Tôi vốn rất sợ bố mẹ, nhất là mẹ tôi, nhưng khi không có ai trong bệnh viện tin là quyển sách ấy có thật, khi chính tôi cũng bắt đầu nghi ngờ rằng có thể họ đã đúng, rằng tôi đã tưởng tượng ra nó, rằng tôi đã phát điên, thì tôi lấy hết can đảm để viết thư về nhà nhờ bố mẹ lục tìm trong hàng chồng sách một quyển sách bìa màu da cam, tên sách hình như là Vụ thảm sát Nam Kinh.
Thư hồi âm đến gần như ngay lập tức. “Mẹ biết con vẫn tin là có quyển sách như thế. Nhưng mẹ đảm bảo với con rằng nhà này không bao giờ có những thứ sách rác rưởi như vậy.”
Mẹ tôi vẫn luôn tin rằng bà có thể kiểm soát được mọi suy nghĩ và hành động của tôi. Bà cho rằng trường học là nơi dễ tiêm nhiễm các thói hư tật xấu nên tôi không được đến trường mà phải học ở nhà. Nhưng nếu bạn quyết định gánh lấy trách nhiệm kiểu này, nếu bạn lo sợ (vì một lý do cá nhân khốn khổ nào đó) về những thứ mà con cái bạn sẽ học được về cuộc sống đến mức bạn kiểm tra từng quyển sách du nhập vào trong nhà, thỉnh thoảng xé đi những trang mà bạn cho là không lành mạnh thì phải chắc chắn một điều: bạn phải tiến hành công việc một cách triệt để. Ít nhất cũng triệt để hơn mẹ tôi. Bà không phát hiện ra một sự quản lý lỏng lẻo đã lẻn vào nhà bà, xuyên qua những cánh cửa mọc đầy cỏ dại, len vào những chồng sách. Vì một lý do nào đó, bà đã để lọt quyển sách về Nam Kinh.
“Bố mẹ đã tìm cả trên gác lẫn dưới nhà vì muốn giúp con, bố mẹ chỉ có mình con, nhưng mẹ rất lấy làm tiếc phải nói với con rằng con đã nhầm lẫn. Bố mẹ cũng đã viết thư thông báo cho nhân viên y tế chịu trách nhiệm theo dõi trường hợp của con về việc này.”
Tôi nhớ lúc đó tôi đã đánh rơi bức thư xuống sàn nhà và một ý nghĩ khủng khiếp ập đến. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ đúng? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu quyển sách không tồn tại? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đúng là tôi đã tưởng tượng ra nó? Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, tôi nghĩ, chắc là một cơn đau dữ dội và âm ỉ bắt đầu cuộn lên trong bụng.
Đôi khi bạn phải đi một chặng đường dài để chứng minh một vấn đề. Ngay cả khi hóa ra bạn chỉ chứng minh cho chính bản thân mình.
Khi tôi được xuất viện, tôi biết chính xác mình sẽ phải làm gì tiếp theo. Trong thời gian ở bệnh viện, tôi cũng đã hoàn tất các kỳ thi trung học (phần lớn các môn thi tôi đều đạt điểm A, kết quả này làm tất cả mọi người ngạc nhiên vì họ đều cho rằng thiếu hiểu biết có nghĩa là ngu dốt), và ở thế giới bên ngoài có những tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ những người như tôi đăng ký vào trường đại học. Họ giúp tôi làm quen với tất cả những thứ mà tôi hết sức bỡ ngỡ như liên hệ qua điện thoại, đi lại bằng xe buýt. Tôi tự học tiếng Nhật và tiếng Trung qua các quyển sách trong thư viện và ít lâu sau được nhận vào khoa Châu Á của đại học Luân Đôn. Thế là đột nhiên, ít nhất là ở vẻ bề ngoài, tôi cũng có vẻ bình thường. Tôi có một phòng trọ, một công việc phát tờ rơi bán thời gian, một thẻ đi tàu dành cho sinh viên và một gia sư chuyên sưu tập những bức tượng Yoruba và bưu thiếp giai đoạn tiền Raphael. (“Tôi tôn sùng những phụ nữ có nước da nhợt nhạt,” có lần anh ta thổ lộ khi nhìn tôi với một vẻ đăm chiêu. Rồi anh ta thì thầm nói thêm: “Tất nhiên là với điều kiện họ không bị điên.”) Nhưng trong khi những sinh viên khác tập trung cho việc tốt nghiệp hoặc học lên cao nữa thì tôi chỉ nghĩ tới Nam Kinh. Tôi chưa thể yên lòng chừng nào chưa biết được tôi có nhớ chính xác về những chi tiết trong quyển sách màu da cam đó hay không?
Tôi dành rất nhiều thời gian để tra cứu sách báo trong thư viện với hy vọng có thể tìm thấy một bản sao của quyển sách đó hoặc ít nhất là một ấn phẩm khác có nội dung tương tự. Có một quyển sách với tên gọi Nỗi kinh hoàng ở Nam Kinh xuất bản năm 1980 nhưng không có bản lưu nào ở nhà xuất bản. Không bản lưu nào trong thư viện, kể cả thư viện của Quốc hội, tuy nhiên tôi cũng không dám chắc đó là quyển sách mà tôi cần tìm. Nhưng chuyện đó không quan trọng vì tôi đã tìm thấy một thứ khác. Tôi bất ngờ phát hiện ra sự tồn tại của một đoạn phim về cuộc thảm sát đó.
Tổng cộng có hai bộ phim. Bộ phim thứ nhất là của Đức cha Magee, một nhà truyền giáo ở Trung Quốc vào những năm 1930. Bộ phim của ông đã được một người bạn lén mang ra ngoài. Quá kinh hoàng bởi những gì được ghi lại trong phim, người này đã khâu nó vào trong lớp áo lông lạc đà rồi mang theo tới Thượng Hải. Sau đó, cuộn phim trở nên ẩm ướt, nhòe và bắt đầu phân hủy sau khi bị bỏ quên nhiều năm trong một tầng hầm ở miền Nam California nóng nực trước khi lại được tìm thấy và đưa vào bộ sưu tập của Thư viện Quốc hội. Tôi tìm thấy một bản sao của bộ phim này tại thư viện của trường đại học Luân Đôn. Tôi đã xem đi xem lại nhiều lần và nghiên cứu từng khuôn hình. Bộ phim đã ghi lại những hình ảnh kinh hoàng ở Nam Kinh, những hình ảnh mà tôi không muốn nghĩ đến ngay dưới ánh sáng ban ngày, nhưng không hề có vụ hành hình mà tôi đã đọc được nhiều năm trước.
Đoạn phim thứ hai, hay ít nhất người ta đồn là thế, là của Sử Trùng Minh. Ngay sau khi có được thông tin này tôi gần như quên hết mọi thứ khác trên đời.
Đó là vào năm thứ hai ở trường đại học. Một buổi sáng mùa xuân, quảng trường Russell tràn ngập khách du lịch và những cây thủy tiên hoa vàng trổ bông, tôi ngồi trong thư viện, tại một cái bàn mờ tối sau giá sách về Nhân loại học và đọc ngấu nghiến một tạp chí ít người biết đến. Tim tôi đập thình thịch – cuối cùng tôi đã tìm thấy một tài liệu nhắc tới vụ hành hình nói trên. Đó là một tài liệu chỉ mang tính tham khảo, thật ra khá mơ hồ và không có thông tin cốt yếu nhưng trong đó có một chi tiết khiến tôi gần như nhảy dựng trên ghế khi đọc được: “Chắc chắn là vào cuối những năm năm mươi tại đại học Giang Tô, người ta có nghe nhắc đến sự tồn tại của một đoạn phim mười sáu li ghi lại vụ hành hình này. Nhưng không giống như bộ phim của Magee, cho đến nay đoạn phim này vẫn chưa được đưa ra khỏi Trung Quốc.”
Vẫn không tin vào mắt mình, tôi vồ lấy quyển tạp chí, hạ cây đèn Angle Poise soi rõ trang giấy. Thật không thể tưởng tượng được là lại có một đoạn phim ghi lại những cảnh đó. Thử hình dung xem. Nếu đúng là có bộ phim như thế trên đời này, thì người ta có thể nói tôi là một kẻ xấu xa, là một đứa không biết gì nhưng không ai có thể nói tôi là một kẻ bịa đặt.
“Người ta nói rằng cuốn phim này là của Sử Trùng Minh, một trợ lý nghiên cứu trẻ tuổi ở đại học Giang Tô, người đã có mặt ở Nam Kinh vào thời điểm diễn ra vụ thảm sát năm 1937…”
Tôi đọc đi đọc lại những dòng này. Một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm khắp người tôi, cái cảm giác bấy lâu bị kìm nén, bị trói chặt bởi sự nghi kị của các nhân viên trong bệnh viện. Chỉ khi một sinh viên ở bàn bên cạnh thở dài sốt ruột tôi mới nhận ra mình đang đứng sừng sững miệng lẩm nhẩm và hai cánh tay nổi da gà. Nó vẫn chưa được đưa ra khỏi Trung Quốc…
Đáng nhẽ tôi phải lấy cắp quyển tạp chí đó. Nếu tôi nhớ lại bài học trong bệnh viện thì tôi đã phải giấu quyển tạp chí đó bên trong chiếc áo len và mang nó ra khỏi thư viện. Như thế tôi có thể có cái gì đó để đưa cho Sử Trùng Minh xem, chứng minh cho ông ta thấy là tôi không hề dùng một trí tưởng tượng bệnh hoạn để thêu dệt nên chuyện này. Như thế ông ta sẽ không thể từ chối và sẽ để cho tôi hỏi những điều cần thiết.
Chương 2
Đối diện với chiếc cổng đồ sộ sơn đỏ theo kiểu kiến trúc Akamon của đại học Todai là một quán cà phê nhỏ có tên gọi là Bambi. Khi Sử Trùng Minh yêu cầu tôi rời khỏi văn phòng của ông thì tôi nghe theo, ngoan ngoãn thu gom đống giấy tờ ghi chép và nhét chúng trở lại vào trong túi. Nhưng tôi chưa bỏ cuộc. Chưa bỏ cuộc. Tôi bước vào quán cà phê và chọn một chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ để tiện theo dõi những người đi ra đi vào trường đại học.
Bên ngoài, nhìn ngút tầm mắt là những tòa nhà chọc trời của Tokyo vươn cao lấp lánh, ánh mặt trời phản chiếu từ hàng triệu ô cửa kính nhỏ. Tôi ngồi hơi nghiêng về phía cửa sổ, ngỡ ngàng trước khung cảnh trên. Tôi đã được biết rất nhiều về thành phố phượng hoàng này, về việc Tokyo đã vươn lên như thế nào từ đám tro tàn của chiến tranh; nhưng giờ đây nhìn thấy thành phố này bằng xương bằng thịt thì đối với tôi nó gần như không có thật. Đâu rồi một Tokyo của thời chiến? Đâu rồi cái thành phố của những người lính đó? Có phải tất cả đã bị chôn vùi dưới những tòa nhà cao tầng này? Nó quá khác biệt với những hình ảnh đen tối mà tôi lưu giữ suốt bấy nhiêu năm về những tòa nhà ám đầy khói bụi, những đường phố bị đánh bom và những chiếc xe kéo tồi tàn. Tôi quyết định sẽ phải làm quen với ý nghĩ cái thành phố đầy sắt thép và bê tông này là một hóa thân của Tokyo, một thứ đã được đặt chồng lên thành phố cổ, trái tim đích thực vẫn đang đập của nước Nhật.
Cô phục vụ đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi cầm tờ thực đơn lên và làm ra vẻ chăm chú nghiên cứu, mặt đỏ rần. Tôi không có tiền vì tôi không nghĩ là mọi chuyện lại diễn ra theo chiều hướng này. Để có đủ tiền mua vé máy bay tôi đã phải làm việc trong một nhà máy đóng gói thực phẩm đông lạnh đến tuột hết cả da tay. Khi tôi nói với trường đại học là tôi muốn tới Nhật để tìm Sử Trùng Minh thì họ tuyên bố giọt nước cuối cùng đã tràn ly. Hoặc là tôi ở lại Luân Đôn để hoàn thành những môn học mà tôi còn nợ hoặc là rời khỏi trường vĩnh viễn. Có vẻ như tôi đã “phung phí quá nhiều thời gian quý giá cho một số sự kiện ở Nam Kinh”: họ chỉ rõ những học phần dang dở, những tiết học quan trọng ở khoa luật mà tôi vắng mặt và những lần bị bắt gặp khi đang chúi mũi vào phác thảo những bức họa về Nam Kinh thay vì ghi chép về nền kinh tế năng động của châu Á Thái Bình Dương. Sẽ vô ích nếu xin họ tài trợ cho chuyến đi này nên tôi bán hết đồ đạc, vài chiếc đĩa CD, một chiếc bàn uống nước, một chiếc xe đạp đen cũ đã cùng tôi rong ruổi khắp Luân Đôn trong nhiều năm. Sau khi giải quyết xong vấn đề vé máy bay thì chẳng còn lại bao nhiêu – chỉ còn đủ vài đồng yên giắt trong chiếc túi du lịch.