Chương 11
Hai chị em người Nga bảo không có gì đáng ngạc nhiên khi Jason có nói đùa mấy câu về mụ Y Tá. Họ cho rằng anh ta là một kẻ lập dị. Phòng anh ta dán đầy những bức ảnh kinh hoàng và anh ta thường xuyên đặt mua các tạp chí đặc biệt từ Thái Lan, rồi thỉnh thoảng trong nhà lại bị mất trộm những thứ lặt vặt, không đáng giá nhưng kỳ quái, như gấu chiến đồ chơi của Irina làm bằng da thật, một chiếc găng tay bằng lông sói hay bức ảnh ông bà của hai cô gái. Theo họ, có lẽ anh ta là một người tôn thờ quỷ dữ. “Anh ta toàn xem những thứ bệnh hoạn, khiến cô muốn ói luôn, băng video của anh ta toàn thấy chết chóc.”
Đó là những cuộn băng bày đầy trong các cửa hàng thuê băng ở đường Waseda với những tựa đề dường như thấm đẫm những giọt máu kinh hoàng: Đối mặt tử thần, Nhà xác điên rồ, Phim tài liệu về khám nghiệm tử thi. Những vỏ băng khoa trương, và bạn sẽ cho rằng tất cả đều là phim sex nếu chứng kiến đám đông thanh niên có vẻ như luôn chầu chực ở trong góc của cửa hàng. Tôi chưa tận mắt nhìn thấy những băng hình này nên không biết hai chị em có nói thật hay không nhưng những bức ảnh của Jason thì tôi biết.
“Tôi đã ở châu Á được hơn bốn năm,” anh ta nói với tôi. “Cô cứ việc chụp Taj Mahal và Angkor Wat. Tôi đang muốn tìm kiếm một cái gì đó…” Anh ta dừng lại, xoa xoa các ngón tay với nhau như thể đang cố gắng nặn ra ngôn ngữ từ không khí, “… Tôi đang tìm kiếm một cái gì đó, một cái gì đó khác biệt hơn.” Một hôm, tôi tình cờ đi ngang qua phòng anh ta khi cửa để mở và không có ai ở trong phòng. Tôi không thể cưỡng lại được, tôi phải bước vào trong.
Tôi nhìn thấy những gì mà hai chị em người Nga kể. Khắp tường găm đầy những tranh ảnh rùng rợn: chỗ này là hình ảnh một người đàn ông tàn tật, đáng thương, trần truồng trừ một vòng hoa cúc vạn thọ, ngồi ủ rũ trên bờ sông mà tôi đoán là sông Hằng; chỗ kia là những chàng trai trẻ tuổi người Philippin bị đóng đinh thập tự và những đàn kền kền đang rỉa xác người trên Tháp Yên lặng trong một đám tang của tín đồ Hỏa Giáo. Vì tôi từng học một ít tiếng Tây Tạng ở trường đại học nên tôi cũng dễ dàng nhận ra bức ảnh chụp một cây bách xù đang cháy âm ỉ với những lá cờ phướn cầu nguyện tung bay trên một nghĩa địa thiên táng ở ngoại ô Lhasa. Nhưng, khi tôi ngắm bức ảnh chụp một hình dạng mơ hồ, mờ mịt khói trắng trên chiếc bệ, được chú thích bằng một dòng nguệch ngoạc Giàn thiêu Varanasi, thì tôi chợt nhận thấy cả căn phòng này toát lên một vẻ đẹp kỳ lạ, vẻ đẹp của sự hiếu kỳ. Tôi lẻn ra ngoài không một tiếng động và cho rằng hai chị em người Nga đã sai. Jason không phải là một người bệnh hoạn, anh ta là một người rất độc đáo.
Anh ta là phục vụ bàn ở hộp đêm nhưng cả tuần tôi không thấy anh ta bê một cái khay nào. Anh ta thỉnh thoảng dừng lại ở các bàn và tán chuyện với khách như thể anh ta là chủ ở chỗ này chứ không phải Strawberry. “Anh ta là bồi bàn nhưng chẳng làm cái quái gì cả. Anh ta không cần phải làm việc vì Mama Strawberry khoái anh ta,” Irina lầm bầm. Có vẻ như bà ta bị lôi cuốn bởi sự quyến rũ của một người phục vụ bàn ngoại quốc. Phải nhắc đến vẻ ngoài của anh ta nữa. Mỗi lần anh ta đi ngang qua là các nữ tiếp viên người Nhật lại cười khúc khích, mặt đỏ bừng. Anh ta thường ngồi bên bàn của Strawberry, nhấm nháp rượu champagne, áo vét không cài khuy để khoe cơ thể, còn Mama Strawberry thì mỉm cười một cách ngớ ngẩn, đưa tay sửa lại váy sống, thỉnh thoảng lại tựa lưng vào ghế và đưa tay vuốt ve cơ thể mình.
Jason cũng chẳng mấy khi ở nhà và hiếm khi anh ta ra ngoài mà để cửa mở toang thế này. Thường thì anh ta khóa cửa rồi đi từ rất sớm khi cả ba chúng tôi còn đang ngủ hay anh ta đón taxi đi từ đêm trước rồi đến thẳng chỗ làm vào ngày hôm sau. Có thể anh ta lại đi lang thang ngoài công viên để tìm kiếm các phụ nữ ngủ trên ghế đá. Khắp nhà đều có dấu ấn của anh ta, từ đôi giày da đanh vứt lăn lóc ở chân cầu thang, những vệt kem cạo râu mùi chanh, khô cứng trong buồng tắm, những tấm danh thiếp màu hồng với những cái tên con gái như Yuko và Moe để trong bếp.
Tôi cố giả vờ không quan tâm tới tất cả những chuyện đó nhưng tự đáy lòng, tôi hoàn toàn bị Jason mê hoặc.
Tôi mua một quyển nhật ký ở Kiddyland, một cửa hàng dành cho con gái ở Omotesando. Đó là một quyển nhật ký màu hồng có bìa bằng nhựa trong với một lớp gel lóng lánh trôi lên trôi xuống. Tôi rất thích giơ nó lên cửa sổ nhìn ánh mặt trời chiếu vào các hạt lóng lánh bên trong. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại dán một mảnh giấy dính màu kem vào quyển nhật ký để đánh dấu. Đôi khi tôi đi tàu tới Hongo và ngồi một mình trong quán cà phê Bambi, ngắm mặt trời đùa giỡn trên cánh cổng Akamon của trường đại học và quan sát đám sinh viên ra vào. Nhưng tôi không hề thấy Sử Trùng Minh. Chỉ còn năm ngày nữa, rồi bốn ngày, ba ngày, và cuối cùng là hai ngày. Ông bảo một tuần, có nghĩa là Chủ nhật. Nhưng Chủ nhật ông cũng không thèm gọi điện cho tôi.
Tôi không thể tin được. Ông ta đã nuốt lời. Tôi đợi cả ngày, ngồi trên ghế sofa trong phòng khách với đống sách vở bừa bãi xung quanh. Tôi không rời mắt khỏi chiếc điện thoại. Nhưng mỗi lần nó đổ chuông thì y như rằng có ai đó hỏi Jason. Tôi vồ lấy ống nghe và đó là một cô gái Nhật Bản thở dài vẻ không tin khi nghe tôi nói anh ta không có nhà. Ngày Chủ nhật hôm đó tôi nhận hộ anh ta tổng cộng năm tin nhắn từ năm cô gái khác nhau. Phần lớn trong số họ nói năng nhẹ nhàng, nhưng cũng có người tỏ ra rất thô lỗ. Một cô gái thở hắt ra khi nghe tôi trả lời điện thoại, hét vào tai tôi bằng một thứ tiếng Nhật the thé: “Mày là đứa quái nào đấy? Sao mày lại trả lời điện thoại? Bảo Jason ra nghe điện. NGAY LẬP TỨC.”
Tôi ghi lại tên của họ rồi vẽ nguệch ngoạc khuôn mặt họ ở bên cạnh theo trí tưởng tượng của mình. Vẽ chán rồi thì lại ngồi chống cằm nhìn chiếc điện thoại cả ngày không hề reo cho tôi lấy một lần.
Chương 12
史 Nam Kinh, mùng một tháng Chín năm 1937
Rắc rối đến từ phía Đông. Đúng như tôi nghĩ. Lính Nhật đã vào đến Thượng Hải và đang đánh chiếm từng góc phố. Liệu có thể chính quân Nhật chứ không phải Cộng sản mới là mối đe dọa lớn nhất đối với chúng tôi? Liệu có thể Cộng sản đã đúng khi ép buộc Tưởng chấp nhận một liên minh quân sự? Phổ Nghi, con rối trong tay người Nhật, đã ngự trên chiếc ngai vàng vay mượn ở Mãn Châu từ sáu năm nay, không phải là lỗi của tổng thống, và năm năm trước, Nhật Bản đã ném bom vào Thượng Hải. Nhưng không ai nói gì về sự an toàn của chúng tôi ở Nam Kinh. Cho tới tận bây giờ. Bây giờ, và chỉ bây giờ, những người dân như chúng tôi mới bắt đầu nghĩ cách bảo vệ mình. Tôi dành cả buổi sáng ngày hôm đó quét sơn đen lên mái nhà để ngụy trang vì chúng tôi đã được cảnh báo trước là máy bay ném bom của quân Nhật có thể sẽ xuất hiện vào một ngày nào đó từ phía sau núi Tử Kim khi mặt trời lên.
Quãng mười giờ, khi mới sơn xong nửa mái nhà thì đột nhiên, có gì đó khiến tôi dừng lại. Tôi không biết liệu đó là một tiếng động hay một linh cảm chẳng lành, nhưng nó đã khiến tôi dừng tay và nhìn về phía Đông. Tôi thấy khoảng hai chục người đàn ông khác cũng như tôi, đang bắc thang sơn mái nhà, sau lưng họ là chân trời bát ngát và những mái nhà đang sơn dở. Và xa hơn nữa là, chân trời đang rộng mở. Là núi Tử Kim. Phía Đông màu đỏ.
Thu Kim luôn nói rằng tương lai của Nam Kinh có gì đó rất xấu. Cô ấy cứ nhắc đi nhắc lại điều đó như một nhà tiên tri bi quan. Cô ấy bảo rằng ngay khi bước chân xuống tàu một năm về trước, cô ấy đã biết là mình sẽ bị trói chặt vào Nam Kinh; rằng sức nặng của bầu trời Nam Kinh đã đổ sập lên người cô ấy, còn không khí đã làm viêm nhiễm phổi của cô ấy và tương lai u ám của thành phố này thì đè nặng lên vai khiến cô ấy phải cố gắng lắm mới đứng vững được. Ngay cả đoàn tàu vừa mang cô ấy đến đây cũng không giúp cô ấy thoát được chúng. Lúc đó, đứng trên sân ga, nhìn lên dãy núi tối sầm trước mặt như một cái cũi khổng lồ trên mặt đất, cô ấy biết đây sẽ là một nơi vô cùng nguy hiểm. Những ngọn núi hiểm độc này sẽ giam giữ cô ấy lại giữa móng vuốt của chúng, đoàn tàu sẽ ngừng chạy khi cô ấy đã ở đây. Và rồi Nam Kinh sẽ có được cô ấy, sẽ dùng luồng tà khí đầy axit dần dần nuốt chửng cô ấy.
Tôi đoán là hôm đó trên đường tôi đón cô ấy từ hồ Phồn Dương về Nam Kinh, đã có chuyện gì hệ trọng xảy ra với Thu Kim, vì tôi nhớ đến một thứ màu sắc sặc sỡ đã xuất hiện trong cuộc hành trình. Một chiếc ô màu hồng thắm. Một cô gái chăn dê đang đứng chờ con dê trong đống lúa. Khi con vật bướng bỉnh dừng lại, cô gái miễn cưỡng kéo mạnh dây thừng, mong muốn được sao nhãng công việc hơn là kéo con vật tiến về phía mình. Chúng tôi đang dừng lại nghỉ ở đâu đó phía Nam Vu Hồ, và mọi người trên tàu đều dừng mọi công việc lại quay sang nhìn cô gái. Cuối cùng thì con dê cũng chịu bước đi theo chủ, cả hai chẳng mấy chốc mất hút phía chân trời. Hành khách trên tàu quay trở lại chơi bài hay tán chuyện nhưng Thu Kim thì vẫn ngồi bất động nhìn vào chỗ cô gái và con dê lúc trước.
“Mình nhìn gì vậy?” Tôi nghiêng người thì thầm với cô ấy.
“Em nhìn gì cơ?” Có vẻ như câu hỏi đã làm cô ấy bất ngờ. “Em nhìn gì cơ?” Cô ấy nhắc lại vài lần, tay để trên cửa sổ, mắt vẫn dán chặt vào khoảng không gian trống vắng mà cô gái vừa rời khỏi. “Em nhìn gì cơ?”
Chỉ nhiều tháng sau đó, tôi mới biết chính xác là lúc ấy Thu Kim đã nhìn thấy gì. Khi ngắm cô gái dưới chiếc ô màu hồng thắm, Thu Kim như tìm thấy chính bản thân mình. Cô ấy đang nói lời từ biệt. Từ biệt cô gái quê mùa trong lòng cô ấy. Khi mới đến Nam Kinh, chúng tôi vẫn thấp thoáng thấy bóng dáng của cô gái ấy ở Thu Kim, cái đầu gối hơi nhăn, cánh tay rám nắng, cách phát âm Giang Tây đều đều, cứng nhắc khiến dân Nam Kinh phải phì cười. Nhưng cuối cùng, một người phụ nữ mới đã xuất hiện, dần dần thay thế cô gái quê đó, người phụ nữ đã miễn cưỡng đến với Nam Kinh, thành phố khổng lồ mà cô ấy tin rằng sẽ không bao giờ cho cô ấy được tự do.