Tôi há miệng, hơi cúi thấp người rồi đột ngột nhằm thẳng vào mặt anh ta mà tru lên. Tiếng rú bị kìm nén bấy lâu, tích tụ trong suốt thời gian tôi bám theo anh ta trong tuyết lạnh, và giờ đây, tôi kêu lên như một con thú bị thương. Tôi đâm, xoáy con dao nhỏ vào người anh ta, xuyên qua bộ quân phục bằng vải kaki và chiếc thắt lưng senninbari may mắn. Anh ta vẫn không kêu lên tiếng nào. Nét mặt anh ta biến đổi, đầu bật ngửa ra phía sau khiến chiếc mũ quân phục rơi xuống đất. Cả hai chúng tôi cùng lùi lại một bước, sửng sốt nhìn xuống cái hậu quả của việc làm mà tôi vừa gây ra. Máu anh ta rỏ trên tuyết, một đám ruột phơi ra ngoài qua vết rách trên lớp quân phục. Anh ta nhìn chúng chằm chằm như không tin vào mắt mình. Lúc này anh ta mới bắt đầu cảm thấy đau. Anh ta buông khẩu súng và ôm lấy bụng, cuống cuồng nhét chỗ nội tạng đó vào bên trong. “Kuso!” Anh ta thốt lên. “Anh đã làm gì thế này?”
Tôi lảo đảo lùi lại, đánh rơi con dao xuống tuyết rồi quờ quạng dựa vào một thân cây. Người lính quay lưng bước đi, loạng choạng tiến về khu rừng phía trước. Một tay ôm bụng, một tay vẫn giữ chặt chiếc máy quay phim, anh ta lảo đảo bước, đầu ngẩng cao đầy vẻ trang nghiêm như thể anh ta đang tới một nơi nào đó linh thiêng, một nơi nào đó tốt đẹp hơn, bình an hơn đang ẩn náu đâu đó dưới những tán cây. Tôi loạng choạng bước đi theo anh ta, hơi thở dồn dập. Đi được gần trăm mét thì anh ta bị vấp, mất thăng bằng và kêu lên một tiếng gì đó: một cái tên phụ nữ bằng tiếng Nhật, có lẽ là mẹ hay vợ của anh ta. Hai tay anh vung ra phía trước khiến đám nội tạng rớt ra khỏi vết thương thành một đống bầy nhầy, tối sầm trên tuyết. Anh ta trượt ngã trên chính đống bầy nhầy đó và cố gắng lấy lại thăng bằng nhưng anh ta đã đuối sức và chỉ có thể lết đi một cách chậm chạp, di chuyển theo một vòng tròn mơ hồ, với một đoạn ruột lòng thòng đỏ sẫm phía sau như thể anh ta vừa được sinh ra chứ không phải sắp lìa đời.
“Đưa nó cho tôi. Đưa cho tôi cái máy quay phim.”
Anh ta không thể trả lời. Anh ta đã mất hết tỉnh táo: anh ta không còn biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Anh ta khuỵu xuống, yếu ớt giơ tay lên rồi ngã lăn ra đất. Tôi lao đến bên cạnh anh ta. Môi anh ta tím ngắt và miệng đầy máu. “Không được,” anh ta nói khẽ khi tôi cậy những ngón tay đeo găng đang giữ chặt chiếc máy quay phim. Mắt anh ta đã mờ nhưng anh ta vẫn cảm nhận được vị trí của tôi. Anh ta dò dẫm sờ vào mặt tôi. “Đừng mang nó đi. Nếu anh mang nó đi, thì ai sẽ kể lại cho cả thế giới biết?”
Nếu anh mang nó đi, thì ai sẽ kể lại cho cả thế giới biết?
Những lời đó đọng lại trong tâm trí tôi. Suốt đời tôi sẽ không quên chúng. Ai sẽ kể lại. Tôi ngửa đầu nhìn rất lâu lên bầu trời, lên những đám khói đen đang trôi dạt về phía mặt trăng. Ai sẽ kể lại? Câu trả lời sẽ là không ai cả. Sẽ không có ai kể lại. Mọi chuyện đã kết thúc. Đó sẽ là câu cuối cùng tôi viết trong nhật ký của mình. Tôi sẽ không viết nữa. Phần kết của câu chuyện sẽ nằm lại trong cuộn phim này, và những gì xảy ra ngày hôm nay sẽ mãi mãi là một bí mật.
Chương 1
Tokyo, mùa hè năm 1990
Đôi khi bạn không còn sự lựa chọn nào khác là phải cố gắng. Ngay cả khi bạn đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ, mệt mỏi và kiệt sức vì đói. Đó là những gì đã xảy ra với tôi vào mùa hè năm ấy, khi tôi đứng run rẩy lo sợ trước cửa phòng làm việc của giáo sư Sử Trùng Minh ở Tokyo. Tôi sửa lại đầu tóc cho gọn gàng hết mức có thể và khổ sở vuốt phẳng chiếc váy Oxfam cũ kỹ, lấy lòng bàn tay phủi cho sạch bụi bặm và là phẳng những nếp nhàu nhĩ vì đường xa. Tôi đá chiếc túi du lịch sờn cũ mang theo trên máy bay ra sau, không muốn đó là vật đầu tiên đập vào mắt ông khi ra mở cửa, vì trông giống như một người bình thường là điều hết sức quan trọng. Tôi phải đếm tới 25, hít thở thật sâu trước khi có đủ can đảm lên tiếng.
“Xin chào,” tôi áp sát vào cánh cửa, nói lí nhí. “Giáo sư có ở đây không ạ?”
Tôi chờ một chút, dỏng tai lên nghe ngóng. Tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng bước chân di chuyển trong phòng nhưng không ai ra mở cửa! Tôi chờ thêm một chút nữa rồi mới gõ cửa, tim đập liên hồi. “Giáo sư có nghe thấy tôi không ạ?”
Cánh cửa bật mở và tôi giật mình lùi lại phía sau. Sử Trùng Minh xuất hiện trên ngưỡng cửa, trông rất lịch thiệp và nhã nhặn, nhìn tôi không nói gì, tay để dọc hai bên đùi như thể đang đợi người ta khám xét. Ông rất nhỏ bé, giống như một con búp bê, mái tóc bạc trắng xõa xuống vai như một chiếc khăn choàng bằng tuyết ôm lấy khuôn mặt thanh tú hình tam giác.
Ông đặt lòng bàn tay lên đùi và cúi rạp xuống để chào tôi. “Xin chào,” ông nói bằng một thứ tiếng Anh nhẹ nhàng, gần như không có ngữ điệu. “Tôi là giáo sư Sử Trùng Minh. Xin hỏi cô là ai?”
“Tôi, tôi là…” Tôi nuốt nước miếng. “Tôi là một sinh viên… đại loại như thế.” Tôi luống cuống kéo tay áo len lên cao và chìa tay ra cho ông. Tôi hy vọng ông không để ý những móng tay bị cắn nham nhở của mình. “Từ trường đại học Luân Đôn.”
Ông nhìn tôi chăm chú, từ gương mặt trắng bệch, mái tóc rối, đến chiếc áo len chui cổ và chiếc túi du lịch to xù, cũ mèm. Ai cũng có phản ứng tương tự khi họ nhìn thấy tôi lần đầu và thú thực là dù có đóng kịch giỏi đến đâu bạn cũng sẽ không bao giờ quen được với cái việc bị người khác nhìn chòng chọc.
“Tôi rất mong được gặp ông, gần như trong suốt nửa đời mình. Tôi đã đợi ngày này hơn chín năm bảy tháng và mười tám ngày,” tôi nói.
“Chín năm, bảy tháng, mười tám ngày?” Ông nhướng mày nhìn tôi với vẻ thích thú. “Lâu vậy sao? Nếu thế thì cô nên vào trong này.”
Tôi vốn không sành sỏi trong việc đoán biết người khác nghĩ gì nhưng tôi biết chúng ta có thể nhìn thấy thảm kịch, thảm kịch thực sự trong ánh mắt của người khác. Nếu nhìn kỹ, gần như chúng ta luôn thấy được một người đã từng ở đâu. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để truy tìm tung tích của giáo sư Sử Trùng Minh. Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng, bất chấp tuổi tác đã ngoài bảy mươi và những cảm nhận mà ông hẳn có về người Nhật, ông lại ở đây trong vai trò một giáo sư thỉnh giảng ở Todai, trường đại học danh giá nhất Nhật Bản. Văn phòng của ông nhìn xuống khu bắn cung của trường đại học, nơi cây cối um tùm che kín mái ngói của khu nhà và âm thanh duy nhất là tiếng quạ kêu khi chuyền cành giữa những cây sồi xanh. Căn phòng của giáo sư Sử Trùng Minh rất nóng và ngột ngạt, làn không khí bụi bặm luân chuyển khắp phòng bởi ba chiếc quạt điện hoạt động hết công suất. Tôi rón rén bước vào phòng, vẫn chưa hết bàng hoàng vì cuối cùng mình đã có mặt ở đây.
Sử Trùng Minh cất đống tài liệu chất trên một chiếc ghế. “Ngồi xuống, ngồi xuống. Tôi đi pha trà.”
Tôi ngồi phịch xuống ghế, ôm chặt chiếc túi du lịch vào lòng, đôi giày mùa đông nặng trĩu dưới chân. Sử Trùng Minh khập khiễng di chuyển trong phòng, hứng nước từ chiếc bồn rửa vào đầy phích điện, không hề để ý đến những tia nước bắn tung tóe thành những vệt sẫm trên chiếc áo sơ mi kiểu Quan thoại. Gió quạt khẽ lay động những chồng giấy và đám sách cũ kỹ rách nát chất đầy trên những giá sách cao tới trần nhà. Ngay khi bước vào phòng tôi đã để ý tới chiếc máy chiếu đặt trong góc. Đó là một chiếc máy chiếu 16 li phủ đầy bụi, bị đẩy vào trong góc giữa những đống tài liệu cao ngất. Tôi chỉ muốn quay ra nhìn chằm chằm vào nó nhưng biết là mình không nên làm thế. Tôi cắn môi và nhìn sang Sử Trùng Minh. Ông đang nói dông dài về những nghiên cứu của mình.
“Rất ít người biết được y học Trung Hoa du nhập vào Nhật Bản từ khi nào nhưng nếu nhìn lại thời nhà Đường, cô sẽ tìm được những bằng chứng cho thấy sự tồn tại của y học Trung Hoa ở đây. Cô có biết điều đó không?” Ông pha trà mời tôi và lôi từ đâu đó ra một gói bánh bích quy. “Đại sư Giám Chân đã mang y học Trung Hoa tới nơi này từ thế kỷ thứ VIII. Ngày nay chúng ta có thể thấy các cửa hàng Nhật dược ở khắp mọi nơi, chỉ cần bước chân ra ngoài cổng trường là có thể tìm thấy ngay. Rất tuyệt vời, đúng không?”
Tôi chớp mắt nhìn ông. “Tôi tưởng giáo sư nghiên cứu về ngôn ngữ học?”
“Ngôn ngữ học? Ồ không, không. Có thể là trước đây, có một thời… nhưng mọi thứ đã thay đổi. Cô có muốn biết tôi là ai không? Thế này nhé, nếu cô lấy một cái kính hiển vi và quan sát kỹ cái giao điểm mà một nhà công nghệ sinh học và một nhà xã hội học gặp nhau…” Ông mỉm cười với tôi, để lộ hàm răng dài đã ngả vàng. “Thì cô sẽ thấy tôi, Sử Trùng Minh, một người đàn ông nhỏ bé với một danh hiệu lớn. Trường đại học nói với tôi rằng tôi rất phù hợp với công việc này. Cái tôi quan tâm nghiên cứu là bao nhiêu trong số này…” Ông khoát tay khắp căn phòng chỉ vào những cuốn sách, những tấm bảng mô hình xác ướp động vật màu sắc sặc sỡ và một biểu đồ treo tường có tên Côn trùng học ở Hồ Nam. “… Bao nhiêu trong số đó đã du nhập vào Nhật Bản cùng với Giám Chân và bao nhiêu là do quân đội Nhật Bản mang về nước năm 1945. Chẳng hạn như, để tôi xem nào…” Ông rà tay lên đống tài liệu quen thuộc của mình rồi rút ra một quyển sách cũ bám đầy bụi và đặt nó xuống trước mặt tôi, giở ra một biểu đồ giải phẫu gấu với các cơ quan nội tạng in bằng hai màu xanh và hồng. “Ví dụ, đối với loài gấu đen châu Á. Có phải từ sau Thế chiến thứ hai thì người Nhật mới bắt đầu dùng mật của loài gấu Karuizawa để chế thuốc chữa bệnh đau dạ dày hay không?” Ông đặt hai tay lên bàn và nhìn tôi chăm chú. “Tôi hy vọng đó là lý do khiến cô đến tìm tôi? Gấu đen là một trong những đề tài mà tôi rất quan tâm và đó cũng là nguyên nhân khiến phần lớn mọi người đến gõ cửa phòng tôi. Cô là nhà bảo tồn động vật à?”