Tôi giật mình. Jason đang đứng cạnh tôi, tay cầm ly rượu, mắt nhìn xuống bể bơi. Ngay lập tức, mọi tiếng động lại vang lên và các màu sắc cũng quay trở lại. Vị khách lúc nãy đang ngâm nga những câu cuối của bài hát còn cô tiếp viên thì mở một chai brandy và phân phát ly cho mọi người.
“Cô đang nhìn cái gì đấy?”
“Không có gì.” Tôi nhìn xuống bể bơi. Đèn đã tắt. Mặt nước lại tối đen. “Ý tôi là, tôi đang nhìn xuống nước, nó thật… thật là trong.”
“Cẩn thận đấy,” Jason thì thào. “Phải cẩn thận chứ!”
“Vâng.” Tôi nói và lùi lại. “Tất nhiên rồi.”
“Cô tới đây vì một cái gì đó, đúng không?”
Mắt chúng tôi gặp nhau. “Cái gì cơ?”
“Cô đang tìm cái gì đó.”
“Không, ý tôi là, không, dĩ nhiên là tôi… Anh nói gì buồn cười thế!”
“Cô quên là tôi có thể biết lúc nào thì cô nói dối à.” Anh ta cười một tiếng khô khốc rồi nhìn xuống tóc và cổ tôi như thể chúng vừa hỏi anh ta một câu hỏi khó. Anh ta khẽ chạm vào vai tôi, cả người tôi như có luồng điện chạy qua. “Tôi sẽ xâm nhập vào mọi ngõ ngách trong lòng em,” anh ta thì thầm. “Mọi nơi, mọi chỗ. Nhưng đừng sợ, tôi sẽ làm điều đó một cách từ tốn.”
Chương 29
史 Nam Kinh, ngày 18 tháng Mười hai năm 1937, tám giờ (ngày mười sáu tháng Mười một âm lịch)
Cuối cùng thì tôi cũng có thể cầm bút viết. Cuối cùng thì tôi cũng tìm được một chút bình an. Tôi đã rời khỏi nhà được hơn một ngày. Lúc chiều muộn, khi tôi quyết định ra khỏi nhà, không gì có thể ngăn tôi lại. Tôi ghim tấm thẻ tị nạn vào áo khoác và lẻn ra ngõ, lần theo mùi thức ăn. Kể từ hôm mười ba, đó là lần đầu tiên tôi ra khỏi nhà giữa ban ngày. Không khí có vẻ lạnh và u uất, tuyết rơi lất phất. Tôi lặng lẽ đi xuyên qua các ngõ hẻm và trèo tường để tìm tới nhà ông Lưu. Cửa trước nhà ông mở toang và ông Lưu vẫn đang ngồi ngay trước cửa ra vào như thể ông không hề di chuyển kể từ lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Ông đang hút tẩu, khuôn mặt lộ rõ vẻ mông lung.
“Lưu Nhuận Đức, già có ngửi thấy không? Già có ngửi thấy mùi thức ăn không?” Tôi bước vào nhà và hỏi. Ông nhô người ra phía trước và hếch mũi lên đánh hơi trong không khí lạnh giá, nghiêng nghiêng đầu và đăm chiêu nhìn lên bầu trời.
“Có thể đó là chỗ thức ăn mà chúng lấy trộm của chúng ta, chúng dám nấu lắm chứ.”
“Có thể.”
“Tôi sẽ đi tìm. Ở ngoài phố. Thu Kim cần phải ăn.”
“Cậu chắc không? Còn bọn Nhật thì sao?”
Tôi không trả lời. Tôi ngượng ngùng nhớ lại trước đây ông cứ khăng khăng rằng chúng tôi sẽ an toàn, nhớ lại việc chúng tôi muốn làm gương cho kẻ khác như thế nào. Sau những giây phút im lặng dài dằng dặc, tôi cố lấy lại can đảm, vỗ vỗ vào tấm thẻ tị nạn trước ngực: “Già có thẻ này chứ, ông bạn già?”
Ông nhún vai rồi đứng dậy, đặt tẩu thuốc xuống. “Đợi tôi ở đây. Tôi sẽ đi lấy.”
Ông vội vã thì thầm gì đó với vợ mình. Tôi có thể nhìn thấy họ trong căn phòng tối lờ mờ phía cuối ngôi nhà, đứng quay mặt vào nhau, chiếc tay áo lụa màu xanh sờn cũ của bà thấp thoáng sau cánh cửa, thỉnh thoảng lại đung đưa mỗi khi bà giơ tay lên để chỉ đạo điều gì đó. Một lúc sau ông trở ra, cẩn thận đóng cửa và nhìn trước nhìn sau. Một chiếc thẻ tị nạn ghim trên áo khoác, khuôn mặt trĩu nặng lo âu. “Tôi không bao giờ nghĩ sự tình lại đến nông nỗi này,” ông thì thầm, dựng cổ áo khoác lên. “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được. Đôi khi tôi nghĩ, trong hai vợ chồng tôi, ai mới là kẻ dại dột…”
Chúng tôi rón rén đi ra đầu ngõ và nhìn dọc theo khu phố hoang vắng. Khắp nơi, không có lấy một động tĩnh. Thậm chí đến một con chó cũng không. Chỉ có những dãy nhà cửa đóng im ỉm, ám bồ hóng đen sì, một chiếc xe kéo lật úp chỏng chơ trước cửa một ngôi nhà. Những đám lửa nhỏ leo lét cháy bên lề đường và phía bờ sông, bầu trời vằn lên những tia đỏ rực. Tôi khịt mũi đánh hơi trong không khí. Cái mùi thức ăn như trêu ngươi càng trở nên sực nức. Dường như chúng tôi có thể nghe thấy tiếng mỡ rán xèo xèo và nổ lốp đốp bất cứ lúc nào từ một trong những ngôi nhà trước mắt.
Chúng tôi rón rén đi lại trên phố như một cặp mèo hoang, lảng vảng trong bóng tối, mon men từ cửa nhà này sang cửa nhà khác. Chúng tôi đi về phía cổng Trung Ương ở phía Bắc, theo hướng những tên trộm đã bỏ chạy lần trước. Đôi khi chúng tôi lại vấp phải những đống đồ đạc mà chẳng biết chủ nhân của chúng đang ở chỗ nào, và chúng tôi lôi chúng vào cổng nhà gần nhất, tuyệt vọng lục lọi xem có tìm được chút thức ăn nào hay không. Nhìn thấy bất cứ ngôi nhà xập xệ, ọp ẹp nào chúng tôi cũng gí mũi vào cửa và thì thào qua lỗ khóa: “Ai đang nấu nướng ý nhỉ? Ai đang nấu nướng ấy nhỉ?” Một cơn đói xuyên suốt khắp người tôi, cồn cào tới mức khó khăn lắm tôi mới đứng thẳng người lên được. Nhìn vẻ mặt ông Lưu, tôi có thể thấy ông cũng có cảm giác tương tự. “Ra đây,” chúng tôi nói vọng vào trong các ngôi nhà. “Hãy cho chúng tôi xem các người đang nấu nướng gì.”
Vào mùa đông, ở phía Đông Trung Quốc, trời tối rất nhanh và khi chúng tôi mò mẫm đi trên phố với những đốm lửa dẫn đường thì mặt trời đã lặn từ lâu. Chúng tôi đã kiệt sức. Cả hai dường như đã đi được vài cây số, tôi có cảm tưởng như mình đã đi đến tận đường Chùa Cầu, dù trên thực tế cả hai vẫn chưa vượt qua bức tường thành. Sinh vật sống duy nhất mà chúng tôi bắt gặp suốt chặng đường là một con chó hoang đói khát, còm cõi với những vết thương rỉ máu trơ cả xương. Nó đi theo chúng tôi một đoạn đường và cả hai chúng tôi nửa muốn nửa không, đều nghĩ đến chuyện bắt nó làm thịt bất chấp sự ghẻ lở bệnh tật của nó. Nó khá to đủ để cho hai nhà cùng ăn. Nhưng nó tỏ ra hung tợn và sủa ầm ĩ khi chúng tôi lại gần, tiếng sủa vang vọng một cách đầy đe dọa xuyên suốt những khu phố vắng lặng. Cuối cùng chúng tôi đành bỏ cuộc.
“Muộn rồi,” tôi nói và dừng lại đâu đó gần cổng thành. Mùi thức ăn đã bị thay thế bởi một mùi khác, mùi hôi thối của cống rãnh ứ đọng. Tinh thần chúng tôi cũng xuống dốc. Tôi nhìn những tòa nhà ọp ẹp trên phố. “Tôi chẳng thấy đói nữa, già Lưu ạ.”
“Cậu mệt rồi. Chỉ còn thấy mệt thôi.”
Tôi vừa định trả lời thì có cái gì đó ở phía đằng sau ông Lưu đập vào mắt tôi. “Im nào, đừng nói gì cả.” Tôi nói khẽ và túm chặt tay ông.
Ông quay lại. Xa xa phía cuối đường, một tên lính Nhật xuất hiện, vai đeo súng trường, khuôn mặt lờ mờ dưới ánh sáng hắt ra từ một ngọn đèn nhỏ đặt trên thùng nước. Hắn đang đứng đúng chỗ chúng tôi đứng năm phút trước đây.
Chúng tôi nhanh chóng tấp vào cổng ngôi nhà gần nhất, dựa lưng vào cửa, hổn hển nhìn nhau.
“Một phút trước còn không thấy hắn đâu,” ông Lưu thì thào. “Cậu có nhìn thấy hắn không?”
“Không.”
“Làm thế quái nào để về nhà bây giờ?”
Chúng tôi đứng đó khá lâu, tim đập thình thịch, ai cũng hy vọng chính người kia sẽ quyết định phải làm gì. Tôi biết con đường này tiếp tục chạy thẳng rất lâu mới có ngã rẽ, để sang được một hẻm khác chúng tôi phải băng qua một đoạn đường dài trước mặt tên lính Nhật kia. Tôi hít một hơi thật sâu, kéo sụp mũ xuống trán và mạo hiểm thò đầu ra ngoài phố chỉ thoáng có một giây, đủ để kịp nhìn thấy tên lính kia. Tôi rụt đầu lại, nép sát vào tường và thở dốc.
“Sao rồi?” Ông Lưu thì thào. “Cậu nhìn thấy gì?”
“Hắn ta đang đợi cái gì đó.”
“Đợi á? Đợi cái…”
Nhưng trước khi ông kịp nói hết câu thì chúng tôi đã có câu trả lời: một âm thanh quen thuộc vọng lại từ xa, một tiếng động rì rầm đáng sợ khiến những ngôi nhà ọp ẹp quanh chúng tôi rung lên. Cả hai chúng tôi đều biết rõ âm thanh đó. Xe tăng.
Theo bản năng cả hai chúng tôi đều tránh khỏi con đường, lùi vào phía trong, dùng hết sức lực lao người vào cánh cửa hy vọng tiếng động của xe tăng sẽ hỗ trợ cho nỗ lực của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng trèo tường nếu cần thiết nhưng cánh cửa đã vỡ toác ra đúng lúc tiếng xe tăng vang lên ầm ĩ ngay sau lưng, chắc chúng vừa rẽ từ một góc phố nào đó ra. Cánh cửa bật vào trong, một làn khí lưu cữu xộc ra và chúng tôi nhảy vào nhà, một đống hổ lốn mặc quần áo dày cộp, đầy sợ hãi, mồ hôi mồ kê trượt vào trong bóng tối. Bên trong nhà tối om ngoại trừ một lỗ hổng trên mái nơi ánh trăng lọt qua.
“Già Lưu ơi, già vẫn còn ở đó chứ?”
“Ừ, tôi đây.”
Chúng tôi cố gắng đóng lại cánh cửa vỡ được chừng nào hay chừng ấy rồi men theo tường đi xung quanh phòng, theo ánh trăng trên mái nhà. Thật đáng kinh ngạc khi người ta vẫn thản nhiên du nhập vào thành phố những thói quen ở nông thôn, người ta để gia súc sống cùng trong nhà để giữ ấm cho người vào ban đêm. Ông Lưu và tôi bước qua cái ổ ấm áp và bãi phân gia súc. Tiếng xe tăng ngày càng to khiến ngôi nhà nhỏ cọt kẹt như muốn đổ sập xuống.
“Lối này,” ông Lưu thì thầm. Ông đã dừng lại, và lúc này tôi mới thấy ông đang túm vào chiếc thang cói dẫn lên lỗ hổng trên mái nhà. Tôi đến bên cạnh ông và ngẩng đầu nhìn lên. Trên đầu chúng tôi, bầu trời đêm sáng trong với những vì sao xa lạnh lẽo, thanh thoát. “Đi thôi.”
Ông bám thang leo lên một cách lanh lẹ không ngờ so với tuổi của mình rồi dừng lại ở đầu cầu thang, đưa tay xuống cho tôi. Tôi nắm lấy tay ông vội vã leo lên, nhờ ông kéo qua lỗ hổng. Lên tới đầu thang, tôi đứng thẳng người lên và nhìn ra xung quanh. Chúng tôi đang đứng ở ngoài trời, tòa nhà này chỉ còn là một đống đổ nát, mái nhà đã bị phá hủy từ lâu chỉ còn lại những đám vôi vữa lổn nhổn và những thân gỗ mục ruỗng.
Tôi ra hiệu cho ông Lưu và hai chúng tôi bò đến bên mép, cẩn thận nhòm qua bức tường đổ nát. Chúng tôi đã bỏ chạy đúng lúc. Phía dưới chúng tôi một hàng xe tăng đang chậm rãi lăn xích. Tiếng ầm đinh tai nhức óc. Nó chạy dọc phố theo hình phễu rồi vươn lên không trung như một làn sóng nhiệt nóng tới mức dường như có thể chạm vào và lay chuyển cả mặt trăng. Những ngọn đèn trên ụ tăng rọi ánh sáng ma quái vào các ngôi nhà ven đường. Binh lính mang kiếm và súng cạc bin sáng loáng hành quân thẳng tắp hai bên xe tăng, khuôn mặt vô cảm. Đây hẳn là một đợt tổng hành quân tới các khu vực khác nhau của thành phố vì sau xe tăng còn có các phương tiện khác như xe ôtô do thám, xe tải lọc nước và một xe tải chở theo hai chiếc cầu phao.