Một người khác chuyển sang ngồi cạnh, kín đáo theo dõi tình trạng của Fuyuki. Những người còn lại thì vẫn vờ như không có chuyện gì xảy ra vì để ý tới sự khó ở của ông già dường như là một hành vi bất kính. Tôi là người duy nhất nhìn theo gã đàn ông buộc tóc đuôi ngựa. Ông ta ngồi vào chỗ Jason trước đó, mặt khuất trong bóng tối khi nói chuyện với mụ Y Tá. Một lúc sau, mụ ta thò tay vào trong túi và lôi ra một cái bao nhỏ, ở trong có một vật gì đó như ống thuốc bằng thủy tinh. Mụ ta dùng những ngón tay trắng dài thận trọng cầm nghiêng cái lọ, búng búng vào nó rồi dốc chất gì đó đựng bên trong vào một cái ly, sau đó lấy chai nước trên bàn đổ nước vào và đưa cho người đàn ông tóc đuôi ngựa. Ông này kính cẩn lót cái ly bằng một chiếc khăn ăn trắng muốt rồi lặng lẽ quay lại bàn, trao nó cho Fuyuki. Ông ta uống từng ngụm một. Tôi để ý thấy dưới đáy ly đọng lại những cặn thô như là hạt nhục đậu khấu giã nhỏ. Trong góc tường, mụ Y Tá lại nhét chiếc bao vào trong túi và đưa bàn tay to xù vuốt mái tóc giả.
Bên cạnh tôi, Bison lục bục gì đó trong cổ họng với vẻ khoái trá. Ông ta ngồi chống cùi tay lên bàn, điếu xì gà nặng trĩu tàn thuốc. Ông ta nhìn Fuyuki như bị thôi miên khi ông này uống cạn ly thuốc rồi ngả người, hai tay đặt lên tay vịn xe lăn, nghiêng đầu ra phía sau, thở phì phò.
Bison bắt đầu phá ra cười. Ông ta lắc đầu và cười cho tới khi cả người rung lên và mặt đỏ phừng phừng. Ông ta với qua người tôi để nói với Fuyuki, giọng oang oang dù lưỡi đã ríu lại: “Ôi, onni san,” ông ta nói, lấy điếu xì gà chỉ vào cốc nước. “Ông có thuốc gì cho tôi với? Thuốc gì giúp tôi đứng thẳng dậy một cách kiêu hãnh như hồi hai mươi?” Fuyuki không trả lời, tiếp tục thở một cách mệt nhọc. “Ông bạn hiểu tôi nói gì chứ, lão dê này? Một phương thuốc giúp ông khỏe như hồi ông hai mươi.” Mọi người xung quanh bàn bắt đầu ngừng nói chuyện và quay ra nhìn. Bison liếm môi và vẫy tay: “Cái gì đó khiến chị em sung sướng? Ê!” Ông ta nói và huých tôi. “Cô em cũng thích thế đúng không nào? Cô em chỉ thích một chàng hai mươi có khả năng ‘đứng thẳng lên’ đúng không nào?” Ông ta đứng dậy rồi lại loạng choạng ngã xuống bàn làm một chiếc đĩa rơi xuống đất vỡ tan. “Đó là cái mà tôi muốn, tôi muốn đứng thẳng dậy như ông Fuyuki! Như ông bạn onni san của tôi, tôi muốn được trường sinh!”
Người ngồi bên cạnh khẽ chạm vào tay áo của ông ta, người khác thì đặt một ngón tay lên môi ra hiệu. “Tôi muốn được đứng thẳng lên như ngày xưa, cương cứng như hồi mười tám, ôi hãy nói cho tôi biết, kami sama, như thế có phải là đòi hỏi hơi quá không?” Bison ngâm nga hát những lời này, một tay đặt trên ngực.
Khi không thấy ai cười, ông ta dừng lại giữa chừng, miệng cứng lại. Tất cả mọi người đều ngừng nói, người đàn ông tóc đuôi ngựa thậm chí chẳng buồn ngước mắt lên nhìn ông ta mà chỉ ngồi im, môi mím lại, ngón trỏ và ngón cái đặt trên môi. Nụ cười của Bison biến mất. Ông ta giơ hai tay lên với một cử chỉ như muốn nói: Sao vậy, tôi đã nói gì vậy? Nhưng người đàn ông buộc tóc đuôi ngựa đã bỏ tay xuống và đang giả vờ kiểm tra móng tay của mình như không hề có chuyện gì xảy ra. Ai đó bối rối hắng giọng, rồi như thể nhận được tín hiệu, các cuộc trò chuyện lại bắt đầu trở lại. Bison nhìn quanh bàn: “Có chuyện gì vậy?” Ông ta nói giữa những âm thanh ồn ã xung quanh. “Có chuyện gì vậy?” Nhưng không ai chú ý đến ông ta, họ đều quay về hướng khác, tìm thứ gì đó thú vị hơn để nhìn, điều gì đó quan trọng hơn để nói, lắc lắc cốc rượu, nuốt cạn trong cổ họng, châm xì gà.
Ngỡ ngàng một lúc, Bison cũng chậm chạp ngồi xuống. Ông ta nhặt một chiếc khăn ấm đưa lại gần mặt và thở dồn. “Lạy Chúa,” ông ta thì thào, hạ thấp chiếc khăn xuống và lo lắng nhìn về phía bóng của mụ Y Tá in trên tường. “Không thể nào…”
“Ông ta nói gì vậy?” Irina nghiêng người về phía tôi hỏi.
“Tôi không biết, tôi không hiểu ông ta nói gì,” tôi lẩm bẩm, không nhìn cô.
Chẳng bao lâu sau các câu chuyện lại trở nên rôm rả. Fuyuki từ từ hồi phục. Cuối cùng, ông ta lấy khăn lau miệng và gói chiếc ly vào một cái khăn và bỏ vào trong túi, ngẩng đầu lên nhìn trần nhà. Cánh đàn ông tiếp tục chuyện trò còn các cô gái thì tiếp đồ uống, không ai nhắc tới chuyện vừa xảy ra trước đó. Chỉ có Bison là không tham gia vào bất cứ cuộc đối thoại nào, ông ta ngồi ngây ra, thỉnh thoảng lại liếc nhìn chiếc ly cộm lên trong áo khoác của Fuyuki hay nhìn về cái bóng đầy đe dọa của mụ Y Tá. Hai má ông ta nhớp nháp mồ hôi, mắt đẫm nước và suốt buổi tối yết hầu của ông ta cứ nhói lên một cách đau đớn như thể ông ta đang bị bệnh.
Chương 16
史 Nam Kinh, mùng chín tháng Mười hai năm 1937 (mùng bảy tháng Mười một theo lịch của Thu Kim)
Cả thành phố đang rơi vào cảnh bấn loạn. Tuần trước, quân Nhật đã chiếm đóng Tô Châu, Venice của Trung Quốc và bắt đầu tiến về phía Bắc Thái Hồ. Họ hành quân thần tốc, tạo thành một vòng cung quanh sông Dương Tử và tiến vào Nam Kinh từ phía Bắc vì bốn hôm trước Chiết Giang cũng đã thất thủ. Tướng Đường đã thề sẽ làm tất cả để bảo vệ chúng tôi nhưng người dân không hề tin tưởng vào ông, cho nên tất cả những ai có thể sơ tán thì đều bắt đầu rời khỏi thành phố. “Lại giống với cuộc xâm chiếm của quân Thái Bình thôi,” họ thì thầm. Những chiếc xe tải cao ngồn ngộn lặc lè ra khỏi thành phố, những người không có tiền bám vào hai bên thành xe, lắc lư. Tôi cứ thầm mong những đồ vật mà thỉnh thoảng người ta vẫn nhìn thấy rơi xuống đường từ hai bên cánh xe tải trên đường tới ga tàu ở Hạ Quan, những vật tối màu cứ đôi lần trượt ra rồi từ từ rớt xuống mặt đường đầy bụi là những vật dụng như rổ rá, hay con gà bị tụt dây chứ không phải là một đứa trẻ con hay một người dân nghèo bị ném xuống.
Hôm nay hội Chữ Thập Đỏ đã ra cảnh báo. Họ thành lập một trại tị nạn ngay trong trường đại học, không xa nhà chúng tôi lắm, ngay phía Nam đường tàu hỏa, và họ thúc giục tất cả dân thường tới đây lánh nạn để đảm bảo an toàn. Phần lớn các phòng học và văn phòng được trưng dụng làm chỗ ở. Tôi tự hỏi liệu đây có phải là một giải pháp để giải tỏa mối lo lắng của mình, một khu tị nạn, nơi chúng tôi sẽ không nhắc đến chuyện rời khỏi thành phố hay sự bất tín đối với Quốc dân Đảng; và tại đây, tôi có thể bảo vệ được Thu Kim.
Nghĩ thế, nên hôm nay, tôi lẳng lặng đi vào trại tị nạn và chứng kiến cảnh đám đông xếp hàng chật cửa ra vào, ai cũng lỉnh kỉnh đồ đạc, giường chiếu, những tiếng còi báo động không kích gầm rú trên không. Nhiều người còn mang theo cả gia súc, gia cầm, gà vịt, trâu bò; thậm chí tôi còn nhìn thấy một gia đình đang giằng co với quan chức trong trại để đòi mang theo một con lợn. Cuối cùng họ cũng đồng ý để con vật ở lại, chú lợn bị bỏ rơi, mất phương hướng, đi lăng quăng trong đám đông. Tôi lần lữa một lúc, nhìn theo con lợn cho đến khi có một người ở cuối hàng phát hiện ra nó, hét váng lên xác nhận quyền sở hữu và mang nó vào xếp hàng với mình, để rồi lại đến lượt anh ta giằng co với người gác cổng.
Tôi đứng rất lâu quan sát đám đông những người nghèo khổ đang xếp hàng vào trại, người thì ho, người thì điềm nhiên ngồi xổm xuống đi vệ sinh vào các rãnh nước. Cuối cùng tôi kéo cổ áo lên, cúi mặt bước về nhà. Không thể đưa Thu Kim tới đây được. Ở đây thì thà vượt sông Dương Tử về Phồn Dương còn hơn.
Trong hẻm, chúng tôi nằm trong số ít ỏi những người cuối cùng ở lại; chỉ có hai vợ chồng chúng tôi và mấy công nhân làm việc cho một xưởng thêu trên đường Quả Phu. Họ sống trong một khu tập thể ở đầu hẻm và rất nghèo. Chắc họ không có gia đình cũng như chỗ nào khác để đến. Đôi khi tôi lẻn ra đứng ở đầu đường và thử nhìn vào căn hẻm của chúng tôi với con mắt của người Nhật. Tôi tin là chúng tôi sẽ an toàn, hẻm cụt, chẳng dẫn đi đâu, và chẳng mấy ai có nhu cầu rẽ vào đoạn nhà tôi làm gì. Với những tấm rèm cửa khép kín kia thì bạn sẽ chẳng thể nào tin rằng có ai đó đang sống ở đây. Trong khoảnh sân nhỏ đằng trước và sau nhà, Thu Kim có phơi mấy sàng rau khô, còn tôi thì dự trữ củi than, dầu lạc, mấy tải kê và thịt khô. Thậm chí, tôi còn tích trữ cả những thứ xa xỉ phẩm như một sọt cua khô. Tôi hy vọng mình đã chuẩn bị đầy đủ. Tôi còn hẳn mấy thùng nước dự trữ theo kiểu cổ bởi không thể tin được vào công ty cấp nước còn nước giếng trong nhà thì không an toàn.
Khi ngồi viết những dòng này trong thư phòng với cửa sổ mở toang, tôi nhìn thẳng vào con phố phía dưới, và tôi đã thấy gì? Một người phụ nữ đang kéo một chiếc xe thồ về phía cổng Thượng Nguyên. Chiếc xe chất đầy chăn nệm, đồ đạc và các bao tải đậu nành. Nằm trên cùng là xác một người đàn ông, gần như trần truồng. Có thể đó là chồng bà ta, cũng có thể là một người họ hàng chưa có tiền mai táng. Hãy nhìn cảnh tượng đó xem. Mọi người trở nên rồ dại hết cả rồi hay sao? Muốn bỏ thành phố này tới mức không thèm chôn người chết ở đây nữa?
史 Nam Kinh, mùng mười tháng Mười hai năm 1937
Dưới khuỷu tay tôi có hai tấm thẻ nhỏ nhắn. Thẻ tị nạn. Cho tôi và Thu Kim. Khi người Nhật tiến vào thành phố, chúng tôi sẽ ghim chúng lên quần áo. Tôi vừa đi lấy chúng sáng nay tại hội Chữ Thập Đỏ. Khi rảo bước về nhà dưới trời nắng, tôi bỏ mũ ra. Một giảng viên trong trường đã bảo tôi làm thế. Anh ta không ở lại Nam Kinh mà đi về phía thượng nguồn sông Dương Tử, hy vọng đến được Trùng Khánh hay Chiết Giang. Khi chúng tôi chia tay, anh ta chăm chú nhìn tôi và nói, “nếu anh ra ngoài khi trời đang nắng thì đừng đội mũ. Hãy để cho trán anh rám nắng. Tôi nghe nói họ sẽ lột mũ dân thường ra xem, và nếu thấy trán ai nhợt nhạt thì họ sẽ bắt người đó vì nghi là quân nhân.”