Dĩ nhiên rồi. Dĩ nhiên rồi. Giờ thì tôi đã nhận ra. Tôi nhìn sang giáo sư Lưu, nhìn vẻ mặt khổ sở, mái tóc muối tiêu của ông và hiểu ra rằng ông cũng đang phải đấu tranh với vợ mình y như tôi với Thu Kim. Không nghi ngờ gì nữa, ông cũng sợ quân Nhật nhưng ông còn sợ các tín ngưỡng mê tín dị đoan hơn. Chúng tôi ở trên cùng một sàng, ông Lưu và tôi, và không giống trong ngạn ngữ, chúng tôi vừa đồng sàng vừa đồng mộng.
“Già Lưu ơi,” tôi lẩm nhẩm, ngồi sát về phía ông, tay gõ gõ lên bàn, cảm thấy điều tôi sắp nói ra thật không dễ dàng. “Xin hãy tha thứ cho tôi. Tha thứ cho tôi vì đã không hiểu ý già. Lúc nãy già có nói là không có gì phải sợ bọn Nhật.”
Khi tôi nói thế, vẻ mặt của ông chợt thay đổi. Mặt ông đỏ bừng lên, ông lấy tay dụi mũi liên tục như để ngăn một cơn hắt xì hơi. Ông ngồi thẳng lưng trên ghế, khẽ liếc mắt về phía bà vợ rồi nói: “Đúng, đúng vậy, đó chính là điều tôi muốn nói.” Ông giơ một ngón tay lên với vẻ trách cứ. “Chúng ta sẽ phải cố gắng hết sức để nhớ tới điều này, những ai nghi ngờ Quốc dân Đảng luôn nhìn theo chúng ta để được tiếp thêm niềm tin. Phải giữ vững niềm tin, thầy Sử ạ, hãy giữ lấy niềm tin. Chúng ta đang làm đúng.”
Khi tôi bước xuyên qua tuyết để về nhà, tôi cố ngẩng cao đầu. Giữ lấy niềm tin, chúng ta đang làm đúng. Nhưng tôi lại nhớ đến một chi tiết khác trong cuộc gặp của tôi với ông Lưu khiến tôi chột dạ. Khi chúng tôi đứng nói chuyện ở chợ, tôi để ý thấy phụ nữ ở Nam Kinh đều phải cải trang. Trong lúc trò chuyện, tôi đã nhìn qua vai vị giáo sư già và thấy họ, tôi gần như đã quên mất chuyện đó cho tới tận lúc này. Họ vẫn đi chợ như thường lệ, nhưng tất cả đều quàng khăn kín mít, mặt bôi đầy bụi than đen sì. Khi họ bước đi, họ hơi còng lưng xuống như những bà già, dù tôi biết nhiều người trong số đó còn rất trẻ.
Tôi chợt cảm thấy tức giận. Tôi biết họ sợ gì khi rơi vào tay quân Nhật. Họ đang trốn tránh, lẩn vào trong như con gấu ngủ đông, tan biến trong chính bản thân mình. Nhưng điều này phải xảy ra ư? Dân tộc Trung Hoa phải đổi màu ư? Người Trung Quốc chúng tôi, cả một dân tộc, một quốc gia hèn nhát, lạc hậu, chúng tôi đang tan biến vào chính đất đai của mình. Chạy và trốn như những con tắc kè hoa giấu mình trên các vách đá tại sa mạc Gobi. Chúng tôi thà tan biến và chui xuống đất còn hơn là đứng thẳng lên và nhìn thẳng vào quân Nhật.
Chương 17
Jason nói ngôi nhà trước đây thuộc về mẹ của chủ nhà nhưng bà ta ốm rất nặng và có lẽ còn hơi bị điên nữa nên đã để tầng trệt ngôi nhà rơi vào tình trạng đổ nát, không thể ở được. Các cửa sổ chi chít muỗi và theo lời của Svetlana thì dưới đó còn có các bóng ma. Cô bảo người Nhật tin vào một sinh vật lạ, một loại yêu tinh có cánh gọi là ma núi Tengu, chuyên đi bắt cóc người và có thể bay dập dờn như con ngài. Svetlana thề là cô ấy đã từng nghe thấy tiếng sột soạt ở trong vườn và nhìn thấy vật gì đó đi xuyên qua các cây hồng đỏ. “Suỵt,” cô ấy nói, đột ngột dừng lại một cách đầy kịch tính giữa câu chuyện, đưa tay lên môi ra hiệu: “Mọi người có nghe thấy gì không? Ở phía dưới cầu thang ấy?”
Jason phá ra cười. Irina thì tế nhị hơn một chút. Còn tôi chẳng nói gì. Về chủ đề ma quỷ thì tôi không quan tâm. Tôi yêu thích ngôi nhà này vì những nét rất riêng của nó. Tôi nhanh chóng trở nên thân quen với những bức tường tróc lở, những căn phòng bụi bặm, khép kín, những chiếc sưởi điện kotatsu cũ kỹ xếp hàng trong nhà kho. Nhưng đôi khi, nằm trong phòng của mình, ngay kề với khu vực cấm trong ngôi nhà tôi lại có cảm giác như mình đang ở trong ranh giới phòng vệ cuối cùng. Phòng vệ chống lại cái gì thì tôi không biết. Những con chuột cống? Sự trống trải? Tôi cũng không chắc nữa. Tôi đã sống một mình quá lâu nên tôi cũng nhanh chóng quen với khoảng không bao la, trống trải đè nặng lên những bức tường phòng ngủ của mình. Dầu vậy, vẫn có những đêm ở Takadanobaba, tôi giật mình choàng tỉnh giữa đêm khuya, sợ cứng cả người vì tin rằng ai đó vừa bước qua trước cửa phòng tôi.
“Ở đây có cái gì đó đang đợi,” Sử Trùng Minh nói khi trông thấy ngôi nhà lần đầu tiên. Ngay sau hôm băng đảng của Fuyuki kéo đến hộp đêm thì ông gọi điện cho tôi nói là muốn gặp tôi. Đó chính là cái mà tôi thích, cách lựa chọn từ ngữ của ông: ông muốn gặp tôi. Trong khi ông trên đường từ Tokyo tới Takadanobaba thì tôi cuống cuồng dọn dẹp nhà cửa, mua trà và bánh ngọt để đón tiếp. Lúc này, ông đang đứng trên ngưỡng cửa với vẻ khắc khổ thường ngày, đôi tay buông thõng xuống hai bên, mắt nhìn chăm chú vào hành lang tối lờ mờ. “Ở đây có cái gì đó đang chờ được khám phá.”
“Đây là một ngôi nhà rất cổ.” Tôi nói trong khi lúi húi pha trà trong bếp, trà xanh với những chiếc bánh đậu xanh mochi gói trong giấy bóng kính. Tôi hy vọng ông không nhìn thấy vẻ bối rối của tôi. “Giá như tôi có thể nhìn thấy ngôi nhà lúc nó vừa được xây xong. Ngôi nhà này đã sống sót sau trận động đất Kanto và thậm chí cả những đợt ném bom sau này. Hẳn có rất nhiều chuyện đã xảy ra ở đây. Rất nhiều.”
Tôi xếp những chiếc bánh mochi màu vàng nhạt vào trong một chiếc khay sơn mài nhỏ, khẽ kéo lớp giấy bọc ra một chút trông giống như cánh hoa đang hé nở để lộ những nhụy hoa đầy đặn. Tôi chưa chuẩn bị đồ ăn Nhật bao giờ và tôi không thể biết được Sử Trùng Minh có đánh giá cao chuyện đó không nhưng vì muốn mọi chuyện được tiến hành theo đúng nghi lễ chứ không bừa bãi vô tội vạ nên tôi đã dành khá nhiều thời gian để chọn một góc trên chiếc khay cho bình trà. Người Nhật nói rằng đàn ông ăn bằng mắt trước. Mọi thứ phải được sắp xếp một cách cẩn thận, từng đồ vật phải được đặt đúng chỗ, tương thích với vật đứng bên cạnh nó tới từng chi tiết. Bên cạnh ấm trà tôi đặt hai chiếc tách nhỏ kiểu Nhật, đúng hơn là hai chiếc bát con bằng đất nung. Tôi bê chiếc khay ra khỏi bếp và thấy Sử Trùng Minh đang đứng trước cửa sổ, giơ hai tay lên như để hứng lấy ánh mặt trời. Ông có vẻ như đang tập trung cao độ.
“Ông Sử?”
Ông quay lại nhìn tôi. Trong ánh sáng lờ mờ của hành lang, trông ông có vẻ xanh xao. “Bên dưới cửa sổ này là gì?”
“Là một khu vườn, ông có thể mở cửa sổ ra.”
Ông do dự một lúc rồi mở cánh cửa chớp, nhìn ra bên ngoài chiếc cửa sổ đầy bụi. Dưới ánh mặt trời chói lòa, cả khu vườn lặng yên như đang nín thở, không có bất cứ vật gì chuyển động trong cái nắng bức bối, gay gắt bất thường này. Cây cối và đám dây leo trông bụi bặm và kỳ ảo. Sử Trùng Minh đứng đó rất lâu khiến tôi không dám chắc là ông có còn thở hay không nữa. “Nếu có thể, tôi muốn được ra ngoài vườn. Hãy dùng trà ở ngoài đó.”
Tôi chưa bao giờ đặt chân xuống khu vườn. Thậm chí tôi còn không chắc có đường xuống đó hay không. Hai chị em người Nga đều đã đi mất nên tôi đành phải đánh thức Jason dậy để hỏi. Anh ta xuất hiện ở cửa vừa ngáp vừa nhăn nhó, chụp vội một chiếc áo thun qua đầu rồi nhét một điếu thuốc vào miệng. Anh ta nhìn Sử Trùng Minh từ đầu đến chân không nói gì rồi nhún vai. “Ờ. Chắc chắn rồi. Có đường xuống đấy.” Anh ta dẫn hai chúng tôi tới trước một căn phòng chỉ cách phòng ngủ của tôi hai phòng. Cửa phòng không khóa, bên trong là một cầu thang bằng gỗ nhỏ.
Tôi rất ngạc nhiên. Tôi không hề biết là có cầu thang dẫn xuống vườn. Tôi cứ tưởng tất cả tầng trệt đều bị khóa kín. Thế nhưng, ở đây, phía dưới chân cầu thang tối om, lại có một căn phòng nữa, không có đồ đạc gì cả ngoài mấy chiếc lá chết khô trên sàn đá. Trước mặt chúng tôi là một cửa chắn bằng giấy shoji thủng lỗ chỗ màu xanh lá cây do mặt nước ao ngoài vườn hắt lên. Sử Trùng Minh và tôi đứng nhìn tấm chắn một lúc.
“Ngoài đó chắc không có chỗ nào để ngồi,” tôi nói.
Sử Trùng Minh chạm tay vào tấm chắn. Từ phía sau nó vang lên một âm thanh ù ù như tiếng máy phát điện công suất nhỏ, có lẽ là từ một trong những chiếc máy điều hòa nhiệt độ ở bên Tòa nhà Muối. Sử Trùng Minh dừng lại một lúc rồi quyết định kéo tấm chắn ra. Tấm màn han gỉ khựng lại một chút rồi đột ngột chuyển động, được đẩy ra phía sau, mở ra trước mắt chúng tôi một khu vườn xanh ngắt, trông giống như một khu rừng rậm nhiệt đới. Chúng tôi đứng im nhìn ra bên ngoài. Một cây đậu tía cuồn cuộn chắc nịch như cổ tay của một chiến binh, già cỗi tới mức hoa không mọc ra được nữa, rễ cành chằng chịt đan thành một chiếc lồng khổng lồ ngay trước ngưỡng cửa. Rêu và các loại cây leo nhiệt đới cuốn quanh nó, ruồi muỗi ẩn nấp trong các hốc tối bên trong, những cây hồng đỏ và cây thích mọc um tùm, rêu phong và hoa thường xuân kết thành tràng xung quanh.
Sử Trùng Minh bước ra vườn, khá nhanh nhẹn với cây gậy của mình, ánh sáng chiếu thành những mảng lốm đốm màu xanh và vàng trên gáy ông. Tôi bước theo sau một cách thận trọng, cố giữ cho chiếc khay được thăng bằng. Không khí đặc quánh vì nóng, tiếng côn trùng ra rả và mùi nhựa cây hăng hắc. Một con bọ có cánh to tướng lao vụt ra từ phía dưới chân tôi, trông giống như một con chim nhân tạo rồi bay vù vù ngay trước mặt. Tôi lùi lại phía sau một bước để tránh khiến một ít trà sánh ra ngoài khay, nhìn con bọ lượn qua trước mặt theo hình xoáy trôn ốc rồi bay lên cành cây, cánh kêu lách cách như tiếng pha lê hay tiếng kim khí. Giờ nó ngồi chồm hỗm ngay phía trên đầu tôi, to như một con chim hồng tước, đôi cánh màu hạt dẻ bóng lộn xòe ra và đập vù vù, chính là tiếng động tôi tưởng nhầm là máy phát điện lúc trước. Tôi nhìn nó chằm chằm, tim bắt đầu đập rộn ràng. Semi-no-koe của nhà thơ Basho, tôi nghĩ. Tiếng ve kêu. Thứ âm thanh lâu đời nhất ở Nhật Bản.