Ác quỷ Nam Kinh – Mo Hayder

Khi chúng tôi ở trên đó được hơn hai tiếng thì mặt trăng trông giống như một chiếc đĩa bằng bạc, sáng tới mức những vết lồi lõm trên bề mặt hiện ra lồ lộ, bỗng di chuyển tới một tọa độ khác, xuống phía Tây của bầu trời và chiếu sáng lên một khối vật thể dị thường, méo mó, đen sì, che kín cả một vùng trời. Cả hai chúng tôi nhìn chằm chằm về phía đó một lúc lâu.

“Cái gì thế nhỉ?” Ông Lưu thì thào.

“Có phải núi Lão Hổ không?”

Người ta nói rằng chỉ có vài địa điểm ở Nam Kinh có thể nhìn thấy rõ cái đầu hổ của núi Lão Hổ. Phải tìm đúng chỗ thì mới nhìn thấy được. Từ góc này, tôi khó có thể nhận ra núi Lão Hổ vì trông nó khác hẳn, nhỏ bé một cách kỳ lạ, giống như vừa bị quân xâm lược san bằng. “Chỉ có thể là núi Lão Hổ mà thôi.”

“Không ngờ chúng ta đi xa thế.”

“Tôi biết,” tôi thì thầm. “Nghĩa là chúng ta ở gần tường thành hơn chúng ta tưởng.”

Một đám mây bay ngang qua mặt trăng, một dải màu đỏ và bạc khiến những mảng tối trên mái nhà chập chờn, xao động. Tôi nhắm mắt lại và ngồi sát vào ông Lưu. Sau lưng chúng tôi, đường phố vẫn văng vẳng tiếng hành quân của lính Nhật. Đột nhiên tôi cảm thấy rã rời và chán nản. Tôi biết cả hai sẽ phải ngủ lại đây trên mái nhà này. Ông Lưu siết lại áo khoác rồi bắt đầu thầm thì kể chuyện. Ông kể về cái ngày con trai ông sinh ra ở Thượng Hải, trong một ngôi nhà ở gần khu Bund thượng lưu. Tất cả họ hàng đã tới tham dự lễ đầy tháng của cậu bé với những phong bì quà tặng đầy những đồng xu bên trong, chơi đùa với cậu khiến cậu khoái chí cười vang, đạp chân đạp tay làm những chiếc chuông nhỏ bằng vàng đeo trên cổ tay và cổ chân kêu leng keng. Ông Lưu nói không thể tin được giờ ông đang sống trong một ngôi nhà tuềnh toàng trong ngõ hẻm và chạy khắp phố săn lùng một con chó ốm làm thức ăn.

Trong khi ông nói thì tôi nhét tay áo vào trong găng và kéo lại áo dài để che kín người. Những lời của ông Lưu tràn ngập đầu óc tôi, khiến tâm trí tôi dập dềnh, trôi nổi ra khỏi Nam Kinh, qua núi Lão Hổ, qua sông Dương Tử, qua những đồng bằng phù sa ngập mặn, qua hàng ngàn dặm đường làng với những miếu thờ nghi ngút khói hương bên vệ đường, những bãi tha ma gần đường tàu, tiếng quàng quạc của lũ vịt bị lôi ra chợ bán, những ngôi nhà xây bằng đá màu vàng, nóng như rang vào mùa hè nhưng biệt lập và an toàn vào mùa đông, trôi tới tận Thượng Hải. Tôi nghĩ tới các gia đình trên khắp mọi làng quê Trung Hoa đang kiên nhẫn chờ đợi dưới những cây gỗ tếch, nghĩ tới những tá điền trung thực và tiết kiệm, không lãng phí một thứ gì, rơm rạ dùng để nhóm lửa, bong bóng lợn được dùng làm đồ chơi cho trẻ con. Tôi cố gắng không nghĩ đến cảnh xe tăng Nhật hành quân qua đó. Tôi cố gắng không hình dung ra cảnh chúng giày xéo làng quê, trên xe lá cờ mặt trời mọc phấp phới bay còn dưới chân bọc thép, đất đai run rẩy.

Cuối cùng, mắt tôi cũng sụp xuống. Ông Lưu đã im lặng từ lâu. Tôi dần chìm vào một giấc ngủ mơ màng.

史 Nam Kinh, ngày 19 tháng Mười hai năm 1937 (ngày mười bảy tháng Mười một âm lịch)

“Dậy thôi.”

Tôi mở choàng mắt và điều đầu tiên tôi nhìn thấy, ngay sát mặt mình, là gương mặt ướt đẫm và ửng hồng của Lưu Nhuận Đức, hai hàng lông mi bám đầy tuyết. “Dậy nhìn xem.”

Trời mới tờ mờ sáng, và ông đang chỉ lên trên mái nhà, mặt lộ rõ vẻ bất an. Tôi choàng tỉnh giấc. Tôi đã quên mất là mình đang ở đâu. Mái nhà lúc này phủ đầy tuyết và bình minh choàng lên mọi vật một màu hồng yếu ớt.

“Nhìn xem,” ông giục. “Nhìn xem.”

Tôi vội vàng phủi lớp tuyết bám trên người và cố gắng ngồi dậy. Người tôi lạnh cóng tới mức các khớp xương kêu răng rắc và cứng đơ lại khiến ông Lưu phải nắm lấy vai tôi và đỡ tôi ngồi dậy nhìn về phía Tây.

“Núi Lão Hổ. Cậu có nhìn thấy gì không?” Trong giọng nói của ông Lưu có cái gì đó kinh hoàng. Ông đang đứng cạnh tôi, vừa nói vừa phủi tuyết bám trên găng tay. “Hãy nói cho tôi biết, Sử Trùng Minh, đây có phải là cái núi Lão Hổ mà cậu biết hay không?”

Tôi chớp mắt bối rối, vẫn còn ngái ngủ. Chân trời phía trước đỏ rực với những đám cháy như thể chúng tôi đang ở dưới địa ngục, những tia sáng nhuốm màu máu của chúng rọi lên ngọn núi khủng khiếp trước mặt tôi. Bây giờ thì tôi mới hiểu ông Lưu muốn nói gì. Không. Đây hoàn toàn không phải là núi Lão Hổ. Tôi đang nhìn thấy một thứ hoàn toàn khác. Như thể mặt đất vừa khạc ra ngoài một thứ độc tố, một thứ độc tố kinh hoàng mà nó không thể giữ lại trong lòng được.

“Không thể nào,” tôi thì thào, lập cập đứng dậy như trong cơn mê ngủ. “Lạy trời, có phải là tôi đang tưởng tượng ra hay không?”

Đó là hàng trăm, đúng hơn là cả nghìn xác chết. Chúng chồng chất lên nhau tầng tầng lớp lớp, cơ man nào là thây người, đầu quay tứ phía, những đôi chân mềm rũ, giày tụt ra ngoài lủng lẳng. Ông Lưu và tôi đã ngủ trước một núi thây người dưới ánh trăng. Tôi không thể nào ghi chép ra đây tất cả những gì tôi nhìn thấy lúc đó, sợ rằng sự thật tàn khốc ấy sẽ thiêu cháy những trang giấy này – những người cha, những người con trai, những người anh em, những biến thể vô hạn của nỗi đau. Còn có cả một tiếng động, một âm thanh rì rầm vang lên từ phía ngọn núi. Giờ đây khi tôi nghĩ về nó, tôi chợt nhận ra rằng chắc ngọn núi đã nằm ở đó từ lâu lắm rồi, từ trước khi tôi tỉnh giấc. Từ khi tôi còn đang nằm mơ, nó đã xuất hiện trong những giấc mơ của tôi. Ông Lưu đứng dậy và rón rén bước lên phía trước. Tôi lập cập bò theo sau, cả người tê cóng. Trước mắt chúng tôi là toàn cảnh khu vực phía Đông Nam Kinh; bên tay phải là sông Dương Tử lấp lánh và mũi đất hẹp của đảo Baguazhou còn bên trái là ống khói màu nâu của các nhà máy ở Hạ Quan. Và ở chính giữa, chỉ cách khoảng hơn hai trăm mét, lấn át mọi vật xung quanh nó là một núi thây người, mọc lên từ mặt đất.

Ở giữa ngôi nhà mà chúng tôi đang lẩn trốn và núi thây người kia có một bãi đất trống, lúc này đang nhung nhúc người. Những người này đang di chuyển về cùng một hướng. Một số người còn xách theo đồ đạc, chăn chiếu, nồi niêu và gạo như thể họ đang chuẩn bị cho một đợt vắng nhà ngắn ngày. Đi canh chừng đám đông là các sĩ quan Nhật, đầu đội mũ lưỡi trai màu nâu, cử động như những cỗ máy vừa được bôi trơn dầu mỡ. Chúng đang giải tù binh đi. Ánh nắng chiếu lên gáy họ, và mặc dù chúng tôi không nhìn thấy mặt các tù binh nhưng từ những tiếng rì rầm khi họ nhận ra bản chất cái ngọn núi trước mặt, chúng tôi có thể đoán được chuyện gì đang xảy ra. Đó là lời thì thào của hàng nghìn con người đang đối mặt với nỗi sợ hãi.

Tất cả bọn họ đều là đàn ông nhưng không phải ai cũng là quân nhân. Điều này rõ như ban ngày. Tôi nhìn thấy những mái tóc hoa râm. “Họ chỉ là dân thường, già có nhìn thấy không?” Tôi nói khẽ với ông Lưu.

“Cậu Sử Trùng Minh ơi, tôi không còn biết nói gì nữa. Không có gì ở Thượng Hải có thể so sánh với cảnh tượng này.” Ông đặt tay lên tay tôi, buồn bã nói.

Khi chúng tôi đứng đó quan sát thì đám đông bắt đầu hoảng loạn, những người đi đầu hẳn đã hiểu ra là họ đang bị dẫn tới chỗ chết. Người ta bắt đầu la hét, một đợt sóng người chững lại, cố tránh xa cái số phận đang chờ đón họ, tuyệt vọng tìm mọi cách để đảo ngược tình thế. Họ đâm sầm vào những tù nhân phía sau, tạo nên một tình trạng hỗn loạn, tất cả đều cuống cuồng tìm cách bỏ chạy về các hướng khác nhau. Nhìn thấy cảnh lộn xộn đó, những tên lính Nhật không nói không rằng, di chuyển theo bài bản thành một vành móng ngựa xung quanh đám tù binh, dồn họ lại và giơ súng lên. Những tù binh ở hàng ngoài trông thấy súng bắt đầu lấy mọi vật dụng trong tay lên để che chắn, giày, mũ, ly, cốc… Bọn Nhật bắt đầu xả đợt đạn đầu tiên.

Tác động thật đáng kinh ngạc. Dường như cái mà chúng tôi đang chứng kiến không phải là một đám đông mà là một thực thể sống, nước hay cái gì đó sền sệt, di chuyển như một sinh vật đơn bào. Một đợt sóng chồm lên. Dòng thác người dựng những người bị thương và sắp chết lên làm khiên chắn còn ở giữa đám đông người ta co cụm lại, giống như mặt đất đang chồi lên vì người ta bắt đầu giẫm đạp lên nhau để tiến về phía trước.

Lại có thêm nhiều tiếng súng nổ. Thậm chí, giữa tiếng la hét, tôi còn nghe thấy cả tiếng lên đạn. Những người ở giữa đám đông tiếp tục trèo lên người nhau để chạy trốn, cho đến khi trước mắt tôi hiện lên một cột người, mọc vươn về phía mặt trời, giống như một ngón tay đang chỉ thẳng lên trời.

Rồi chúng tôi nghe thấy những tiếng kêu khóc. Bên cạnh tôi, ông Lưu lấy tay ôm mặt, người run lên bần bật. Tôi không đưa tay ra cho ông vì đang bị hút vào cái vật hình ngón tay run rẩy kia. Tôi chợt nghĩ xa xăm, nghị lực của con người thật phi thường, có thể vươn tới trời xanh mà không cần phải níu giữ vào bất cứ vật gì. Thế nhưng, chỉ vài phút sau, cái cột người cao tới sáu, bảy mét ấy bỗng đổ sập xuống, và đè lên tất cả những gì nằm ở phía dưới. Rồi trong nháy mắt, chiếc tháp người ấy lại được dựng lên từ một khu vực khác giữa đám đông, sự khởi đầu khá lỏng lẻo của một ngón tay mọc ra từ hồ nước trước khi nhô lên cao, cao mãi cho tới khi nó chỉ thẳng lên bầu trời một cách gay gắt với lời buộc tội: Sao người lại cho phép chuyện này xảy ra?

Đột nhiên tôi nhìn thấy một người đột ngột tách ra khỏi đám đông và chạy về phía ngôi nhà chúng tôi đang lẩn trốn. Một người khác đang rượt theo anh ta. Tôi túm lấy tay ông Lưu. “Nhìn kìa!”

Tác giả: