampo. Y dược Trung Hoa.
Chữa bệnh.
Những thứ tôi đã đọc có thể giúp gì trong chuyện này? Tôi lôi đống sách y học mà tôi mua ở Kinokuniya và giở chúng ra trước mặt. Một tay thì giữ lấy những trang cần xem lại, một tay thì tiếp tục giở các cuốn sách khác, cây cọ vẽ ngậm ngang miệng. Ánh đèn từ bức quảng cáo Mickey Rourke chiếu thành những hình vuông màu vàng trên tấm thảm tatami.
Thật kỳ diệu. Tất cả đều được nhắc đến trong những cuốn sách này. Tôi đã đọc chúng suốt nhiều tuần lễ, đọc đi đọc lại mà vẫn không tìm thấy bất cứ cái gì hữu ích. Vậy mà, bây giờ, tôi đột nhiên thấy mọi thứ hết sức rõ ràng. Đầu tiên là câu chuyện về Diệu Trang Vương ăn mắt và tay của con gái. Vì sao? Để chữa bệnh. Sau đó tôi cũng tìm thấy trong một bản dịch về những đơn thuốc của thế kỷ XVI. Bản thảo cương mục, thành phần thuốc bao gồm ba mươi lăm vị khác nhau, lấy từ các bộ phận trên cơ thể người. Bánh mì nhúng máu người dùng để chữa bệnh viêm phổi và bất lực ở nam giới, mật ngâm rượu để chữa bệnh thấp khớp. Thịt của các tử tù bị hành quyết được dùng để chữa chứng biếng ăn. Tôi cũng tìm thấy những câu chuyện ăn thịt người rùng rợn ở thôn Lang Sói trong truyện Nhật ký của Lỗ Tấn và những ghi chép của ông về cái chết của một người bạn có tên là Từ Tích Lân khi bị lính canh của Ân Minh, tuần vũ tỉnh An Huy móc tim gan ra ăn. Trong một quyển sách viết về cách mạng văn hóa ở Trung Quốc cũng có nhắc đến một cách khá tỉ mỉ một tập tục cũ có tên gọi là koku thể hiện sự hiếu thảo của con cái khi tự nguyện lóc thịt để nấu canh cho cha mẹ ăn chữa bệnh.
Tôi nhặt ba bức thư pháp kanji gồm ba chữ đói, năng lượng và chữa bệnh mà tôi vừa vẽ và ghim chúng lên tường, ngay dưới chân trời của thành phố Tokyo, rồi nhìn chúng chăm chú. Lịch sử của Nhật Bản luôn có một mối liên hệ với Trung Quốc, biết bao nhiêu thứ đã được chuyển giao giữa hai nước, vậy tại sao cái này lại không? Nếu các bộ phận trên cơ thể con người có thể được sử dụng làm thuốc chữa bệnh ở Trung Quốc thì tại sao lại không được sử dụng ở Nhật? Tôi quay trở lại với quyển sách giáo khoa. Ắt hẳn phải có một cái gì đó. Tôi lờ mờ nhớ ra một chi tiết nào đó… Một chi tiết nào đó mà tôi đã từng đọc ở trường đại học.
Tôi lấy ra những tài liệu nghiên cứu về thời kỳ hậu chiến ở Nhật, trong đó có một số bản ghi chép về các phiên tòa chiến tranh ở Tokyo. Tôi vội châm một điếu thuốc và ngồi khoanh chân trên sàn đọc lướt qua chúng một lần nữa. Được khoảng hai phần ba chỗ tài liệu thì tôi phát hiện ra cái mình cần tìm: lời khai của một phụ nữ Nhật Bản phục vụ cho Đơn vị 731 tai tiếng trong thời gian chiến tranh. Tôi ngồi im trong ánh sáng lờ mờ, chân tay đột nhiên trở nên lạnh ngắt khi đọc tới chỗ: “Những tù nhân chiến tranh của quân đồng minh được đặt cho biệt hiệu Maruta (hay những kẻ đần độn) và là đối tượng để thực hiện các cuộc giải phẫu sống và các thí nghiệm trên con người.”
Bên cạnh là bức ảnh của người cho khẩu cung. Đó là một phụ nữ trẻ đẹp và tôi có thể hình dung ra sự im lặng tuyệt đối và rợn người tại phiên tòa, khi mọi người đều nín thở và bất động nghe người phụ nữ này kể lại một cách rõ ràng và rành mạch cái ngày cô ta ăn gan của một quân nhân Mỹ. “Vì sức khỏe của tôi.”
Tôi ngồi đó rất lâu, nhìn chằm chằm vào bức hình người phụ nữ ăn thịt người xinh đẹp đó. Vào năm 1944, ít nhất đã có một người ở Nhật Bản cho rằng việc ăn thịt người có thể có lợi cho sức khỏe. Đã đến lúc phải nghĩ tới Fuyuki một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết.
Chương 43
Tôi trằn trọc rất lâu, chiếc chăn cuốn quanh người như một tấm vải liệm, và đến khi ngủ được thì tôi mơ thấy tất cả mọi thứ trong căn phòng được sắp đặt hệt như ngoài đời. Tôi nằm nghiêng trên đệm trong bộ quần áo pyjama quen thuộc, đầu gối co lại. Chỉ khác có một điều là trong giấc mơ thì tôi không nhắm mắt, tôi đang thức và dỏng tai lên nghe ngóng. Có một tiếng động êm ái và đều đặn vang lên từ phía ngoài hành lang, hơi nghẹt lại, giống như tiếng nói chuyện thì thào. Ở cửa sổ phía bên kia, có tiếng con gì đó đang gặm lớp lưới chống muỗi.
Ý nghĩ đầu tiên của cái tôi trong giấc mơ là một con mèo cho tới khi tôi nghe thấy tiếng dây thép bị xoắn mạnh, rít lên ken két và một khối nặng trĩu giống như một trái bowling lăn vào trong phòng tôi. Khi tôi hé mắt nhìn xuống đó là một đứa trẻ sơ sinh. Nó nằm ngửa trên sàn nhà, kêu khóc, tay chân khua khoắng, hết giơ lên lại hạ xuống như cái piston. Trong một phút sung sướng mê mẩn, tôi nghĩ rằng đó chính là con gái của tôi, cuối cùng nó đã vượt qua các lục địa để tới với tôi, nhưng ngay khi tôi sắp chạm vào nó thì đứa bé lăn sang bên cạnh và dò dẫm vươn tới chỗ tôi. Tôi cảm thấy hơi thở nóng bỏng và cái lưỡi nhỏ xíu của nó chạm vào gan bàn chân tôi. Rồi, nhanh như cắt, con bé ngoạm lấy ngón chân của tôi.
Tôi nhảy dựng lên trên giường, lay đứa bé và vỗ vào người nó, túm lấy đầu nó và cố cậy hai hàm răng ra nhưng đứa bé vẫn cứ bám lấy tôi, gầm gừ, cắn chân tôi không buông và giãy giụa một cách giận dữ, sùi cả bọp mép. Cuối cùng tôi phải đạp cho nó một cái và đứa bé bay vào tường, kêu rít lên rồi tan thành một cái bóng trôi tuột trên sàn nhà trước khi lướt ra ngoài cửa sổ. Dường như tôi nghe văng vẳng giọng nói của Sử Trùng Minh khi con bé biến mất: Một người sẽ phải làm gì để được trường sinh? Sẽ phải kiêng ăn những thứ gì?
Tôi giật mình tỉnh dậy, chăn đệm xộc xệch, tóc dính bết trên mặt. Mới có năm giờ sáng. Bên ngoài cửa sổ, tôi có thể nghe thấy tiếng Tokyo đang gồng mình chống đỡ những phút giây giãy chết của một cơn bão và trong giây lát, tôi dường như còn nghe thấy lẫn trong gió cả những tiếng la hét của đứa bé, như thể nó vẫn đang lao băng băng qua những căn phòng bị bỏ hoang ở tầng dưới. Tôi ngồi im, tay nắm chặt lấy cái chăn. Căn phòng tràn ngập một thứ ánh sáng màu xám kỳ quái, tiếng kêu ro ro của máy sưởi cùng tiếng lách cách của chiếc quạt thông hơi. Và giờ khi tôi nhớ lại, thì rõ ràng trong nhà lúc ấy còn có một âm thanh khác nữa. Một âm thanh kỳ quái không liên quan gì tới giấc mơ của tôi cũng như cơn bão bên ngoài. Vang lên từ đâu đó ở cánh bên kia của ngôi nhà.
Chương 44
史 Nam Kinh, ngày 20 tháng Mười hai năm 1937
Mọi tri thức đều có cái giá của nó. Hôm nay tôi và Lưu Nhuận Đức đã chứng kiến những chuyện mà cả hai chúng tôi đều ước gì có thể quên đi. Kê sát bức tường trong căn phòng nhỏ của nhà máy dệt là một chiếc giường xếp quân đội, một tấm đệm nhơ nhuốc, vấy máu được ném lên trên một cách cẩu thả. Trên giường còn có một chiếc đèn dầu đã tắt của Trung Quốc, như thể có ai đó đã dùng nó để chiếu sáng bất kỳ hành động tàn bạo nào từng được thực hiện tại đây, những hành động khiến tường và sàn nhà ngập ngụa những bãi máu đông. Dường như thứ duy nhất trong căn phòng không dính máu là đống đồ chất ở góc tường: một đôi ủng tabi đế rời, một chiếc ba lô quân nhân làm bằng da bò, thô đến mức vẫn còn dính lông. Trên chiếc bàn nhỏ, bên cạnh chiếc bàn tính của quản đốc nhà máy là một dãy những chai thuốc nhỏ màu nâu niêm phong bằng giấy sáp, tên thuốc được viết bằng tiếng Nhật; vài lọ thuốc đựng các loại bột thô; một cái chày và một cái cối giã, những hộp giấy hình vuông dùng cho việc bào chế thuốc. Đằng sau đống chai lọ là ba chiếc hộp thiếc bẩn thỉu dùng trong quân đội, một biđông nước có đóng dấu quốc huy hình hoa cúc. Ông Lưu đặt một ngón tay lên chiếc hộp thiếc và khẽ đẩy nghiêng nó sang một bên. Tôi cúi xuống và nhìn thấy những mảnh vải vụn nổi lềnh bềnh trong một thứ hỗn hợp kỳ quặc của máu và nước.
“Ôi trời ơi.” Ông Lưu bỏ tay ra khỏi chiếc hộp thiếc. “Chuyện quái gì đã xảy ra ở đây vậy?”
“Hắn ta bị bệnh,” cậu bé nói, rầu rĩ chỉ vào những lọ thuốc ở trên bàn. “Bị sốt.”
“Cha không định nói về mấy lọ thuốc! Cha muốn nói tới cái này. Máu. Ở đâu ra nhiều máu thế?”
“Máu là… Máu đó là… Bọn trẻ con ở trên phố nói máu đó là…”
“Sao?” Ông Lưu nghiêm nghị nhìn cậu con trai.
“Chúng nói sao?”
Đứa bé lo lắng tới thụt cả lưỡi. Mặt nó đột nhiên tái xanh. “Không, chắc là chúng nhầm.”
“Chúng nói gì?”
“Chúng nó lớn hơn con,” thằng bé nói, cụp mắt xuống. “Bọn chúng lớn hơn con nhiều. Con chắc là chúng bịa chuyện ra với con…”
“Chúng nói gì?”