Tất nhiên là tôi phản đối cuộc hôn nhân này và sẽ không bao giờ chấp nhận nó nếu mẹ tôi không đột ngột lâm bệnh. Trước sự giận dữ và tuyệt vọng của tôi, ngay cả khi bệnh tình đã đến mức trầm trọng bà vẫn không muốn từ bỏ tín ngưỡng của mình và nhất định không chịu tin vào các phương pháp chữa bệnh theo khoa học. Thay vì đi đến các bệnh viện hiện đại trên thành phố Nam Kinh để chữa trị như tôi thiết tha đề nghị, bà đặt hết niềm tin vào các lang băm ở quê, những người chỉ suốt ngày kiểm tra lưỡi của bà rồi tuyên bố: “Quá nhiều âm khí, đúng là bê bối khi bác sĩ Nguyên không phát hiện ra trước đó.” Bất chấp những chuẩn đoán, thuốc thang và dược liệu do họ bào chế, sức khỏe mẹ tôi ngày càng yếu dần.
“Chỉ tại sự mê tín của mẹ. Mẹ có biết là mẹ đã làm con đau lòng thế nào khi không chịu tới Nam Kinh khám bệnh không?” Tôi nói với mẹ bên giường bệnh của bà.
“Nghe này,” bà đặt tay lên tay tôi. Tay mẹ đen đủi, già nua, nhăn nheo vì tuổi tác. Tôi vẫn nhớ rõ lúc đó tôi nhìn xuống bàn tay mẹ đặt trên chiếc măng sét của bộ áo vét phương Tây tôi đang mặc và tự hỏi, đây chính là máu thịt đã sinh ra tôi ư? Đúng như vậy ư? “Nghe này, con vẫn có thể làm cho mẹ mãn nguyện!”
“Mãn nguyện?”
“Đúng.” Đôi mắt mẹ tôi bừng sáng, xúc động. “Hãy làm cho mẹ được thỏa nguyện. Hãy cưới con gái ông Vương đi.”
Thế là tôi đầu hàng. Quyền lực của các bà mẹ mới khủng khiếp làm sao! Ngay đến ngài Tưởng Giới Thạch vĩ đại cũng chịu nhiều ảnh hưởng của thân mẫu, thậm chí để chiều lòng mẹ, chính ông cũng phải chấp nhận một cuộc hôn nhân sắp đặt. Tôi cứ dằn vặt bản thân mãi về cuộc hôn nhân trái dấu này, giữa một cô gái quê lúc nào cũng kè kè quyển lịch vạn niên và tính toán mọi thứ theo âm lịch với một kẻ duy lý, lúc nào cũng chỉ tin vào logic và chúi mũi vào các quyển từ điển nước ngoài như tôi. Tôi rất lo lắng, không hiểu các đồng nghiệp sẽ nghĩ thế nào về mình, vì như phần lớn trong số họ, tôi là một người tận tụy với chế độ cộng hòa, một kẻ ngưỡng mộ những tư tưởng tiến bộ của Quốc dân Đảng và hết lòng ủng hộ Tưởng Giới Thạch, một kẻ hoài nghi các hủ tục mê tín dị đoan và tất cả những gì đã làm cho Trung Quốc trở nên lạc hậu suốt bấy lâu nay. Khi đám cưới được tổ chức tại quê nhà, tôi đã không thông báo cho ai. Không một đồng nghiệp nào phải chứng kiến cái đám cưới dài lê thê, không ai chứng kiến tôi phải chịu đựng một loạt các nghi lễ đáng xấu hổ như đối đáp với đám phù dâu trước cửa phòng, đi đứng thì phải tránh các cửa sổ và giếng nước, rồi đốt pháo đì đùng, khiến đám đông bầu đoàn thê tử đi rước dâu thỉnh thoảng nhảy dựng lên như một lũ thỏ cáy.
Nhưng gia đình tôi lại rất hài lòng và tôi được coi như một người hùng. Không lâu sau đó, có lẽ cảm thấy đã được giải phóng khỏi nghĩa vụ nơi trần thế, mẹ tôi qua đời. Theo lời các chị em trong nhà, mẹ ra đi “với một nụ cười hết sức mãn nguyện”. Thu Kim để tang mẹ đúng như một người con dâu có hiếu. Cô quỳ gối và rắc bột tan lên sàn nhà: “Chúng ta làm thế để giữ lại dấu chân của mẹ khi hồn ma của bà về thăm nhà.”
“Xin mình đừng nói năng kiểu ấy,” tôi sốt ruột nói. “Chính những tín ngưỡng quê mùa này đã giết mẹ. Nếu mẹ nghe theo những lời dạy bảo của tổng thống…”
“Hừm,” Thu Kim nói, đứng dậy và phủi tay. “Cảm ơn, em nghe quá đủ về ông tổng thống quý báu của mình rồi. Tất cả những thứ vớ vẩn về Cuộc sống mới. Mình hãy thử nói xem. Cuộc sống mới tươi đẹp mà ông ta rao giảng có phải chính là sự luân hồi kiếp trước của chúng ta hay không?”
Ngay trong giai đoạn để tang mẹ, tôi bắt đầu nhận thấy một sự thay đổi trong suy nghĩ của mình về Thu Kim, về người vợ rắc rối, luôn làm tôi bực mình nhưng lại có cái gì đó vô cùng hấp dẫn và quyến rũ. Tôi dùng từ quyến rũ vì kỳ lạ thay, một cách bất ngờ và không thể tin nổi, bất chấp tất cả, bất chấp sự quê mùa lạc hậu của Thu Kim, sự mất kiên nhẫn của tôi đối với cô ấy, Thu Kim đã xáo động cái gì đó trong tôi.
Sự thừa nhận này làm tôi ngượng ngùng. Tôi không thể hé răng tâm sự nửa lời với bất cứ ai, nhất là các đồng nghiệp của tôi, những người sẽ dùng khoa học để mổ xẻ và chế giễu không thương tiếc các tín ngưỡng của cô ấy. Cô ấy thậm chí không thể gọi là xinh, ít ra là theo nghĩa thông thường của từ này. Nhưng đôi khi tôi vẫn cảm thấy mình bị lạc trong đôi mắt cô ấy. Mắt cô ấy có màu nhạt hơn so với các phụ nữ khác và tôi đặc biệt chú ý đến điều này mỗi khi cô ấy chăm chú nghiên cứu một cái gì đó, vì khi đó, hai đồng tử dường như dãn ra, to hơn một cách khác thường và tràn ngập một thứ ánh sáng kỳ lạ giống như những tia vằn trên lưng hổ. Ngay cả con cóc xấu xí cũng mơ được chén thịt thiên nga xinh đẹp và tôi, một con cóc xấu xí, da bọc xương và cụt đuôi, hôm nào cũng mơ về Thu Kim. Cô ấy chính là điểm yếu của tôi.
史 Nam Kinh, mùng năm tháng Ba năm 1937 (ngày hai mươi ba tháng Giêng theo lịch của Thu Kim)
Căn nhà chúng tôi ở tuy bé nhưng được xây dựng theo một phong cách rất hiện đại. Nó là một trong những ngôi nhà hai tầng quét vôi trắng nằm ở phía Bắc đoạn giao nhau giữa đường Trung Sơn và đường Trung Ương, cổng trước dẫn vào một khoảng sân nhỏ có tường bao, nối với một con đường rải nhựa; ở cổng sau, đi qua căn bếp, là một mảnh đất rậm rạp cây gỗ tếch, cây lựu và một giếng nước không dùng đến, nước đọng lại thành vũng vào mùa hè. Chúng tôi không dùng nước giếng vì có nước máy. Đây quả thực là một tiện nghi vì ở Nam Kinh lúc bấy giờ vẫn còn nhiều người phải sống trong các túp lều dựng tạm bằng ván gỗ và lốp xe. Chúng tôi không chỉ có nước mà còn có cả điện, mỗi phòng có một bóng đèn điện và giấy dán tường trong phòng ngủ là hàng ngoại nhập. Ngôi nhà này khiến Thu Kim trở thành nỗi ghen tị của hàng xóm láng giềng, thế nhưng cô ấy vẫn soi mói khắp nhà với con mắt của thợ săn để tìm ra những kẽ hở mà ma quỷ có thể ẩn nấp. Bây giờ phòng nào trong nhà cũng có một bàn thờ thổ công với giẻ lau và bàn chải để riêng tiện cho việc lau chùi, một bức tường chắn ma được dựng lên ở cổng trước và những tấm gương chiếu yêu màu xanh được treo đối diện cửa phòng. Một tấm thẻ bằng cao lanh treo ở đầu giường để giúp chúng tôi sinh được quý tử và vô số tấm bùa nhỏ màu vàng treo ở các cửa sổ và cửa ra vào, thậm chí trên cả các cành cây ngoài vườn.
“Có thật là mình không thấy chính những hành vi kiểu này đã làm đất nước chúng ta tụt hậu?” Tôi hỏi Thu Kim.
Nhưng cô ấy không có chút khái niệm gì về xây dựng tổ quốc hay tiến lên phía trước. Cô ấy sợ những gì mới lạ. Cô ấy vẫn mặc quần với áo sườn xám và cho rằng những cô gái Thượng Hải mặc váy ngắn và đi tất chân là không thể chấp nhận được. Thu Kim cứ lo tôi không yêu cô ấy vì cô không bó chân và xoay xở mua được một đôi giày vải mũi nhọn, thêu hoa kiểu Mãn Châu để trông giống như chân đã được bó từ nhỏ. Thỉnh thoảng cô ấy ngồi trên giường nhìn hai bàn chân rồi nắn bóp, vặn vẹo các ngón chân như thể đôi bàn chân tự nhiên không bị bó buộc làm cô ấy xấu hổ.
“Sử Trùng Minh, mình có chắc chân như thế này là đẹp không?”
“Đừng nói vớ vẩn, dĩ nhiên là đẹp.”
Đêm trước, khi tôi đang bôi dầu lên tóc, thay pyjama chuẩn bị vào giường thì cô ấy lại hỏi. “Mình chắc chứ, hoàn toàn chắc chắn chứ?”
Tôi thở dài, ngồi xuống chiếc ghế con, mở tủ lôi ra chiếc kéo có cán bằng ngà voi để cắt móng tay. “Chân mà bị bẻ thì có gì đẹp.”
“Ôi!” Thu Kim thở hổn hển sau lưng tôi… “Ôi, không!”
“Lại gì nữa đây?” Tôi ngừng tay và quay lại.
Cô ấy đang ngồi như trời trồng trên giường, trông rất lo lắng, hai má đỏ tấy. “Gì nữa, mình chứ còn gì. Mình có biết là mình đang làm gì không?”
Tôi nhìn xuống tay. “Thì đang cắt móng tay.”
“Nhưng,” cô ấy đưa tay ôm mặt, kinh hoàng, “Trùng Minh, trời tối rồi. Mình không để ý hay sao? Chả nhẽ mẹ không dạy mình à?”
Lúc này tôi mới nhớ ra ngày xưa mẹ bảo cắt móng tay vào buổi tối là rước ma quỷ vào nhà. “Thu Kim này, tôi thấy mình bắt đầu hơi quá rồi đấy!” Tôi bắt đầu hơi lên giọng.
“Không được, chả lẽ mình muốn mang điêu tàn và chết chóc vào cái nhà này hay sao?” Cô ấy cãi lại, mặt trắng bệch.
Tôi nhìn cô ấy một lúc lâu, không biết có nên cười hay không. Cuói cùng tôi quyết định không nên chọc giận cô ấy và cất chiếc kéo vào hộp, miệng chỉ lầu bầu: “Ngay cả trong nhà mình cũng không được tự do.”
Chỉ đến nửa đêm khi cô ấy đang ngủ say còn tôi thao thức nhìn trần nhà thì những lời nói của cô ấy lại vang lên trong đầu tôi. Điêu tàn và chết chóc. Điêu tàn và chết chóc, những thứ chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, tôi cũng băn khoăn về những tháng ngày yên ổn mà hai vợ chồng tôi tối ngày tranh cãi một cách vui vẻ dưới bầu trời Nam Kinh u uất. Chúng có yên ổn quá không? Có mơ mộng quá không? Rồi tôi băn khoăn, tại sao, hình ảnh mặt trời mọc hồi tuần trước cứ quay trở lại ám ảnh tôi từng giờ?