I. Nóng ruột
Nghe gọi đến tên mình, Tâm cuống lên, trống ngực nổi mạnh. Tâm chỉ muốn rú lên một tiếng thật to cho bõ sướng. Cho nên, chẳng thể đứng lâu để nghe hết tên những người đỗ, Tâm nóng ruột, cố lách tấm hàng rào người, ra chỗ rộng rãi cho thoáng khí để được múa may nhẩy nhót cho rãn thịt rãn gân.
— Thế nào? Anh Tâm có đỗ không?
— Anh Tâm đỗ rồi chứ?
Gật đầu huyên thiên để trả lời các bạn, Tâm liến thoắng khoe kỳ thi vấn đáp.
Bỗng một hồi vỗ tay ran như pháo nổ, kế đến tiếng nói cười xôn xao, tiếng reo hò rầm rộ.
— Xong rồi à? Anh có đỗ không?
— Năm nay trường ta đỗ nhiều hơn năm trước nhỉ!
Rồi người vui, kẻ buồn, ai nấy tản mát mỗi người một ngả.
Trong lòng hồi hộp, Tâm vội cả êm cổ đi thật mau về nhà. Nhưng Tâm nhìn thấy cái rặng tre làng lù lù đằng trước, cách những một thôi nữa, thì nóng ruột quá. Mọi chiều về học, Tâm không mong nên không thấy đường xa. Tâm chỉ ước được đôi cánh như chim để bay vụt vèâ nhà, báo tin ngay cho cha mẹ biết.
Đi rẽ sang con đường hẹp, Tâm trông trước trông sau, thấy rặt những người lạ cả. Thế thì Tâm không thể làm thế nào cho họ biết ta đây mới đỗ Sơ học Yếu lược được. Bởi vậy, càng không lộ được ra ngoài cái sung sướng, cái danh giá, Tâm thấy hậm hực mà càng phải đi rảo bước.
Lúc bấy giờ, rặng núi xám uốn lưng rồng đằng xa đã nuốt hết hòn ngọc lửa đỏ chói. Trên nền trời lam những đám mây trắng, hồng, tan họp. Gió hiu hiu. Bể lúa rập rềnh nổi lên làn sóng xanh rợn. Chẳng mấy chốc, cổng làng đã hiện ra trước mắt, Tâm càng đi tới gần, càng thấy vui vẻ.
Tiếng ve reo. Rặng bương nổ mấy tiếng pháo. Cành tre dang hai tay ra đón. Ngọn xoan cúi xuống chào. Bụi ruối nép bên vệ đường nhường lối. Lá cau phần phật vẫy. Hoa râm bụt hé miệng cười. Cái gì cũng như có vẻ mừng người mới đỗ. Thế thì chắc cha mẹ Tâm cũng đứng nấp đâu đây để bất thình lình chạy xổ ra, ôm choàng lấy Tâm mà hỏi chuyện. Mà người làng có lẽ đứng sếp hàng cả ở sân đình để chờ tin Tâm. Nếu thế thực, thì vẻ vang cho Tâm biết ngần nào.
Tâm qua cổng làng, lòng càng hồi hộp. Bộ mặt nghiêm trang, ta đây kẻ giờ, Tâm nhìn thẳng, đi rất hùng dũng oai vệ.
Nhưng mà Tâm chẳng gặp ai hỏi han một điều nào. Mà hình như không ai để ý đến cái người thông thái, từ nay chẳng phải đứa bé tầm thường!
Thấy ai nấy lạnh lùng, Tâm chán quá. Chẳng lẽ tự nhiên lại đi khoe rằng mình mới đỗ. Cho nên Tâm khinh đứt hạng người chưa biết xứ Bắc kỳ có mấy đường xe lửa, và không được trông thấy thứ ruồi đi giầy, biết sách va ly vi trùng thổ tả và ho lao!
Qua cửa đình, Tâm thấy người ta tụm năm tụm ba, Tâm mừng thầm, sắp sẵn câu trả lời. Nhưng hão quá, vẫn chẳng ai hỏi han. Trái lại, người thì lại tròng trọc nhìn Tâm, người thì nói chuyện trộm cướp, người thì mê mệt vì nghe. Tâm khó chịu quá.
Vẫn lấy dáng đứng đắn, Tâm thẳng thắn đi rõ mau. Không cần. Người mong tin Tâm đỗ, thì là cha mẹ Tâm kia. Chỉ có cha mẹ Tâm, thấy Tâm đỗ mới cùng Tâm sung sướng.
Tâm rẽ vào trong ngõ. Rồi không thể bước từng bước nữa, Tâm cắm cổ chạy. Thích quá, Tâm sắp mồm reo.
Nhưng đến cổng, Tâm đứng dừng lại, lắng tai nghe xem cha mẹ đang làm gì.
Song chẳng thể đứng lâu, Tâm đã ba chân bốn cẳng, mắt hoa lên, vừa chạy, vừa gọi:
— Thày u ơi, con đỗ rồi.
Rồi Tâm cười khanh khách, nói một thôi một hồi:
— Buổi sáng con ở nhà ra đi còn là thằng học trò khổ, bây giờ đã thành ra ông Sơ học Yếu lược! Hà! Hà!
Nhưng Tâm ngạc nhiên: chẳng có cái gì tỏ vẻ mừng Tâm cả.
Tâm im để nghe, nhìn khắp các chỗ. Ô hay! một tiếng động cũng không.
Tâm bước vào nhà, ngó trong buồng, rồi xuống dưới bếp, ra đằng sau. Cha mẹ Tâm đâu? Có lẽ nào bây giờ ở ngoài đồng còn chưa về? Vả cha Tâm dù đã khỏi sốt, chắc cũng chưa thể đi làm ngay được. Thế thì cha mẹ Tâm đâu?
Tâm đành yên lặng ngồi chờ, nhưng nóng ruột lắm. Mà sự yên lặng ở xung quanh cũng không giảng nghĩa cho Tâm hiểu thêm một tý gì.
Tâm tung tăng đi ngoài sân, đã hơi bực mình. Sao cha mẹ vội đi đâu, mà không chịu khó hãy ở nhà để đợi Tâm về đã?
Mà sao cha mẹ Tâm mãi không về? Chiều rồi. Bếp thì đã tắt ngấm tắt ngầm! Bao giờ mới được ăn cơm đây?
Tâm càng chờ càng thấy bặt tin tức, nên thỉnh thoảng chạy ra cổng ngó. Vẫn thấy vắng tanh, Tâm buồn, bồn chồn cả người.
Sao thời giờ nó đi chóng thế. Trời đã sâm sẩm rồi.
Tâm đứng chờ hẳn ở cổng. Quái thật!
Rồi Tâm ra hẳn ngoài đường cái. Làm sao cha mẹ Tâm đi đâu lâu thế?
Ở trước cổng các nhà, Tâm thấy từng bọn đứng túm tụm nói chuyện. Nhiều người lại nhìn Tâm nữa.
Tâm không hiểu chuyện gì cả. Mà đứng đây mãi cũng thế thôi, Tâm vẫn chẳng thấy hút cha mẹ đâu cả.
Cảnh vật như xê dần vào chỗ nhá nhem. Bụng Tâm thấy đói lắm. Hết cả vui. Tâm luẩn quẩn tự hỏi tại làm sao chiều nay đường làng có vẻ khác mọi ngày, mà ai cũng ra dáng ngơ ngác. Ngay trong nhà Tâm thấy như có cái gì buồn buồn, mà cha mẹ thì vắng nhà đến gần tối.
Tâm chẳng tài nào trả lời được những câu hỏi khó khăn, bí mật, nên không thể đi đâu được nữa. Tâm bèn đến gần các người. Thoảng nghe, Tâm vẫn thấy chuyện cướp.
Người ta chỉ chỏ Tâm và nhìn Tâm bằng con mắt ái ngại.
Bỗng tự nhiên Tâm thấy chột dạ, như đoán được cái tai nạn. Tâm không đứng được phải hỏi ngay:
— Bác Tự nhỉ, thày u tôi đi đâu thế, biết không?
Bác Tự cười một cách thương hại đáp:
— Thày mày bị bắt giải đi từ trưa. U mày theo thày mày lên huyện.
Tâm rật nẩy mình, tái mét mặt. Mọi người yên lặng, nhìn Tâm. Tâm rưng rưng nước mắt nức nở khóc:
— Thày u ơi! Thày u ơi!
Một lúc, cố nhịn đau đớn, Tâm lau nước mắt nhìn bốn bên. Xung quanh, người xúm xít. Tâm lại vừa khóc vừa hỏi:
— Thày tôi tại sao bị bắt, bác có biết không?
Một bà thở dài, chép miệng:
— Khốn nạn thằng bé! Tại tối hôm qua thày mày đi ăn cướp nhà ông Chánh.
Nghe nói cha đi ăn cướp, Tâm như bị sét đánh mở trừng mắt nhìn mọi người:
— Cướp bao giờ? Cướp ở đâu ? Thày tôi mà đi ăn cướp à?
— Cướp đêm qua, nhà cụ Chánh dưới cuối tổng.
Rồi người ta bảo nhau:
— Ừ, nó ngủ khì thì còn biết gì!
Không thể nén được nỗi khổ tâm nữa, Tâm lại vừa khóc vừa nói:
— Thế các ông các bà không kêu oan cho thày tôi à? Thày tôi hôm qua sốt. Có tôi biết. Tôi ngủ cả đêm với thày tôi. Đến tận sáng hôm nay, đầu thày tôi vẫn còn nóng lắm. Thế thì thày tôi đi ăn cướp lúc nào? Mà xưa nay có ai gặp thày tôi đi ăn cướp bao giờ không? Thày ơi! sao thày không nói rõ thế, lại để cho người ta bắt?
Thấy những lời nói thật thà, tha thiết, ai nấy yên lặng, cảm động.
Tâm vẫn khóc, vẫn kêu, trách móc cả mọi người, bằng những câu thơ ngây, đến nỗi ai cũng phải buồn cười.
Một người đi qua đường, đứng lại nghe rồi nói to:
— Ai thế? thằng Tâm đấy à? Thày mày bị bắt oan thì mày lên huyện mà kêu!
Người ta cho là câu pha trò lý thú, phá ra cười.
Rồi trời tối.
Lác đác, ai về nhà nấy.
Độ trong mười lăm phút, ở chỗ tụ họp đông đúc cười nói vừa rồi, còn trơ ra có một mình Tâm đứng thút thít khóc…
II. Nỗi oan
Tâm về nhà, đau đớn như người bị thương, nghĩ mãi không biết đám cướp nhà ông Chánh xảy ra lúc nào. Nhưng dù lúc nào, thì cha Tâm cũng là bị bắt oan. Tuy chưa ăn cơm, nhưng Tâm không thấy đói nữa. Những nỗi thương cha, nhớ mẹ đã chứa chất đầy ruột gan Tâm rồi. Tâm ngồi đầu hè, ti tỉ khóc. Bác Trưởng bên hàng xóm nghe tiếng, ái ngại, gọi Tâm và hỏi có đói không. Nhưng Tâm lắc đầu, chỉ xin chiếc diêm để thắp đèn cho sáng.
Lần đầu, Tâm ở nhà một mình trong khoảng đêm tối. Nhìn ra ngoài, Tâm thấy đen kịt, thì đâm sợ. Rồi nghĩ đến đám cướp và nỗi oan ức của cha, Tâm bỗng sợ và sửng sốt cả người.
Chợt Tâm thấy cái bóng người ngoài sân. Tâm hết hồn. Nhưng một tiếng quen quen đã làm Tâm yên dạ:
— Anh Tâm không đóng cổng à?
Tâm trả lời bác Trưởng:
— Vâng, cháu quên.
Được có người đến nói chuyện, Tâm đỡ thấp thỏm và vui vẻ quá. Bác Trưởng bảo:
— Anh sang bên tôi mà ăn cơm, tôi để phần đấy.
— Thưa bác, cháu không đói.
— Tôi để phần thật đấy. U anh lúc đi, có dặn tôi rằng khi nào anh về, thì gọi anh sang ăn cơm. Thế anh về lúc nào mà tôi không biết?
— Cháu về lúc chiều. Cháu thấy thày u cháu không có nhà, cháu chờ mãi. Rồi lúc tối, cháu hỏi, mới biết thày cháu bị bắt.
Bác Trưởng nhìn Tâm, ái ngại nói:
— Phải, thày anh bị bắt. Khốn nạn!
Động tâm, Tâm nức lên khóc. Bác Trưởng dỗ:
— Thôi nín đi. Rồi mai thày anh được về, cần gì.
Tâm nghiến răng nói:
— Nhưng mà họ bảo thày cháu đi ăn cướp, bác ạ.
Bác Trưởng thong thả, gật đầu:
— Phải.
— Thế lúc thày cháu phải bắt, bác có biết không?
— Có, tôi thấy lao xao bên này, tôi mới nhòm sang.
— Ai bắt thày cháu?
— Ông Huyện.
— Ông Huyện ấy à? Có phải cái ông bằng trạc tuổi bác, mà đeo cái thẻ bài ngà ở ngực phải không?
— Phải.
Tâm tươi tỉnh nhìn bác Trưởng bằng hai mắt sáng quắc, chan chứa vẻ vui:
— Thế thì cháu biết ông ấy. Đã có lần ông ấy vào lớp cháu, xem sách cháu và khen cháu. Thế thì rồi cháu đến nhà ông ấy để kêu oan cho thày cháu. À bác ạ, sao lúc thày cháu bị bắt, bác không nói cho thày cháu.
— Nói thế nào được?
— Có ai kêu oan hộ thày cháu không?
— Không, vả ai kêu được.
— Mà thày cháu cũng không kêu à?
— Nghe đâu có, nhưng người ta cứ bắt đi.
— Thày cháu oan lắm, bác ạ.