Tiểu thuyết: Quân khu Nam Đồng
Tác giả: Bình Ca
Thay lời giới thiệu
Tên của tập bản thảo khiến tôi không khỏi bật cười, thấy thú vị quá đi và lập tức muốn đọc. “Gã quân khu mặc cả bộ dõng, đi giày tá, giắt xéng trong người đến nhà người yêu…” lẫy lừng một thuở thời bao cấp là đây? Nhà xuất bản không cho biết tác giả của bản thảo là ai, nhưng bởi cái danh rất đặc hiệu và nổi như cồn ấy mà chưa bắt đầu đọc tôi vẫn đoán chừng được tác phẩm này dựng khung cảnh của thời nào và tác giả thuộc thế hệ nào trai Hà Thành.
Thời Bao Cấp, ba chữ đó đè ám trong ký ức chỉ sau có Chiến Tranh, tới mức đến tận bây giờ thỉnh thoảng tôi còn bất chợt thấy mình đang ba lô lộn ngược xuôi tàu Bắc Nam đắp đổi sống qua ngày giữa cái nền văn minh “ba yêu rửa mặt bằng khăn” mà kinh hoàng vã mồ hôi hột choàng tỉnh và rồi mừng húm vì rằng chao ôi đây chỉ là một cơn bóng đè. Tuy nhiên, sau mấy mươi năm trời mà vẫn nằm mộng ngoái cổ nhìn về như vậy thì có nghĩa là ngoài sự khiếp hãi trong thâm sâu cõi lòng còn có cả nỗi nhớ nhung nữa, thậm chí buồn nhớ, thương nhớ những tháng năm cơ cực đó. Và cũng bởi vì thế, do những ấn tượng cùng những tình cảm trái ngược rất khó tả của mình đối với Thời bao cấp nên tôi luôn mong được đọc những tác phẩm văn học viết về nó. Tự truyện, hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, gì cũng được, mà là về Thời bao cấp tôi đều thích đọc. Cố nhiên phải hay, mà hay thì hiếm. Theo như cách đọc và vốn liếng đọc của mình, tôi không lựa được nhiều tác phẩm kể chuyện Hà Nội những năm cuối cùng cuộc chiến hay được như cuốn này.
Nhưng mà bảo rằng đây là tác phẩm viết về Thời hậu chiến bao cấp thì lại không hẳn. Tuổi trẻ học trò, thời thanh thiếu niên của đời người mới thực là đề tài của Quân khu Nam Đồng.
Là một tự truyện, nhưng là “tự truyện tập thể”, nên tác phẩm này không theo giọng kể của ngôi thứ nhất, không có nhân vật xưng “tôi”. Mặc dù vậy, hòa mình vào hồi ức chung của anh em bạn hữu một thời khu gia binh, tác giả hiện hữu đậm nét qua cách nhìn và nghĩ, qua giọng văn và cách kể rất riêng. Có thể thấy ngay rằng tác giả của Quân khu Nam Đồng không phải một nhà văn, hoặc chí ít không phải là nhà văn chuyên nghiệp, bởi lẽ chuyên nghiệp viết văn thì không nhìn, không kể, không viết được như vậy. Phóng khoáng, mạnh bạo, dạn dĩ viết, không tự gò mình vào những khuôn phép văn chương, không tránh né những chông gai hầm hố của hiện thực từng có trong số phận con người và trong đời sống xã hội một thời, nhưng cũng không tô vẽ, bôi đen phủ hồng sự thật, tóm lại chân thực, hồn nhiên, tự nhiên nhi nhiên là đặc điểm nổi bật của văn phong tác giả.
Tự nhiên nhi nhiên, không gợn một tỵ ty gì sự “hành văn”, đây là một tác phẩm viết rất hay và đầy xúc động về tuổi hoa niên. Tình mẹ con, tình cha con, tình thầy trò, tình bạn, tình huynh đệ chiến hữu cùng trường cùng phố, tình yêu đầu đời vô cùng non nớt mà sâu nặng thuở học trò, từ trong quá khứ thời gian khổ trở về dào dạt tâm hồn tôi khi đọc cuốn sách phải nói là rất lạ lùng này.
• Bảo Ninh
Ngày gặp mặt
Khu tập thể quân đội Nam Đồng được xây dựng xong năm 1964, là một trong những khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ. Ban đầu, khu gồm tám dãy nhà bốn tầng, chủ yếu dành cho gia đình các sỹ quan cấp úy và cấp tá. Về sau, Bộ Quốc phòng xây thêm sáu dãy nhà một tầng giữa các dãy bốn tầng. Khoảng 500 gia đình sỹ quan sống ở đây. Thế nhưng những người gắn bó nhất với khu tập thể, không phải là các ông bố mặc quân phục thường xuyên xa nhà, mà là lũ con nít. Khi đến đây vào những năm 1964-1965, chúng đa phần chừng năm đến bẩy tuổi.
Gắn bó với nhau suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu. Cùng học, cùng chơi, cùng tranh một chỗ xếp hàng mua gạo, hứng nước, cùng nhau đánh lộn và… yêu khi lớn lên, bọn trẻ con trong khu tập thể có rất nhiều kỷ niệm chung. Sau hàng chục năm trời, giữa chúng vẫn duy trì một mối quan hệ khá đặc biệt. Chính vì thế, khi nghe tin Ban liên lạc ở Hà Nội thông báo tổ chức gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập khu tập thể, thành viên từ khắp mọi miền hưởng ứng rầm rầm. Hòa thông báo cho Việt ở thành phố Hồ Chí Minh về sự kiện này. Ban đầu Việt không muốn ra: “Tôi thấy các kỳ họp mặt khu Nam Đồng gần đây, đa phần là bọn trẻ, đang ở giai đoạn thích ‘mua một vé quay về tuổi thơ’. Mình tới, chúng cũng chẳng biết là ai”. Hòa động viên: “Quên ai thì quên, chứ sao mà quên được anh Việt, thành viên ‘khét tiếng’ một thời của Quân khu Nam Đồng? Mới ngày nào đó mà đã 50 năm qua rồi… Thực ra, bây giờ đâu có mấy người hiểu vì sao một khu tập thể kiểu mẫu của các gia đình quân nhân ngày ấy lại biến thành Quân khu?”. Việt trầm ngâm: “Bọn mình cũng đã trải qua đủ ngọt bùi cay đắng, nhưng phải thừa nhận, thời gian sống ở khu Nam Đồng là những ngày vui và đẹp nhất” – Việt tặc lưỡi rồi nói thêm: “Chẳng hiểu sao ngày đó, một lũ trẻ ranh mà dám xưng hùng, xưng bá với thanh niên Hà Nội”.
Ngày gặp mặt, số người tới gấp đôi dự kiến, gần bảy trăm người. Rượu vào lời ra, quá khứ tràn về như thác lũ. Việt ngơ ngác giữa đám đông. Nó rời khu Nam Đồng đi bộ đội từ giữa năm 1974, sau đó vào thẳng Sài Gòn.
Người thân xa nhau 20 năm gặp lại nhiều khi thành lạ, huống hồ Việt và nhiều người sau 40 năm mới nhìn thấy nhau. Cô hàng xóm sát nhà đấm nó thùm thụp vì tội không nhận ra em. Mà nhớ sao được, khi ngày xưa em nhí nhảnh ngây thơ, giờ tóc em bắt đầu điểm bạc. Việt cũng không nhận ra bạn Hạnh, học cùng lớp, ngồi trên một bàn. Cả bạn Trang, trước đây Việt hay sang nhà mượn truyện, giờ Việt cũng không nhận ra… Tóm lại, em nào, bạn nào nhận ra Việt thì nhận, nó hầu như chẳng nhận ra ai. Đặc biệt có một em rất xinh túm lấy Việt: “Ôi, anh Việt, nhớ em không? Hì, nhìn kiểu này chắc không nhớ rồi! Ngày xưa, anh em mình cởi truồng tắm chung với nhau… Vẫn không nhớ à? Ôi, chán cái anh này quá!”. Việt ngẩn người, cố lục tìm trong khắp các miền ký ức mà không ra đoạn ấy. Hồi đó tuy nghịch ngợm nhưng sống rất trong sáng, làm gì đã biết cởi truồng tắm chung với con gái. Nó ngượng nghịu: “Anh không nhớ. Nhưng… bây giờ mình cùng trở về quá khứ được không em?”. Cô em cười: “Anh quá đáng vừa chứ!”.
Quá trưa, mọi người lần lượt ra về. Việt vẫn nấn ná ngồi uống. Nó vào Sài Gòn lâu nên nhiễm cái tật uống lai rai. Đám bạn học cũ cùng lớp nhắc Việt giữ sức để buổi tối chơi tiếp. Lần nào bạn bè vào Sài Gòn, Việt cũng đón tiếp thịnh soạn. Lần này nó ra Hà Nội, lại gặp dịp kỷ niệm năm mươi năm chung sống ở khu tập thể Nam Đồng, nhất định phải uống thêm một trận đã đời.
Đến sáu giờ chiều, cả bọn có mặt đầy đủ ở điểm hẹn, nhưng không thấy Việt đâu. Gọi điện thoại mới biết nó vẫn đang nhậu với những đứa chưa chịu về, ở “Lê Thạch Quán”. May mà hai địa điểm gần nhau nên mười phút sau Việt cũng có mặt. Giọng nó có vẻ say: “Mấy chục năm không gặp, tôi nhìn ai cũng thấy lạ. Nhưng rất nhiều người nhận ra tôi và tới cụng ly. Ai cụng ly tôi cũng uống, không nhớ nổi uống bao nhiêu nữa… Vui thật! Gặp mọi người, nhớ lại bao nhiêu là chuyện…”
Trong lúc mọi người tranh nhau nhắc lại kỷ niệm xưa, Hòa đề nghị:
– Hay bọn mình viết lại chuyện Quân khu Nam Đồng ngày xưa để cho con cháu nó xem?
Việt phản ứng:
– Không được, các ông mà viết thể nào trong đó cũng có tôi. Chuyện tôi ngày xưa có gì hay ho đâu? Học thì dốt, suốt ngày đánh nhau, liên tục bị vào đồn công an…
Thái Đen cũng không đồng tình:
– Hai đứa con tôi từ bé đã ngang bướng, thích đánh nhau, giống hệt tôi hồi nhỏ. Vì vậy, ngoài việc giáo dục, tôi còn phải không cho chúng nó phát hiện ra đấy là gien của bố. Chuyện bọn mình kể cho nhau nghe thì được, nếu viết thành sách, phải cân nhắc.
Hoàng hùa theo:
– Đừng viết. Hơn ba chục năm nay, vợ tôi vẫn nghĩ tôi tuy ở khu Nam Đồng nhưng mà ngoan. Nếu viết thành truyện, vợ tôi đọc được, nó sẽ bảo tôi là đồ lừa đảo. Nó đâu biết chuyện tôi đã từng bị giam… Ngày đó biết tôi từng đi tù, đời nào nó lấy tôi.
Khanh cũng có lý do riêng để phản đối:
– Con lạy các bố, chuyện đã qua xin các bố hãy để cho nó ngủ yên. Cô Ba nhà con tuy là chính cung, nhưng hay ghen chuyện cũ lắm. Bây giờ kể hết chuyện yêu đương ngày trước, nó lại tra khảo con suốt ngày.
Hà Tư lẩm bẩm, chẳng biết nó tán thành hay phản đối:
– Nếu ngày xưa các ông biết sợ như thế, khu tập thể Nam Đồng đã chẳng biến thành Quân khu!
Hòa nói:
– Kể từ ngày bọn mình xưng hùng xưng bá, làm cho cái tên “Quân khu Nam Đồng” trở nên khét tiếng một thời, cũng hơn bốn mươi năm rồi. Ông Việt đang sống độc thân, nếu truyện được viết ra, có khi lại trở thành ngôi sao sáng để cho các quý cô chưa chồng tới cầu hôn. Ông Khanh cũng không nên sợ cô Ba ghen chuyện cũ. Nếu hay ghen, cô ấy đã chẳng chịu làm vợ thứ tư của ông. Còn vợ chồng ông Hoàng “ván đã đóng thuyền” ba thập kỷ, không lẽ bỏ nhau vì một chuyện từ đời nảo đời nào? Mà nếu có bị bỏ chăng nữa, ông kiếm đâu chẳng được một cô kém hai chục tuổi như vợ ông Khanh đây.
Hà Tư đồng tình:
– Theo tôi, nếu viết lại được đúng chuyện của bọn mình thì nên viết. Bọn mình ngày xưa cũng oai hùng lắm chứ…
Việt nhún vai:
– Oai gì cái chuyện có lớn mà chẳng có khôn, khi máu dồn lên mặt là vung dao vung gậy, rồi bị công an bắt nhốt. Nghĩ mà thương ông già tôi ngày ấy, liên tục phải lên đồn bảo lãnh cho con. Bây giờ kể lại những chuyện đánh đấm khi xưa, chỉ nêu gương xấu cho lũ trẻ.