Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Tiểu thuyết: Đống rác cũ

Tác giả: Nguyễn Công Hoan

Tập Một

§1. Một ngôi nhà của một người

Ngôi nhà này bè bè, thô thô như một anh chàng to ngang mà lùn. Đó là tại khi xây dựng, không có kiểu vẽ trước? Hay tại toán thợ nề quê mùa nào đó, muốn khoe là tay cừ mỹ thuật? Họ đem nhồi nhét, trộn hổ lốn vào trong tác phẩm cỏn con này tất cả những cái họ đã nhìn qua loa thấy ở nhà kiểu Tàu, ở nhà kiểu Tây làm theo thời trung cổ, thời hiện đại? Hay tại tiền khoán nhà thì to mà tài thợ thì nhỏ? Cho nên để nuốt món đó cho khỏi hóc, họ đành liều lĩnh, phóng tay làm cho cái nhà trở thành không ra lối lăng gì.

Thôi mặc kệ. Ta tìm hiểu làm gì cái điều không lợi cho ta ấy? Nhà này dù đẹp, dù khéo, dù xinh, hay lố lăng, kệch cỡm, lòe loẹt, thì nó cũng là một sự kiện đã rồi.

Nhà có hai tầng. Tầng gác dẹt đen đét như bụng người nhịn đói. Vì ở phía trước, có chừa ra một cái sân rộng. Ở hai tường hai bên, trên bộ của chóp sơn xanh, có đắp một cái gờ dài. Gờ là mặt hổ phù dang hai chân trước. Mặt hổ phù có đủ cả mắt, mũi, miệng, răng, râu. Chân hổ phù có năm móng cong và nhọn. Mặt, mũi, miệng, răng, râu và móng, đều bôi đen, vàng, đỏ, nâu, trắng, tím. Mình hổ phù trổ vây mặt nguyệt, nhỏ li ti, mỗi mặt nguyệt tô một màu sặc sỡ khác nhau. Xin nói thêm, cửa đây là cửa chớp giả, mà ngay thời Dân chủ cộng hòa này, ta còn trông thấy ở nhiều nhà trong thị xã Hải Dương. Không mở được vì nó đắp bằng vữa. Nhưng ở cửa chớp thật bằng gỗ, hàng răng lắp vào khung thế nào, thì ở cửa chớp giả này, cũng y hệt như thế. Lại có đủ cả từng ấy chiếc bản lề, cũng đắp bằng vữa, nhuộm đúng màu sắt. Phía trước mặt tầng dưới, dưới ba cái mái cong, nổi lên những dòng ngói ống kiểu tàu sơn tím, có ba cửa tò vò, nhưng lại xây bịt kín. Lèo cửa bộ giữa chạy nho sóc, hai bộ bên chạy qua điệp. Để lên gác, một cái thang cuốn xây áp vào tường, gồm chừng hai chục bậc. Thang có mái, là một con rồng uốn tròn, đứng bằng mười chân, dính vào bậc, tức là tay vịn. Ba mặt sân gác có ba hàng bao lơn, mỗi cái bao lơn nặn hình con tiện, mỗi con tiện sơn một màu khác nhau. Ở một góc sân gác, dựng một cái giàn xây, với hàng xà ngang xi-măng xếp đều tăm tắp, như kiểu giàn dây leo ở công viên các thành phố. Mái gác trát nhân bằng vữa màu gạch. Trên đường bờ chính giữa, gắn một chiếc đồng hồ giả, kim ngắn chỉ thẳng lên con số 12, nhưng kim dài nằm ngang với con số 3. Những con số đều viết chữ La-mã. Trên đỉnh đồng hồ, có nhoi lên cái cổ nậm rượu, dưới thắt cổ bồng, trên phình ra, rồi thon dần. Dọc đường bờ, bên phải và bên trái cái đồng hồ, đi bát tiên bằng xi-măng. Và ở hai đầu, hai con phượng ngậm cuốn thư, uốn quặt cái đuôi lại.

Phía mặt gác trông ra sân, có ba bộ cửa. Hai bên tả hữu, là lối cửa bức bàn, cánh nào phần trên cũng là đường triện triết chi lá giát, và phần dưới, bịt kín, trổ bốn thứ cây mai, lan, cúc, trúc. Tôi quên không nói là nhà này không làm bằng tí gỗ nào, dù là các cánh cửa, toàn là xi-măng và vữa thôi. Chỉ trừ có cái cửa giữa gác, vì cần cho ánh sáng lọt vào trong, nên là kính. Cả một mặt kính lắp sau bức diềm y môn vữa màu đỏ. Tuy mưa nắng lâu ngày đã làm kính hơi mờ đi, nhưng ở ngoài trông vào vẫn rõ. Rõ là rỗng trơ. Trên sàn, không bày bàn ghế, tủ sập. Và trên tường, không treo hoành phi, câu đối. Chỉ có mỗi một cái. Cái này là tấm truyền thần bán thân một người bằng sơn màu. Tấm truyền thần dựng kín cả mặt tường hậu. Xin mở một dấu ngoặc để than thở vài câu về cái công trình thuộc về mỹ thuật này. Nhất định tấm truyền thân đây không phải là vẽ. Thời này, muốn truyền ai, nhất là những người giàu, thích hệt ảnh màu, thì mấy ông thợ vẽ lười vẽ đã phát minh ra một cách làm việc, vừa đỡ tốn công, vừa giống in như ảnh. Có gì đâu. Các ông nhận ảnh của khách hàng, đem chụp lại vào kính, rồi phóng cho to ra. Quần áo và các thứ trang trí, ai muốn thế nào, các ông cho được như thế tuốt. Vì đã có sẵn những mẫu cũ. Chỉ cần khách trả một món tiền ngang với giá trị những thứ làm tăng giá trị con người vẽ. Còn cái mặt, đáng lẽ truyền khó và lâu nhất mới giống thì các ông có ở ảnh rồi. Chỉ còn việc lấy thuốc màu, tô cho nước da hồng, cho đôi môi đỏ. Rồi phết một lượt quang dầu lên trên. Thế là chu. Giống ảnh không chê được! Và bền cố hỉ!

Bức truyền thần bày trong nhà này là chân dung một ông. Thường thì các ông đi mượn vẽ hay bắt bẻ người thợ vẽ đã vẽ không giống mình trong ảnh mà mình thuê phóng, chứ không bao giờ quan tâm đến việc ảnh có giống mình hiện tại, tức là lúc mình đến đưa nó cho người ta vẽ hay không. Bởi vì bao giờ các ông cũng chọn cái ảnh đã chụp bất cứ vào năm nào, miễn là nó đẹp nhất. Nghĩa là nó phải đáp ứng đủ ba tiêu chuẩn: mặt mũi trắng béo, quần áo bảnh chọe, và đáng điệu oai vệ. Nếu khi chụp, người thợ ảnh đã có thói quen về một thứ mỹ thuật nào đó, biết xóa hết trong kính đã rửa những nét nhăn nheo trên mặt, để khi in ra giấy, cái mặt ấy được chỉnh lý, cải biên nhiều nhiều, cho xinh đẹp nhiều nhiều, thì khi ngắm ảnh, khách hàng càng khen nhiều nhiều.

Cái ông trong tấm truyền thần này, mặt ngửa lên. Rõ rằng là người tự hào hơn cả một người có cái gì đáng tự hào. Vẻ mặt tự hào của ông này lại đi đến mức độ có thể gọi là vênh váo. Ông ta đã dùng một vật trang trí nhân tạo, làm cảnh cho đôi mắt, để mình được ngờ là học giả. Đó là cặp kính trắng tròn, lớn, gọng đồi mồi. Ria ông ta cũng làm cảnh cho miệng ông. Vật trang trí này tuy thiên nhiên, nhưng không khỏi không được đặt vào đó công lao động sáng tạo. Nó đen nhánh, hai bên đối nhau. Đầu ria hướng phía nhân trung thì rậm và to, nhưng đuôi ria quẫy ra phía cạnh mép thì cắt nhọn hoắt và uốn vểnh lên. Thuở này, gọi kiểu râu này là râu Tây, dù nó mọc trên môi bất cứ người nước nào. Đáng lẽ một nạm râu chổi sể còn phải đâm thẳng từ cằm ông ta xuống nữa mới hợp lý. Nhưng Tây cạo nó đi, thì ông ta cũng cạo nó đi. Cho nên đôi môi mỏng và cái cằm lẹm của ông, vì phải theo thời, mà không được ngụy trang. Tóc ông ta cũng đen như râu. Rẽ giữa. Hai bên chải lật hai múi, gồ và cong như hai cái cổng tò vò.

Tóm lại, ông này, mặt phình và nhẵn như mặt một cậu con trai, nhưng lại lạc vào đó hai con nong nóc ở trên mép. Khó lòng mà đoán được ông ta bao nhiêu tuổi.

Ông ta mặc Âu phục. À, ra nếu ông ta để râu cằm, thì làm sao ta nhìn thấy được cái cổ cồn là bóng lộn và cái ca-vát màu cánh trà, gài vào sơ mi bằng chiếc ghim có đầu bằng hạt ngọc xanh. Ở lỗ khuyết ve áo len màu tím, có đeo lủng lẳng cái vuốt hổ trắng bịt vàng, lòng thòng một cái dây vàng, chui vào miệng cái túi con ở áo ngực bên phải. Đây là dây đồng hồ. Để người ngoài hiểu ngầm rằng nó thả vào trong túi một chiếc đồng hồ quả quýt, và tất nhiên, cũng bằng vàng. Trên ngực này của áo ông ta đeo hai cái để ai cũng phải chú ý. Một cái hình chữ nhật, ngang độ hai đốt, dọc độ ba đốt ngón tay, màu kem, giữa là một dòng năm chữ nho, tô đỏ, đủ cả nét rất rõ. Đó là tấm bài ngà. Và năm chữ là Hàn lâm viện đãi chiếu. Cạnh thẻ ngà, là cái mà thời ấy gọi là mền-đay. Mền-đay này là thứ có miếng vải sọc xanh và vàng, đeo toòng teng một cái đầu rồng ngoác mồm bằng kim khí. Đó là tấm An-nam long bội tinh của vua ban.

Vậy thì, ái chà chà! Nhà này là nhà của một vị rất danh giá và rất đáng kính trọng. Vì có quan tước và có công với triều đình. Nhưng chắc chắn lão ta không là quan thật. Vì mặc Tây, chứ không vận phẩm phục. Vả lại, cái Hàm đãi chiếu là thứ hàm hạng bét, mà ngay một chức quan hạng bét cũng được đối ngay với một hàm cao hơn nhiều. Các bạn muốn biết lão ta là ai làm nghề ngỗng gì, xin đọc những chữ đề ở dưới bức truyền thần:

Monsieur TRAN ĐUC THUA
dit ALBERT THUA
Medecin annamite brevete de la Chine
Journaliste Concessionnaire Amateur
Membre de la Chambre des Representants du peuple du Tonkin
Han lam vien Dai chieu
Decore du Dragon d’Annam
Decede le 20 du 2e mois de la 12e annee
du regne Bao Đai

Vậy đây là một nhà cứu dân độ thế, một nhà doanh nghiệp, một tay ngôn luận, một nghị sĩ, đã đội nhiều ơn mưa móc. Và cái biệt thự này là cố cư của ông ta. Xin nhận rằng người thật đúng thế thật. Nhưng nhà không phải là cố cư. Vì tôi quên chưa nói nhà này không ở được. Nó chỉ có tầng gác là rỗng, còn tầng dưới thì lèn đặc những đất thó. Và tôi cũng quên, không nói ngay từ trên kia, là nhà này bé thôi, chỉ rộng có một thước mốt, dài hai thước, và cao một thước hai. Nó xây ở giữa đồng.

Vậy nó là cái mả?

Phải. Mả ông Trần Đức Thừa, tức An-be Thừa, thầy thuốc An-nam đỗ bằng của nước Trung Hoa, nhà báo, chủ đồn điền, chủ tàu thủy, nghị viên viện Nhân dân đại biểu Bắc kỳ, Hàn lâm viện đãi chiếu, thưởng thụ An-nam long bội tinh, tạ thế ngày 20 tháng thứ 2 năm thứ 12 triều vua Bảo Đại. Dịch theo minh tinh bằng tiếng Pháp trên kia là như thế.

Mả ông An-be Thừa nằm giữa một khu năm sào, vuông vắn, xung quanh bao vây bằng tường gạch cao ba thước. Có cái cổng xây mái kiểu mái nhà táng. Dưới mái, đắp một dòng chữ Pháp, gần giống với những chữ: CIMETIÈRE DE FAMILLE. Nghĩa là nghĩa trang gia đình. Hẳn là yết thị cho người ngoài đừng chôn ẩu xị vào đó. Bên niên hiệu, đề Long phi Đinh sửu niên. Bên lạc khoản ghi Thế nghị Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân Thái thường tự khanh. Tuần phủ chi sự Lê Văn Bản bái văn.

Đôi câu đối này, một vế ý nói Nghị trường vắng tiếng từ nay, những tư tưởng nhân đạo, những trang báo nảy lửa đã vang động đến cửu trùng, đổi nắng hạn thành mưa Âu móc Á. Một vế ý nói âm phủ muốn chừng thiếu thầy thuốc giỏi, hai mươi năm xây dụng cơ đồ, làm giàu cho nhà, cho nước, nêu tấm gương sáng về Pháp – Nam thân thiện.

Câu đối là thứ văn chương xa xỉ phẩm để thù tạc. Khen ngợi người chết không biết cãi và không biết ngượng, câu đối được mặc sức nói huênh hoang. Huống hồ chữ nghĩa của một vị đại khoa, nghĩ ra để “lạy và than” người “bạn thân” đã khuất, thì phần văn chương nhất định được coi là cần thiết hơn sự thật.

– Sung sướng quá! sống ở nhà đẹp, chết ở nhà cũng đẹp!

Người thèm tiền nói thế. Nhưng người thèm ruộng thì mỉa:

– Chỗ này còn chôn được khối người họ Trần mới chật hết đất!

* * *