“Nhưng chúng ta đúng là dân thường mà,” tôi nói.
“Đúng vậy, đúng vậy,” anh ta nói và nhìn tôi với ánh mắt như thương hại.
“Chúng ta là dân thường,” tôi nhắc lại khi anh ta đã bỏ đi rồi. Tôi đành phải hét với theo: “Nếu người Nhật biết chúng ta là dân thường, họ sẽ để chúng ta yên.”
Tôi đứng trơ ra một lúc, tim đập thình thịch vì tức tối khi thấy anh ta từ từ biến mất sau khúc quặt. Mãi một lúc sau tôi mới rời khỏi chỗ đó. Đi được vài bước tôi bèn liếc lại phía sau. Khi thấy khuôn viên trường học đã khuất, tôi liền lột mũ xuống cất vào trong túi và đi đầu trần về tới tận nhà, mặt hướng về phía mặt trời, những lời mẹ tôi nói lại văng vẳng bên tai: “Con trai, hãy hướng về phía mặt trời. Hãy nhớ rằng cuộc đời thật ngắn ngủi. Hãy luôn hướng về phía mặt trời bất cứ khi nào có thể.”
Đêm đó, tuyết bắt đầu rơi. Tôi trằn trọc suốt đêm, Thu Kim nằm im lặng bên cạnh tôi. Cô ấy bắt đầu phải nằm nghiêng khi ngủ vì bụng đã lùm lùm, thỉnh thoảng lại cọ những ngón chân lạnh ngắt vào chân tôi. Những ngày này, cô ấy trở nên lặng lẽ, đến mức dường như không tồn tại, như thể một lúc nào đó cô ấy sẽ tự dưng biến mất và thay vào chỗ của cô ấy là một đứa trẻ. Có lẽ cô ấy nghĩ đây là thời gian vô cùng quan trọng, khi con của chúng tôi bắt đầu tiếp xúc với những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh của con người, tình yêu thương, lòng trắc ẩn, chân lý và sự công bằng. Có thể cô ấy cho rằng cần phải yên lặng và tập trung để những yếu tố trên xuất hiện trong trạng thái hoàn hảo nhất. Cô ấy không nhắc đến chuyện sơ tán nữa. Cô ấy chỉ thỉnh thoảng hỏi tôi: “Trùng Minh, chuyện gì đang xảy ra ở phía Đông thế?” Và lần nào tôi cũng không biết trả lời cô ấy ra sao, đành nói dối: “Không có gì. Không có gì. Mọi chuyện vẫn bình thường. Tướng Đường vẫn đang kiểm soát được tình thế.”
Sáng nay, khi chúng tôi kéo rèm phía sau giường ngủ, hơi nước đã đọng đầy cửa sổ và bên ngoài tuyết phủ đầy mặt đất. Thường thì vào buổi trưa, sẽ có những người kéo xe đi dọn tuyết nhưng hôm nay cả Nam Kinh yên lặng một cách kỳ lạ. Chỉ có xe quân sự đi lại trên đường phố và khi tôi ra khu chợ gần phế tích cung điện nhà Minh để mua khóa cửa và đinh vít để làm hàng rào xung quanh nhà thì chỉ có lèo tèo vài người đứng bán hàng, tuyết reo tí tách trên những chiếc bếp than dùng để sưởi ấm của họ. Tôi mua mấy chiếc then cài cửa với giá cắt cổ, đắt gấp mười lần ngày thường nhưng dường như người bán hàng cũng chả khó khăn gì trong việc tiêu thụ chúng.
“Ông Sử!”
Tôi quay lại và ngạc nhiên khi thấy Lưu Nhuận Đức, một giáo sư văn học ở trường đại học Thượng Hải. Tôi chỉ mới gặp ông ta có một lần và không thể đoán ra được là ông ta đang làm gì ở đây, trong một khu chợ ở Nam Kinh.
Tôi chắp tay cúi đầu chào ông ta. “Thật bất ngờ khi được gặp ông ở đây, ở Nam Kinh,” tôi nói.
“Tôi cũng bất ngờ khi được gặp ông ở đây, ông Sử.” Ông ta mặc chiếc áo dài truyền thống, hai tay khoanh lại dưới tay áo rộng thùng thình với một chiếc sưởi than nhỏ, và trên đầu đội một chiếc mũ phương Tây có dải băng to màu xám rất không thích hợp. Ông ta rút chiếc sưởi than ra khỏi tay áo đặt xuống đất để thực hiện nghi lễ chào hỏi. “Thật bất ngờ khi gặp được ai đó. Tôi cứ tưởng toàn bộ giáo viên của trường đại học Giang Tô đều đã rời thành phố.”
“Ồ, không. Không. Tôi thì không.” Tôi siết chặt cổ áo khoác, giọng cố tỏ ra tự nhiên như thể lúc nào tôi cũng quyết tâm ở lại Nam Kinh. “Vợ tôi đang có bầu. Cô ấy cần phải ở đâu đó gần bệnh viện hay trung tâm y tế ở thành phố. Một chỗ nào đó thật tốt, có các phương tiện khám chữa bệnh hiện đại nhất.” Thỉnh thoảng, tôi lại đạp đạp chân xuống tuyết như thể tôi đang cố giữ âm chứ không phải đang bồn chồn lo lắng. Khi thấy ông không nói gì, tôi nhìn ra đường phố hiu hắt xung quanh và hỏi khẽ: “Sao, ông có nghĩ là tôi hơi dại dột không?”
“Dại dột ư?” Ông ta nhìn qua vai tôi về phía Đông, xuyên qua những mái nhà lợp tôn, vẻ đăm chiêu tư lự. Một lúc sau ông thay đổi vẻ mặt, má hơi ửng lên, ông nhìn tôi cười ấm áp: “Không. Không dại dột chút nào. Có lẽ ngược lại là khác.”
“Ngược lại là khác?” Tôi nhìn ông ta, tim đập nhanh hơn.
“Đúng vậy. Đúng là có nhiều người không có niềm tin vào tổng thống, nhiều lúc dường như cả dân tộc này đều đã mất niềm tin vào ông. Ai cũng bỏ chạy vào sâu trong lục địa. Nhưng tôi thì sao? Tôi cũng đã quyết rồi. Tôi thừa nhận là tôi đã chạy khỏi Thượng Hải, nhưng những ngày bay nhảy đã qua rồi.”
“Có người cho rằng thế của tướng Đường rất yếu và ông ta không phải là người tận tụy với dân với nước. Ông nghĩ sao về những ý kiến này? Một số người còn nói người Nhật sẽ giẫm qua xác ông ta, người khác thì cho rằng họ sẽ chiếm thành phố và xông vào từng nhà để chém giết.”
“Nếu ông hỏi tôi thì tôi phải nói là có nhiều người rất sợ thay đổi. Do đó, những người như ông, như tôi, giáo sư Sử ạ, cần phải vững vàng. Phải quên đi cái quốc gia hèn nhát, lạc hậu mà chúng ta đã bỏ lại phía sau để thể hiện lòng tin đối với thành phố của chúng ta, với vị tướng quân mà tổng thống đã lựa chọn. Nếu không, chúng ta sẽ làm gì chứ? Trở thành một lũ hèn nhát ư? Bên cạnh đó, quân đội Quốc dân cũng đã mưu tính hết rồi. Ông thử nhìn phía đằng kia xem, sau cổng thành phía Đông. Ông có nhìn thấy khói không?”
“Có.”
“Nhà cửa bị đốt cháy bên ngoài thành Đông. Chính là người của chúng ta đấy. Với những ai nói rằng Tưởng Giới Thạch không có chính sách quân sự gì cả, thì hãy cho họ chứng kiến cảnh này: chính sách tiêu thổ. Để quân Nhật không tìm thấy gì cả, không lương thực, không nước uống khi hành quân, chúng sẽ mau chóng thất bại thôi.”
Lòng tôi như vơi đi được nghìn cân. Đột nhiên, sau tất cả những âu lo này, tôi cảm thấy mình như được minh oan, rằng tôi không chỉ có một mình. Chúng tôi đứng đó, dường như vừa bất chợt trở thành hai người bạn vong niên. Chúng tôi say sưa trò chuyện cho đến khi tuyết rơi ướt cả hai vai, và cho đến khi giữa cuộc chuyện trò, chúng tôi phát hiện ra rằng gia đình của ông cũng đang ở đây, và trùng hợp thay, không cách nhà của chúng tôi bao xa. Thế là chúng tôi quyết định tới nhà ông để tiếp tục câu chuyện. Chúng tôi khoác tay nhau một cách thân ái và dạo bước về phía nhà của Lưu Nhuận Đức, một ngôi nhà tranh một tầng đơn sơ, mái làm bằng cao lanh, không có sân, cũng không có điện. Ông Lưu sống ở đó với vợ và một cậu con trai hơn mười tuổi. Đó là một cậu bé gầy guộc, đen nhẻm, vừa chào tôi vừa đưa tay dụi mắt.
Ông Lưu mang từ Thượng Hải về đây khá nhiều đồ ngoại nhập xa xỉ như sữa hộp, thuốc lá Pháp, mà chúng tôi vừa nói chuyện vừa hút như hai nhân vật trí thức thượng lưu Paris. Đầu mùa hè, có tin đồn ông Lưu đã khóa cửa nhà ở Thượng Hải, gửi vợ con về Nam Kinh còn ông thì ở lại trường đại học, ngủ trong giảng đường để làm việc được thêm chừng nào hay chừng ấy. Cuối cùng khi thành phố đã thất thủ, ông trốn thoát bằng cách nấp trong thùng rác trong bếp trường đại học và bỏ chạy về Nam Kinh, hòa vào dòng người đi sơ tán ngay phía trước quân đội Nhật. Khắp nơi chỉ thấy thuyền bè, ghe tam bản ngụy trang bằng lau sậy, chật cứng người sơ tán.
“Khi tôi tới Tô Châu, tôi nhìn thấy lính Nhật đầu tiên. Tôi thấy chúng nhảy ầm ầm qua các con kênh như bọn quỷ dữ, những khẩu súng lưỡi lê arisakas sáng loáng trên lưng. Chúng cực kỳ lanh lẹ, không gì có thể ngăn cản chúng được. Cái lũ quỷ dữ đội lốt người đó.”
Nghe những chuyện đó, tôi bắt đầu cảm thấy hơi bất an. Ở đây, trong nhà mình, Lưu Nhuận Đức có vẻ thiếu dũng khí và sự hăng hái hơn so với lúc ở trên phố. Thỉnh thoảng ông lại lấy tay xoa mũi và lo lắng nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi chợt nghĩ, bất chấp những lời đao to búa lớn, có khi ông cũng đang lo lắng như tôi.
“Ông biết không,” ông nói, nhướng mắt lên, nghiêng người về phía tôi với một nụ cười khô khốc. “Tôi thậm chí đã nhìn thấy Thượng Hải, cả thành phố Thượng Hải trôi vào nội địa, trôi qua đồng bằng vào nội địa.”
“Thượng Hải? Làm gì có chuyện ấy?”
“Ông nghĩ tôi điên chứ gì? Hay đang ngủ mơ. Nhưng đó là sự thực. Tôi đứng trên sườn núi và nhìn thấy cả Thượng Hải trôi vào nội địa.”
Tôi cau mày. “Tôi không hiểu.”
“Biết ngay mà, cái vẻ mặt này!” Ông phá lên cười. “Tôi cũng có vẻ mặt y hệt như thế này khi chứng kiến chuyện đó. Phải mất một lúc tôi mới tin là tôi không bị điên. Ông có biết chính xác là tôi nhìn thấy cái gì không?”
“Không.”
“Tôi nhìn thấy sự bấn loạn của dân chúng Thượng Hải. Họ tháo dỡ cả tòa nhà, các nhà máy, xưởng sản xuất. Ông có tưởng tượng được không? Họ di chuyển mọi thứ vào nội địa bằng tàu thủy, thuyền mành theo hướng Tây Nam, về Trùng Khánh. Tôi thấy tàu bè bồng bềnh trên sông Dương Tử, trên chở cả một nhà máy dệt.” Ông đưa tay ra, bắt chước chuyển động bập bềnh tươi vui của một con thuyền nơi chân trời. “Cả Thượng Hải bơi lên thượng nguồn về phía Trùng Khánh.”
Ông mỉm cười với tôi như đợi một lời bình luận nhưng tôi chỉ im lặng. Có gì đó không ổn. Trước đó, bà Lưu đặt lên bàn một chiếc bánh hạt dẻ. Nó được trang trí với một chữ cát tường bằng lòng trắng trứng gà, và giờ thì mắt tôi chạm vào cái con chữ quen thuộc đó. Tôi nhìn về phía hành lang bà đang ngồi rồi quay trở lại với chiếc bánh. Ngẫm lại thái độ của bà trước đó và cái cách bà rút lui vào một chỗ, tôi chợt hiểu ra tất cả.