Tôi được kín đáo triệu tập cùng hai chị em sinh đôi và ba nữ tiếp viên người Nhật, được phân công đến một chiếc bàn bên cạnh cửa sổ lớn, nhẹ nhàng đặt tay lên lưng ghế, chờ những vị khách mới vượt qua sàn nhà lát gỗ bóng loáng. Tôi bắt chước những người khác, ước gì mình có thể kéo chiếc váy xuống thêm chút nữa. Một nhóm phục vụ bàn không biết từ đâu chui ra hối hả bày lên bàn một chân nến bằng bạc, mấy chồng khăn vải trắng tinh và những chiếc ly sáng choang, kết thúc công việc đúng lúc các vị khách bước đến, ngồi xuống kéo ghế và cởi khuy áo vét.
“Irasshaimase,” các cô gái Nhật nói, cúi chào rồi ngồi xuống ghế, cầm chiếc khăn ấm được đặt trong đĩa tre bày trên bàn.
Tôi cũng bắt chước và lí nhí nói: “Chào mừng quý khách.”
Một chai champagne và vài chai Scotch được mang tới. Tôi ngồi xuống ghế và quan sát mọi người xem phải làm gì tiếp theo. Các cô gái bóc bao nylon bọc chiếc khăn ấm, đặt chúng vào những đôi tay đang ngóng đợi của khách. Tôi làm theo và đặt một chiếc khăn vào tay người đàn ông ngồi bên trái mình. Ông ta không để ý đến tôi. Ông ta cầm lấy chiếc khăn lau tay rồi vứt nó xuống bàn ngay trước mặt tôi và quay sang nói chuyện với cô gái ở bên cạnh. Các quy tắc ở đây rất rõ ràng, công việc của tôi là phải châm thuốc, rót rượu, đút thức ăn vào miệng khách và làm cho họ vui vẻ. Không lên giường với khách. Chỉ chuyện trò và tán dương họ. Các cô gái mới đến đều phải đọc những quy định ghi trên một tấm card mỏng. “Tốt nhất là nói chuyện gì buồn cười,” Mama Strawberry trước đó đã dặn tôi. “Khách hàng của Strawberry muốn được thư giãn.”
“Hallo,” Svetlana nói và chen vào ngồi giữa, nghiêng bên này, ngả bên kia như con gà mái đi tìm trống khiến mọi người đều phải nhường chỗ. Cô cầm một chiếc ly ở giữa bàn và gõ lạch cạch vào chai rượu. “Shampansky, cưng này. Ngon tuyệt!” Cô trút hết rượu trong chai vào bốn chiếc ly, rồi khua khua chai không lên trên đầu, ra hiệu cho phục vụ bàn mang ra thêm.
Cánh đàn ông có vẻ thích hai chị em sinh đôi, họ cổ vũ các cô hát những câu chắc hẳn học được trên vô tuyến hay đài báo vì tôi không biết những giai điệu đó: “Gấp đôi khoái lạc, gấp đôi thích thú… Hãy trao cho em một chút HƯNG PHẤN đó. Hãy đến và dành cho anh MỘT CHÚT!” Tất cả mọi người cười phá lên vỗ tay tán thưởng, và cuộc chuyện trò lại nổ ra trong một thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Nhật và tiếng Anh bồi. Hai chị em sinh đôi say rất nhanh. Màu mắt của Svetlana chảy lem nhem, còn Irina thì cứ lanh chanh châm thuốc cho khách bằng một chiếc bật lửa dùng một lần của Hàng không Thái, thỉnh thoảng lại đổ ập xuống bàn làm vãi tung tóe đám đồ nhậu bằng tảo biển và mực khô. Mỗi khi có ai pha trò thì cô lại cười ré lên và nói giọng líu nhíu, “Đừng làm tôi cười nữa, cười nữa là nổ tung mất!”
Tôi chỉ ngồi im lặng, không lôi kéo sự chú ý của mọi người về phía mình, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, như tôi đã làm việc này hàng nghìn lần và không thèm để tâm đến việc chẳng có ai bắt chuyện với tôi hay việc tôi không biết pha trò, không biết các bài hát. Đến khoảng chín giờ, khi tôi vừa nghĩ là mình có thể ngồi im lặng suốt buổi và có lẽ người ta đã quên mất sự tồn tại của tôi thì ai đó chợt lên tiếng: “Thế còn cô thì sao?”
Cả bàn chợt im lặng. Tôi ngẩng đầu lên và thấy tất cả mọi người đều ngừng nói và quay sang nhìn tôi với vẻ tò mò. “Thế còn cô thì sao, cô đang nghĩ gì thế?” Ai đó lại hỏi.
Tôi đang nghĩ gì? Tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi đang nghĩ mông lung, đang tự hỏi liệu trong số những người đàn ông này, có ai có cha chú từng tham chiến ở Trung Quốc? Liệu họ có khái niệm gì về cuộc sống hôm nay của họ đã được xây dựng trên một nền tảng như thế nào? Tôi cố tưởng tượng ra khuôn mặt họ trong những bộ quân phục của quân đội Thiên hoàng, đứng trên đường phố Nam Kinh tuyết trắng, một người trong số họ đang giơ cao lưỡi kiếm katana sáng loáng…
“Cô thì sao?”
“Tôi thì sao?”
Họ đưa mắt nhìn nhau như không tin vào câu trả lời xấc xược của tôi. Ai đó đá vào chân tôi dưới gầm bàn. Tôi nhìn lên và thấy Irina đang nhăn mặt với tôi, gật gật đầu chỉ về phía ngực tôi rồi dùng hai tay xốc ngực của cô ấy lên, vai ngả ra đằng sau. “Ngồi thẳng lên,” cô thì thầm. “Ưỡn ngực ra.”
Tôi quay sang người đàn ông ngồi bên cạnh, hít thở thật sâu rồi nói ngay ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu. “Cha ông có từng tham chiến ở Trung Quốc không?”
Vẻ mặt của ông ta đột nhiên thay đổi. Ai đó hít một hơi rõ sâu. Các cô gái quanh bàn nhíu mày, còn Irina thì đặt kịch ly rượu của mình xuống bàn. Người đàn ông ngồi cạnh rõ ràng đang suy nghĩ về câu hỏi của tôi. Cuối cùng ông ta lấy hơi và lên tiếng: “Một câu hỏi kỳ lạ, sao cô lại hỏi thế?”
“Bởi vì, tôi đã nghiên cứu giai đoạn lịch sử này suốt chín năm, bảy tháng và mười chín ngày,” tôi nói lí nhí, tim thót lại.
Ông ta lại im lặng nhìn tôi như cố gắng đọc được những suy nghĩ trong đầu tôi. Xung quanh bàn, tất cả mọi người dường như đang nín thở: tất cả ngồi nghiêng về phía trước, dán người vào mép ghế, chờ câu trả lời của ông ta. Ông ta im lặng rất lâu rồi châm một điếu thuốc, nhưng chỉ rít vài hơi rồi dụi vào gạt tàn.
“Bố tôi đã từng ở Trung Quốc,” ông nói với một vẻ hết sức nghiêm trang. “Ở Mãn Châu. Nhưng ông không bao giờ hé răng về bất cứ chuyện gì đã xảy ra ở đó.” Khói từ điếu thuốc lá ông đang hút bay lên trần nhà thành một dòng dài không đứt gẫy, trông hệt như một ngón tay màu trắng. “Tất cả những gì liên quan đến giai đoạn này trong sách giáo khoa của chúng tôi đều bị bỏ đi. Tôi nhớ cả lớp phải soi những trang sách này dưới đèn cho thầy cô thấy là chúng tôi không thể đọc được những chữ đã bị tẩy trắng. Có lẽ,” ông nói, không nhìn vào một ai mà bật những từ ngữ cho bay thẳng vào không khí, “cô sẽ kể cho tôi về những gì đã xảy ra.”
Tôi ngồi miệng há hốc, choáng váng vì những gì ông ta vừa nói. Mãi một lúc sau tôi mới nhận ra rằng ông không hề giận dữ, và tôi lấy lại được thần sắc. Tôi vươn người ra phía trước đầy phấn khích. “Tất nhiên rồi, tôi sẽ nói cho ông bất cứ điều gì ông muốn, bất cứ chuyện gì…” Tôi nói, cảm thấy câu chữ dồn lên trong cổ họng, sẵn sàng tuôn ra bất cứ lúc nào. Tôi vén tóc ra sau tai và đặt tay lên bàn. “Tôi nghĩ, phần quan trọng nhất là những gì xảy ra ở Nam Kinh. Không. Thật ra không phải là chính những gì đã xảy ra ở Nam Kinh, mà – hãy để tôi… để tôi diễn đạt theo một cách khác. Đúng hơn là khi quân đội Thiên hoàng hành quân từ Thượng Hải tới Nam Kinh. Không ai có thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra, tại sao những người lính bắt đầu thay đổi…”
Tôi bắt đầu nói, suốt buổi tối, về Mãn Châu, Thượng Hải và Đơn vị 731. Dĩ nhiên nhiều nhất là về Nam Kinh. Các cô gái khác ngồi ủ rũ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía móng chân móng tay hay thì thầm với nhau và ném ánh mắt về phía tôi. Còn các vị khách thì tuyệt đối im lặng nhìn tôi chăm chú và lắng nghe với một vẻ tập trung cao độ. Họ không nói gì nhiều và ra về một cách lặng lẽ. Cuối buổi khi Mama Strawberry chia tiền boa cho chúng tôi bà gọi riêng tôi ra một chỗ, khuôn mặt thoáng vẻ cáu kỉnh. Họ đã boa cho tôi nhiều nhất, gấp ba lần các cô gái khác.
Chương 8
史 Nam Kinh, mùng một tháng Ba năm 1937
Thời gian này tôi luôn luôn băn khoăn lo nghĩ về vợ tôi! Nghĩ về những điểm khác biệt giữa tôi và cô ấy! Trong mắt nhiều đồng nghiệp của tôi, cuộc hôn nhân sắp đặt có vẻ kỳ quặc này là một sự phản bội lại lý tưởng của họ, và quả thực, tôi cũng từng luôn mong chờ một cuộc hôn phối hợp lý, có lẽ với ai đó ở trường đại học, một ai đó nằm trong số những người có tư tưởng tiến bộ, đi trước thời đại, quan tâm đến đại cuộc, đến tương lai của Trung Quốc như tổng thống Tưởng Giới Thạch. Thế nhưng tôi đã không tính trước được sự can thiệp của mẹ tôi trong chuyện này.
Bây giờ, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy giận điên người, vẫn run lên vì xấu hổ khi nghĩ tới mẹ, tới cái gia đình lạc hậu và mê tín của mình. Cái gia đình sung túc nhưng không bao giờ có ý định hay có khả năng rời bỏ ngôi làng bé nhỏ để thoát khỏi cảnh lũ lụt hoành hành trên sông Phồn Dương vào mùa hè. Nhưng có lẽ, chính bản thân tôi cũng chưa bao giờ thực sự quyết tâm rời bỏ nơi đó và có lẽ đây chính là sự thật đau lòng nhất về tôi, bên trong nhà ngôn ngữ học trẻ tuổi kiêu hãnh của trường Đại học Kim Lăng là một cậu bé Trung Quốc không biết nhìn xa trông rộng, không biết thay đổi, chỉ biết giậm chân tại chỗ và chờ chết. Tôi nghĩ về làng quê của mình, nơi người dân chỉ kiếm đủ ăn, một đồng bằng xanh tươi với những đàn dê lông trắng muốt, những cây bách xù, những con vịt đi lang thang và những con heo suốt ngày dụi mõm vào đám cây đậu trong vườn; và tôi tự hỏi, liệu tôi có thể trốn chạy được quá khứ hay không?
Sau này, khi xem xét lại mọi chuyện, tôi mới thấy mẹ tôi từ lâu đã có ý định với Thu Kim. Cả hai đã tìm đến ông thầy bói trong làng, một người mà tôi không có ấn tượng mấy, một ông già mù, với chòm râu dài trắng muốt, được một đứa trẻ đi dép rơm dẫn đi quanh làng như một con gấu trong rạp xiếc. Ông thầy bói đã cẩn thận ghi lại ngày tháng năm sinh của Thu Kim rồi với vài chữ nguệch ngoạc và mấy viên xúc xắc bí ẩn bằng ngà voi, ông luận ra rằng số mệnh của Thu Kim hội đủ ngũ hành để sinh cho tôi con đàn cháu đống.