Tôi đứng dậy, vớ lấy đống quần áo vắt trên ghế mặc vào người, tránh không nhìn về phía anh ta, hai chân run lên bần bật. Tôi choàng chiếc áo khoác ra ngoài rồi thò tay vào túi xách lục tìm chìa khóa, vừa làm vừa thở gấp để ngăn nước mắt không trào ra. Anh ta không nói gì cũng chẳng tìm cách ngăn tôi lại. Anh ta chỉ im lặng quan sát, trầm tư hút thuốc, khuôn mặt thoáng một nụ cười.
“Em ra ngoài,” tôi nói rồi mở toang cửa.
“Sẽ ổn thôi,” tôi nghe thấy tiếng anh ta ở sau lưng. “Sẽ ổn thôi. Em sẽ sớm ổn thôi.”
Thậm chí cho tới tận những năm 1980, ở Anh vẫn có thể xảy ra chuyện các hài nhi không được chôn cất. Con bé đã không được chôn cất trong một nấm mồ tử tế, mà thay vào đó, người ta đã cho nó vào một cái túi rác màu vàng và đốt cùng với những chất thải khác của bệnh viện. Thậm chí xảy ra chuyện mẹ nó, một đứa trẻ vị thành niên ngờ nghệch đã để đứa bé ra đi mà không dám mở miệng hỏi người ta đã đưa nó đi đâu. Mọi chuyện đều có thể, chỉ vì một sự cố nhỏ về mặt thời gian: con tôi đã không nằm trong bụng mẹ đủ hai mươi tám tuần tuổi. Nó chỉ ra đời sớm có một ngày, nhưng pháp luật quy định nó sẽ không được chôn cất, chỉ vì nó còn thiếu hẳn một ngày để được coi là con người, để được có một đám tang và một cái tên, và như thế nó mãi mãi chỉ được gọi là một bào thai. Đây là một cái tên nghe đầy bệnh tật và chẳng có gì giống với đứa con gái nhỏ của tôi khi nó chào đời.
Đó là một đêm cuối tháng Mười hai, trăng rất tròn và tuyết phủ dày đám cây cối bên ngoài. Các nữ y tá trong phòng cấp cứu cho rằng tôi không nên khóc nhiều như thế. “Hãy cố gắng thả lỏng nào.” Vị bác sĩ phẫu thuật cũng chẳng thèm nhìn vào mắt tôi khi tôi bước vào phòng, nằm lên bàn đẻ và nhìn ông xử lý những vết thương trên bụng. Ông ta làm việc với một sự im lặng đến rợn người. Và cuối cùng khi phải thông báo kết quả, ông ta cũng chẳng thèm nhìn tôi mà quay nghiêng mặt vào tường như thể ông ta đang nói với bức tường.
Tôi cố nhỏm dậy, không hiểu ông ta nói gì. “Cái gì ạ?”
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc.”
“Không. Con bé không chết. Nó…”
“Vậy đấy, dĩ nhiên là có. Dĩ nhiên là nó đã chết.”
“Nhưng nó không thể chết. Nó cần phải…”
“Xin cô,” ông ta đặt tay lên vai tôi, ấn tôi nằm xuống bàn. “Thực sự cô cũng đâu có mong muốn gì khác, đúng không? Giờ thì nằm xuống. Nghỉ ngơi đi.”
Họ cố gắng giữ chặt tôi xuống giường và cố không để tôi nhìn thấy nó. Nhưng tôi đã đánh lừa họ. Tôi đã nhìn được. Và tôi đã thấy một thứ mà suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên: rằng dù trên đời này đầy rẫy những điều không thể, thì ta vẫn có thể, trong một phút giây ngắn ngủi, nhìn thấy tất cả những gì mà một đứa bé có thể trở thành, nhìn xuyên qua làn da mỏng mảnh gần như trong suốt và thấy tâm hồn bé bỏng của nó, giọng nói của nó, cái tôi thật sự và đầy phức cảm và cả sự sống đang xa dần của nó. Tất cả chuyện đó đều có thể.
Chỉ có duy nhất một nữ y tá, người không biết hoặc không thèm quan tâm tới việc tại sao tôi lại lâm vào hoàn cảnh này là người hiểu được tâm trạng của tôi lúc đó. Cô ấy là người duy nhất đã thấm nước mắt cho tôi và vỗ vào tay tôi để an ủi. “Ôi đứa bé tội nghiệp đáng thương, đứa bé tội nghiệp đáng thương.” Cô ấy nhìn về phía hình hài nhỏ bé nằm còng queo phía góc phòng với đôi vai nhỏ cong cong và những đốm tóc màu sẫm. “Cục cưng ạ, không cần phải lo lắng cho con bé nữa. Đừng nghĩ ngợi gì nhiều. Dù cho linh hồn con bé có ở đâu thì Chúa cũng sẽ tìm thấy cháu.”
Trăng vẫn treo lơ lửng trên bầu trời khi tôi rời khỏi nhà, vội vã bước về phía cuối hẻm, vừa đi vừa siết chặt cổ áo khoác vì lạnh. Nhưng khi tôi tới được đường Shiba Koen thì bình minh đã bắt đầu ló rạng. Bạn có thể nhìn thấy bình minh lên giữa những tòa nhà cao tầng. Bầu trời có màu hồng nhạt, đâu đó một luồng gió ấm chợt ùa đến, xuyên qua các dãy phố như một cơn gió hạt nhân[3] thổi từ phía Tây tới, khiến những tán cây trụi lá trong đền Zojoji lay động và kêu răng rắc. Tôi dừng lại trước bát nước thánh đặt trước các bức tượng hài nhi đứng xếp hàng một cách im lặng và kín đáo dưới những chiếc mũ bê rê màu đỏ và múc một gáo nước lạnh buốt giội lên tay trái, rồi tới tay phải, theo đúng nghi lễ. Tôi bỏ mấy đồng yên vào chiếc hòm công đức, tháo giày và bước lên bãi cỏ còn ướt sương, tha thẩn quanh những hàng tượng đá. ([3] Tác giả muốn ám chỉ những cơn gió thổi từ Niigata, khu vực có nhiều lò phản ứng hạt nhân, nằm ở phía Tây Bắc Tokyo.)
Bóng của những tờ bùa màu trắng treo lủng lẳng trên cây nhảy nhót trên đầu tôi. Tôi tìm thấy một chỗ trong góc vườn, giữa hai hàng tượng đá nơi người ta không thể nhìn thấy tôi từ ngoài đường, và ngồi xuống, siết chặt áo khoác quanh người. Bạn phải chắp tay lại khi cầu nguyện. Còn có một câu khấn đặc biệt nhưng tôi không tài nào nhớ nổi, nên cuối cùng tôi đành cầu nguyện theo cách người ta vẫn làm ở đất nước tôi, một đất nước Thiên Chúa giáo. Tôi nắm hai tay, để trán chạm vào các đốt ngón tay rồi nhắm mắt lại.
Có lẽ cô y tá đã nói đúng. Có lẽ “Chúa” hay các vị thần, hoặc thế lực nào đó vĩ đại hơn bất kỳ ai trong số chúng ta sẽ biết được linh hồn của con tôi đang phiêu bạt nơi đâu. Nhưng tôi thì không. Tôi không biết con bé đã được chôn cất ở đâu nên tôi không biết phải bắt đầu từ nơi nào nữa. Vì con bé không có lấy một nấm mồ để thăm viếng nên tôi đã phải học cách tưởng tượng ra nó không tồn tại trên đời này, hoặc là nó ở khắp mọi nơi, đang bay lượn đâu đó xung quanh tôi. Đôi khi tôi nhắm chặt mắt lại và hình dung ra con bé trên bầu trời đêm lốm đốm sao, cao xa vời vợi tới mức đầu của nó có thể chạm tới đỉnh trời. Trong những giấc mơ của tôi, con bé có thể bay tới chỗ nào mà nó muốn. Thậm chí từ Anh tới Tokyo. Con bé sẽ phải bắt đầu hành trình từ phía Đông, khởi hành rất nhanh, chốc chốc lại quay đầu nhìn xuống những dải đèn đường lấp lánh bên dưới: châu Âu với những chiếc cầu được thắp sáng và trang hoàng không khác gì bánh cưới. Con bé sẽ biết khi nào nó đang bay trên biển nhờ những dải màu sẫm tối, những đường gợn sóng lấp lánh ánh trăng hay những dải ngọc trai óng ánh. Sau châu Âu nó sẽ phải bay nhanh qua vùng mặt trời mọc. Qua những thảo nguyên của nước Nga, qua hồ Baikal sâu thẳm với những con cá nước ngọt và những con hải cẩu lạ lùng. Và xa hơn, qua những cánh đồng lúa, những ống khói công nghiệp, những hàng trúc đào mọc ven đường, qua bề mặt cứng và dài của quê hương Sử Trùng Minh. Rồi tới Tokyo, và cuối cùng là Takadanobaba nơi con bé sẽ nhìn thấy những mái hiên cong cong của ngôi nhà cổ. Con bé có thể sẽ bay qua bên ngoài cửa sổ phòng tôi và cuối cùng…
Nhưng dĩ nhiên con bé đã không đến. Ngay cả vào dịp lễ O-Bon khi linh hồn của những người chết quay trở lại thăm thân nhân, khi tôi ngồi im bên cửa sổ ngắm ánh nến lung linh trôi nổi trên sông Kanda mà người Nhật cho là sẽ dẫn đường chỉ lối cho các linh hồn, mù quáng tin là con bé sẽ tới tìm mình. Nhưng nó đã không tới. Tôi tự bảo mình không nên hy vọng quá nhiều, vì có thể con bé đã cố gắng hết sức nhưng đi từ Anh tới đây quả là một đoạn đường dài. Quá dài cho một linh hồn bé bỏng, con bé có thể đã bị lạc hoặc kiệt sức.
Tôi đã cầu nguyện xong và ngẩng đầu lên. Xung quanh tôi, những cái chong chóng của lũ trẻ bắt đầu quay trong làn gió ấm, những cánh quạt bằng gỗ mỏng kêu phần phật. Mỗi chiếc mũ nhỏ, mỗi chiếc yếm dãi, mỗi thứ đồ trang trí trên các bức tượng đều được làm bằng tay, và đặt lên đây bởi các bà mẹ, những người đã cầu nguyện giống như tôi vừa làm. Trời bắt đầu sáng và những nhân viên công sở đầu tiên đang vội vàng rảo bước trên con phố cạnh ngôi đền.
Jason, tôi vừa nghĩ tới Jason vừa đứng dậy và vuốt lại áo. Jason, hãy tin em, anh là một kẻ xa lạ, xa lạ và điên rồ hơn em rất nhiều. Những gì em đã làm là sai và ngu ngốc nhưng sai lầm của em không bao giờ có thể so sánh với anh. Tôi hít thật sâu thứ không khí trong lành nơi đây và ngửa đầu lên trời. Dù sao thì anh ta cũng đã mang tôi trở lại với một thực tế mà tôi gần như lãng quên. Anh ta đã nhắc tôi nhớ lại rằng tôi chỉ có một con đường để đi. Luôn chỉ có một con đường mà thôi.
Chương 37
史 Nam Kinh, ngày 20 tháng Mười hai năm 1937 (ngày mười tám tháng Mười một âm lịch)
Đây chính là bài học của tôi.
Khi mặt trời bắt đầu nhô lên, tôi bật đài để nghe tin tức. Vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về việc người dân có thể an toàn đi ra ngoài phố. Chờ khi trời sáng bạch, tôi uống vài ngụm trà rồi lẳng lặng mặc quần áo, khoác chiếc jacket nhồi lông ra ngoài rồi rời khỏi nhà, khép cánh cửa lại sau lưng và dừng lại một lát để nghe ngóng xung quanh xem có động tĩnh gì không. Bên ngoài, tuyết rơi nhẹ, những bông tuyết trắng mỏng manh rơi trùm lên đống tuyết bẩn thỉu cũ kỹ của ngày hôm trước. Tôi nhẹ nhàng di chuyển giữa các ngôi nhà và chẳng bao lâu thì tới được nhà ông Lưu, vòng ra phía cổng hậu và gõ cửa theo ám hiệu quy định. Một lúc sau vợ ông Lưu ra mở cửa rồi đứng nép sang một bên nhường đường cho tôi, không nói một lời nào. Bà mặc trên người rất nhiều lớp quần áo, trên cùng là một chiếc áo dài của nam giới rách tả tơi, mắt đỏ au.