Chương 13
Tôi nhìn thấy Sử Trùng Minh trước cửa trường đại học Todai vào tám giờ sáng ngày hôm sau. Tôi đã chờ ông ta ở đây từ lúc sáu rưỡi sáng, lúc đầu là ở góc phố, rồi sau đó là quán cà phê Bambi khi nó mở cửa. Tôi gọi bữa sáng thịnh soạn với xúp miso, cơm cá thu và trà xanh. Trước khi rời bàn, cô phục vụ cẩn thận ghé tai tôi nhắc lại giá tiền của từng món ăn. Tôi ngước nhìn cô, không hiểu. Rồi tôi hiểu ra: cô ấy không muốn tôi tưởng rằng mình lại được đãi miễn phí một lần nữa. Vì vậy tôi đành trả tiền trước và khi cô ấy mang thức ăn đến, tôi liền boa cho cô ấy thêm ba nghìn yên. Cô ấy nhìn chúng chằm chằm không nói gì rồi đỏ mặt cất vào tạp dề.
Hôm đó, trời rất nóng nhưng Sử Trùng Minh vẫn mặc một chiếc áo bằng vải cotton kiểu Mao Trạch Đông, đi đôi dép nhỏ màu đen kỳ quặc bằng cao su đàn hồi, đúng kiểu dép tập thể dục của học sinh Anh và đội chiếc mũ dân chài kỳ lạ của mình. Ông đi rất chậm và thận trọng, mắt dán vào vệ đường. Ông không biết là tôi đang đứng chờ trước cổng trường cho đến khi tôi nhảy xổ ra giữa đường, ngay trước mặt ông. Ông nhìn xuống chân tôi, dừng lại duỗi cây gậy ra, đầu cúi xuống.
“Ông nói là ông sẽ gọi điện.”
Ông từ từ ngẩng mặt lên. Mắt ông mờ mờ, như sương khói. “Cô lại đến à, cô nói là cô không bao giờ xuất hiện ở đây nữa cơ mà.”
“Lẽ ra ông phải gọi điện cho tôi vào hôm qua.”
“Trông cô hơi khác, sao trông cô lại khác thế nhỉ?” Ông nheo mắt nhìn tôi.
“Ông đã không gọi điện cho tôi.”
Ông nhìn tôi thêm một lúc, hắng giọng và bỏ đi. “Cô rất thô lỗ. Rất thô lỗ,” ông lẩm bẩm.
“Nhưng tôi đã đợi ông suốt cả tuần,” tôi nói và đuổi theo ông. “Tôi đã không gọi điện cho ông, cũng không tìm đến đây. Tôi đã làm như tôi hứa nhưng ông thì không.”
“Tôi không hứa sẽ gọi điện cho cô.”
“Có, ông…”
“Không. Không hề.” Ông dừng lại và chỉ thẳng cây gậy vào tôi. “Tôi không hứa hẹn gì cả, tôi có trí nhớ rất tốt và tôi biết là tôi không hứa hẹn gì với cô.”
“Tôi không thể đợi ông suốt đời.”
Ông bật ra một tiếng cười. “Cô có biết ngạn ngữ Trung Quốc nói gì không? Cô có biết sự thật sâu xa về một cái lá dâu không? Sự kiên nhẫn sẽ biến lá dâu thành lụa. Chính cái lá dâu già ấy lại dệt nên lụa! Vấn đề là phải biết kiên nhẫn.”
“Không phải thế, là do con tằm nhả tơ chứ!” Tôi cãi lại.
Ông khép miệng lại và thở dài. “Thôi được. Cô có thấy tình bạn này đúng là không có tương lai không?”
“Nếu ông không gọi cho tôi như đã hứa thì không có thật. Ông phải giữ lời chứ!”
“Tôi không hứa gì cả.”
“Nhưng tôi làm việc buổi tối, làm sao tôi biết ông gọi hay không. Tôi không có máy trả lời tự động. Làm sao tôi biết được liệu có một tối nào đó ông gọi tôi và sau đó không bao giờ gọi nữa, nếu tôi lỡ cuộc gọi của ông, có phải là mọi chuyện sẽ hỏng hết không? Và rồi…” Tôi hơi lên giọng khiến một vài sinh viên đi qua nhìn chúng tôi vẻ hiếu kỳ.
“Để tôi yên. Cô nói đủ rồi đấy. Giờ thì để tôi một mình.” Ông nói và bỏ đi, để mình tôi đứng lại dưới gốc cây bạch quả.
“Giáo sư Sử,” tôi hét với theo. “Xin hãy làm ơn, tôi không muốn tỏ ra thô lỗ, tôi thật sự không muốn làm thế.”
Nhưng ông vẫn tiến về phía trước và chẳng mấy chốc biến mất sau hàng rào quanh co bụi bặm, lọt thỏm trong các lùm cây. Tôi đá vào hàng rào bên vệ đường rồi ôm mặt khóc.
Tôi trở về nhà như người mộng du, leo thẳng lên phòng, không dừng lại tán gẫu với hai chị em sinh đôi lúc này đang xem vô tuyến trong phòng khách, bỏ lại sau lưng những tiếng “ồ, à” châm chọc của hai cô nàng. Tôi đóng sập cửa phòng lại và đứng dựa lưng vào đó, mắt nhắm nghiền, tim đập thình thịch.
Khi bạn biết là bạn đã đúng về một điều gì đó, điều quan trọng là kiên nhẫn theo đuổi nó đến cùng.
Một lúc lâu sau, tôi mở mắt ra và đến bên chiếc giá vẽ dựng ở góc tường. Tôi pha màu, chuẩn bị bút vẽ và nước rồi mở tung cửa sổ. Trời bắt đầu tối, mùi thức ăn từ dưới phố bay lên thoang thoảng, Tokyo đã lên đèn. Thành phố trải dài về phía xa như một dải Ngân hà bé nhỏ. Tôi hình dung nó sẽ như thế nào khi được nhìn từ bên ngoài trái đất, những tòa nhà chọc trời sẽ trông như những ngọn núi còn phố phường sáng lấp lánh thì trông giống những dòng sông thủy ngân trong cung của Tần Thủy Hoàng.
Ai có thể hình dung được thành phố sẽ như thế này? Khi những đợt không kích kết thúc, khi chiếc máy bay oanh tạc cuối cùng của Mỹ khuất dạng sau Thái Bình Dương xanh thẳm, Tokyo gần như bị san bằng. Không ai còn nhận ra thành phố này nữa. Xe ôtô không thể lưu thông vì không ai biết cái gì đang chờ họ ở phía cuối đường. Ở những khu nhà ổ chuột ven sông, người ta đốt than tadon, mùi hôi nồng nặc, khói gồm bụi than và nhựa đường cuộn lại thành mây, phủ đen thành phố.
Lớp lụa che tường trong phòng tôi bị rách nham nhở ở phía dưới, nhưng đoạn từ thắt lưng trở xuống thì vẫn còn nguyên. Tôi nhúng cọ vào lớp sơn màu xanh côban và bắt đầu vẽ. Tôi vẽ những mái nhà bị bom đạn thiêu trụi với những thanh giằng khẳng khiu ám khói. Lửa bốc lên ngùn ngụt khắp nơi, phố phường tan hoang như những đống gạch vụn. Khi tôi vẽ, tâm hồn tôi phiêu diêu bay bổng. Khoảng bảy giờ hai chị em người Nga tới gõ cửa phòng hỏi tôi có đi làm không.
“Hay cô chỉ định ở đây? Giống như một con rận, hừm?”
Tôi mở cửa và nhìn họ, tay vẫn cầm cây cọ, mặt dính đầy màu vẽ.
“Ôi Chúa ơi! Cô không đi làm với bộ dạng thế này chứ?”
Tôi chớp mắt nhìn họ. Sau này, tôi mới nhận ra mình thật may mắn biết bao vì họ đã gõ cửa, nếu không tôi sẽ bỏ qua một trong những buổi tối quan trọng nhất của mình ở Tokyo.
Chương 14
史 Nam Kinh, ngày 12 tháng Mười một năm 1937 (ngày mùng mười tháng Mười âm lịch)
Thượng Hải thất thủ hồi tuần trước. Chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng với tin này. Đội quân tinh nhuệ nhất của tổng thống đang lãnh trách nhiệm phòng phủ thành phố của chúng tôi đông gấp mười lần quân Nhật thế mà không hiểu tại sao vẫn để Thượng Hải rơi vào tay người Nhật. Đường phố hoang vắng, tiêu điều, chỉ còn lại những bình xịt hơi cay rỗng của quân đội Nhật vứt chỏng chơ ngoài các rãnh nước và những con vật chết thối trong sở thú. Tin báo cho biết quân Nhật hiện đang tràn qua đồng bằng và một cuộc tấn công vào Nam Kinh là không thể tránh khỏi. Mười sư đoàn đang tiến về phía chúng tôi, cả bộ binh lẫn môtô và xe bọc thép. Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh họ đang hành quân, trèo đèo, lội suối với niềm tin không hề lay chuyển rằng chỉ cần chiếm được thủ đô Nam Kinh là sẽ nắm trong tay trái tim của người khổng lồ.
Nhưng đương nhiên chuyện đó sẽ không xảy ra. Tổng thống của chúng tôi sẽ không cho phép thành phố này bị tổn thương. Đúng là có cái gì đó đang thay đổi trong lòng các công dân của thành phố, một làn sóng niềm tin mới đang trỗi dậy. Khi tôi trên đường về nhà sau buổi lên lớp sáng nay (cả lớp học chỉ có bốn sinh viên), đám sương mù bấy lâu che phủ thành phố bỗng dưng tan biến, trời nắng trong như thể Thượng đế bỗng rủ lòng thương đối với Nam Kinh. Nhưng không thấy ai phơi quần áo như thường lệ mỗi khi nắng lên. Rồi tôi nhận thấy những phu quét đường mấy hôm nay không làm việc. Khắp nơi mọi người dọn nhà dọn cửa khuân vác đồ đạc để chất lên xe. Mất một lúc sau tôi mới hiểu chuyện gì đang xảy ra và tim tôi như chùng xuống. Mọi người đang di tản. Thành phố này đang ngừng thở. Tôi cảm thấy xấu hổ khi thấy ngay cả một số giảng viên đại học cũng có ý định bỏ thành phố. Hãy tưởng tượng mà xem! Hãy tưởng tượng đến sự thất tín đối với tổng thống, ngài sẽ nghĩ gì khi ngay cả những công dân như chúng tôi cũng tính đến chuyện chạy trốn.
Thu Kim thì lại có vẻ hân hoan trước tin Thượng Hải thất thủ. Nó chỉ chứng minh những gì cô ấy khẳng định từ trước đến nay về Quốc dân Đảng là hoàn toàn chính xác. Cô ấy cũng đang chuẩn bị sơ tán khỏi Nam Kinh. Khi tôi về tới nhà thì cô ấy đang chất đồ đạc vào một cái rương. “Mình đây rồi,” cô ấy nói. “Em chờ mình mãi. Bây giờ thì mình ra sân chuẩn bị xe kéo cho em.”
“Xe kéo?”
“Đúng, chúng ta đi thôi. Trở về Phồn Dương.” Cô ấy gấp một mảnh tã màu trắng lấy từ gói cui sheng của bà ngoại và đặt vào trong rương. Tôi thấy cô ấy dành nhiều chỗ nhất cho cái hộp đựng tiền làm bằng mai rùa mẹ tôi để lại, tôi nhớ rất rõ rằng bên trong hộp đựng những bức huyết thư ghi lại một số đoạn trích trong Kinh Dịch được gói trong một tấm vải. Mẹ tôi đã đặt hết lòng tin vào những chữ này nhưng nó cũng không cứu được bà. “Đừng lo, em đã kiểm tra lịch rồi, hôm nay là ngày rất tốt cho việc xuất hành.” Thu Kim nói.
“Xem này, không việc gì phải vội vàng thế…” Tôi lên tiếng.
“Không ư? Em nghĩ là có đấy. Đi theo em nào,” cô ấy ngồi dậy, ra hiệu cho tôi tới bên cửa sổ và chỉ lên núi Tử Kim về phía lăng Trung Sơn. “Đằng kia kìa. Phía Tử Kim ấy.” Lúc này trời bắt đầu tối, trăng đã lên vàng ửng phía sau núi.
“Thì làm sao?”
“Trùng Minh, mình hãy nghe em,” Thu Kim hạ thấp giọng, vẻ rất nghiêm trọng. “Đêm qua em mơ thấy Tử Kim bốc cháy.”
“Thu Kim, thật vớ vẩn…”
“Không,” cô ấy nói một cách dữ dội. “Không vớ vẩn chút nào. Thật đấy! Trong mơ em thấy núi Tử Kim bốc cháy và khi em nhìn thấy thế em đã biết. Em biết ngay lập tức rằng Nam Kinh sắp gặp thảm họa.”
“Thu Kim, làm ơn…”
“Một thảm họa chưa từng có, còn hơn cả đợt nổi loạn của những người Thiên Chúa giáo.”
“Thật ư, có phải mình định nói mình cũng thông thái như mấy ông thầy bói mù ngoài chợ không, mấy kẻ khoác lác, chuyên dùng dịch gì đó ở mắt chó để bôi vào mí mắt ấy nhỉ, tôi không nhớ nữa. Mình định làm thầy bói ư? Thôi chấm dứt chuyện vớ vẩn này đi, mình không thể tiên đoán tương lai.”
Nhưng cô ấy không hề lay chuyển. Cô ấy đứng cạnh tôi mắt vẫn không rời núi Tử Kim. “Có đấy, mình có thể,” cô ấy thì thầm. “Mình có thể tiên đoán được tương lai. Tương lai là một cái cửa sổ đang mở.” Cô ấy đặt hờ tay lên cánh cửa chớp. “Như cái cửa sổ này chẳng hạn. Đoán tương lai thật dễ, vì tương lai chính là quá khứ. Tất cả mọi thứ trên đời này đều luân hồi và em đã nhìn thấy chính xác những gì sẽ xảy ra.” Cô ấy dừng lại quay sang nhìn tôi với đôi mắt màu vàng như thể cô ấy đang nhìn thấu ruột gan tôi. “Nếu ở lại Nam Kinh, chúng ta sẽ chết. Mình cũng biết thế. Em có thể đọc được điều đó trong mắt mình – mình biết rõ điều đó. Mình cũng biết ông tổng thống quý báu của mình không đủ mạnh để cứu chúng ta. Trong tay ông ta, Nam Kinh không có một cơ hội sống sót nào.”