Truyện ngắn: Cái chết của Ivan I lyich
Tác giả: Lev Tolstoy
1
Trong tòa nhà lớn của tòa án, vào lúc phiên tòa xử vụ Menvinski nghỉ giữa chừng, các quan tòa và biện lý tụ tập trong phòng làm việc của Ivan Êgôrôvích Sêbếch và trò chuyện về vụ án Krasôv nổi tiếng. Phêđo Vasiliêvích nổi nóng lên, chứng minh rằng đó là một vụ án không thể xét xử, Ivan Êgôrôvích khăng khăng giữ ý kiến của mình, còn Piốt Ivanôvích lúc đầu không tham gia tranh luận và chỉ ngó qua tờ báo “Tin tức” mà người ta mới đưa vào.
– Thưa các ngài! – Ông nói, – Ivan I lyich đã chết rồi.
– Lẽ nào lại như thế?
– Đây, các ngài đọc mà xem, – ông nói với Phêđo Vasiliêvích và trao cho ông này số báo mới còn thơm mùi mực.
Bản cáo phó in trong khung đen: “Praskôvia Phêđôrốvna Gôlôvina đau đớn báo tin để bà con thân thuộc và bạn bè biết phu quân yêu quý của tôi, Ivan I lyich Gôlôvin, ủy viên Viện tư pháp[1] đã từ trần ngày 4 tháng Hai năm 1882. Lễ tang sẽ cử hành vào một giờ trưa ngày thứ sáu”.
Ivan I lyich là đồng sự của các ngài ngồi ở đây và mọi người đều yêu mến ông. Ông ốm đã mấy tuần nay rồi, người ta bảo rằng bệnh của ông không chữa khỏi được. Chỗ của ông vẫn để dành đấy, nhưng có ý kiến cho rằng trong trường hợp ông chết, Alếchsêev có thể được bổ nhiệm thay ông. Vinikốp hoặc Staben sẽ thay chân Alếchsêev. Bởi thế khi nghe tin Ivan I lyich chết, ý nghĩ đầu tiên của mỗi vị tụ tập trong căn phòng này là cái chết đó có thể có ý nghĩa như thế nào đối với việc thay đổi địa vị hoặc thăng trật của chính các thành viên tòa án hoặc những người quen biết họ.
“Bây giờ nhất định mình sẽ thay chân Staben hay Vinikôv, – Phêđo Vasiliêvích nghĩ. – Người ta đã hứa với mình như thế từ lâu và việc thăng chức này sẽ khiến cho mình được hưởng thêm 800 rúp, ngoài tiền lương lĩnh ở bộ”.
“Bây giờ phải xin chuyển cậu em vợ mình từ Kaluga về mới được, – Piốt Ivanôvích nghĩ. – Vợ mình sẽ rất mừng. Bây giờ thì bà ấy không thế nói là mình chẳng bao giờ làm gì giúp họ hàng nhà bà ấy”.
– Tôi cũng đã nghĩ rằng ông ấy không bình phục được, – Piốt Ivanôvích nói to lên. – Tiếc thật.
– Này, thế ông ấy bị bệnh gì nhỉ?
– Các bác sĩ cũng không xác định được. Nghĩa là họ cũng có xác định đấy nhưng ý kiến khác nhau lắm. Khi gặp ông ta lần cuối, tôi cứ tưởng ông ta sẽ qua khỏi được.
– Còn tôi từ dạo tết đến giờ chưa đến thăm ông ấy, mặc dù lúc nào cũng định đi.
– Gia sản của ông ấy thế nào nhỉ?
– Hình như bà vợ cũng có chút ít. Nhưng không đáng kể.
– Phải, rồi ta phải đi thăm gia đình ông ấy một chút. Phải cái họ ở xa khiếp.
– Xa là xa với ông thôi. Đối với ông thì ai mà chả ở xa.
– Thế không thể miễn thứ cho tôi, vì tôi ở tận bên kia sông được sao, – Piốt Ivanôvích nói, mỉm cười với Sêbếch. Và họ xoay ra nói về những khoảng cách xa xôi trong thành phố, rồi tiếp tục quay về phòng xử án.
Ngoài việc gợi lên trong mỗi người ý nghĩ về việc thuyên chuyển hoặc khả năng thay đổi chức vị trong hoạn lộ có thể xảy ra tiếp liền sau cái chết đó, bản thân cái chết của một người quen thuộc gần gũi, như thường xảy ra, đã đẩy lên trong lòng mỗi người cảm giác vui mừng, khi nghĩ rằng hắn ta chết, chứ không phải mình.
“Người ấy người nọ chết, chứ không phải là mình”, – mỗi người đều cảm nghĩ như vậy. Những người gần gũi quen biết, những kẻ gọi là bạn bè của Ivan I lyich, nghe tin ông mất, bất giác đã nghĩ rằng giờ đây bắt buộc họ phải thực hiện phép xã giao rất đáng ngán, phải đi dự lễ cầu hồn và đến chia buồn với bà quả phụ.
Gần gũi nhất với người quá cố là Phêđo Vasiliêvích và Piốt Ivanôvích.
Piốt Ivanôvích là bạn cùng học với Ivan I lyich ở Trường tư pháp[2] và tự coi mình là người chịu ơn bạn.
Trong suốt bữa ăn trưa, Piốt Ivanôvích nói cho vợ biết tin Ivan I lyich đã chết và khả năng chuyển cậu em vợ về làm trong khu của họ, rồi không đi nằm nghỉ, ông mặc áo đuôi tôm, đi tới nhà Ivan I lyich.
Chiếc xe ngựa và hai chiếc xe tải đậu ở gần lối vào nhà Ivan I lyich. Chiếc nắp quan tài bọc gấm thêu kim tuyến, có tua và đính chiếc lon đánh bóng loáng dựng sát tường căn phòng phía ngoài, nơi treo quần áo. Hai bà mặc đồ đen đang cởi áo choàng. Một người quen mặt là em của Ivan I lyich, người kia là một bà lạ không quen biết. Svátxơ bạn của Piốt Ivanôvích, đi từ trên gác xuống, từ bậc thang trên cao nhìn thấy bạn đi vào, ông ta dừng lại, nháy mắt với bạn như có ý nói: “Cái tay Ivan I lyich thu xếp ngốc nghếch thật, tôi với anh chúng ta còn cừ hơn nhiều”.
Vẻ mặt Svátxơ với bộ râu quai nón kiểu Anh và cả hai thân hình gầy guộc trong chiếc áo đuôi tôm, trông lúc nào cũng có dáng trang trọng phong nhã, và cái vẻ trang trọng này bao giờ cũng trái ngược với tính cách vui nhộn của Svátxơ, nhưng ở đây nó lại tỏ ra đặc biệt có ý vị. Piốt Ivanôvích nghĩ như vậy.
Piốt Ivanôvích nhường bước cho các bà đi lên trước, rồi thong thả theo họ lên cầu thang gác. Svátxơ không đi xuống, mà dừng lại ở trên cầu thang. Piốt Ivanôvích hiểu vì sao như vậy, rõ ràng là Svátxơ muốn trao đổi xem hôm nay nên chơi bài uyn-tơ[3] ở đâu. Các bà lên cầu thang đến với người quả phụ, còn Svátxơ cặp môi mím chặt một cách nghiêm chỉnh, cặp mắt suồng sã nhíu mày ra hiệu cho Piốt Ivanôvích đi về bên phải, vào phòng để thi hài.
Cũng như mọi khi, khi bước vào phòng, Piốt Ivanôvích băn khoăn không hiểu mình sẽ làm gì ở đây. Ông chỉ biết có một điều là không những trường hợp này, làm dấu sẽ chẳng bao giờ gây phiền hà gì. Còn về việc có cần phải chào không thì ông không tin chắc lắm, vì thế ông đã chọn một lối nước đôi: Khi bước vào phòng ông bắt đầu làm dấu và khẽ nghiêng mình tựa hồ như cúi chào, vẫn giữ nguyên tư thế tay và đầu, ông đồng thời ngoái nhìn căn phòng. Hai chàng thanh niên hình như là những người cháu, một là học sinh trung học, làm dấu, rồi đi ra khỏi phòng. Một bà già đứng bất động. Một vị phu nhân có cặp lông mày rướn lên một cách kỳ quặc đang thì thào nói gì đó với bà cụ. Viên trợ tế linh lợi, kiên quyết, vận áo lễ đang đọc to cái gì đó với vẻ không chấp nhận bất kỳ sự phản đối nào. Anh hầu bàn Ghêrasim nhẹ nhàng đi qua trước mặt Piốt Ivanôvích, rắc cái gì đó lên trên sàn. Trông thấy thế, Piốt Ivanôvích lập tức cảm thấy ngay là thoang thoảng có mùi xác chết đã rữa. Trong dịp đến thăm Ivan I lyich lần cuối cùng, Piốt Ivanôvích đã thấy anh này trong phòng làm việc. Anh ta đóng vai hộ lý và Ivan I lyich đặc biệt yêu quý anh ta. Piốt Ivanôvích vẫn luôn tay làm dấu và khẽ cúi chào hướng về giữa quan tài, viên trợ tế và các ảnh thánh đặt trên bàn kê ở góc phòng. Sau đó, thấy mình hình như đã làm dấu quá lâu, ông ta dừng lại và bắt đầu ngó nhìn thi hài.
Người chết nằm như mọi người chết thường nằm, đặc biệt nặng nề lặng ngắt, chân tay lạnh cứng, chìm lút trong nệm quan tài, đầu ngả vĩnh viễn trên chiếc gối và phơi ra vầng trán vàng như sáp ong với hai bên thái dương hói và lõm, chiếc mũi nhô ra như đè lên môi trên. Ông ta đã thay đổi rất nhiều, càng gầy thêm kể từ khi Piốt Ivanôvích không gặp ông ta, nhưng cũng như ở mọi người chết, vẻ mặt ông ta đẹp hơn, chủ yếu là có ý nghĩa hơn vẻ mặt lúc sống. Vẻ mặt đó như muốn nói rằng những gì cần phải làm đã được làm và làm đúng. Ngoài ra vẻ mặt đó còn chứa đựng lời trách móc hoặc sự nhắc nhở những người sống. Piốt Ivanôvích tưởng như lời nhắc nhở đó không thích hợp hoặc chí ít không liên quan đến mình. Piốt Ivanôvích cảm thấy khó chịu thế nào ấy, vì vậy ông vội vã làm dấu một lần nữa và quá vội vã, ông ta tưởng như vậy, không hợp với phép lịch sự, quay người lại và đi ra cửa. Svátxơ chờ ông ở phòng ngoài, đứng choãi chân, hai tay quặt ra sau lưng, nghịch nghịch chiếc mũ lễ của mình. Trông thấy dáng người vui nhộn, bảnh bao và diêm dúa của Svátxơ, Piốt Ivanôvích tươi hẳn lên. Ông hiểu rằng Svatxơ đứng cao hơn sự việc và không để mình bị chi phối bởi những ấn tượng nặng nề. Vẻ mặt Svátxơ như muốn bảo ông rằng: Việc làm lễ cầu hồn cho Ivan I lyich không thể nào là một cái cớ đủ để chúng ta phá bỏ lệ hội họp, nghĩa là không gì có thể ngăn cản chúng ta ngả cỗ bài ra và tráo bài tanh tách vào chiều tối hôm nay, khi tên đầy tớ thắp lên bốn ngọn nến; nói chung chẳng có cơ sở gì để cho rằng vụ này có thể cản trở chúng ta tiến hành cuộc vui chơi thú vị vào tối hôm nay. Khi Piốt Ivanôvích đi ngang qua, Svátxơ đã nói thầm với ông như vậy và mời ông tới chơi bài ở nhà Phêđo Vasiliêvích. Nhưng hình như cái số của Piốt Ivanôvích là không được chơi bài uyn-tơ buổi tối hôm nay. Praskôvia Phêđôrốvna là một người đàn bà tầm thước béo núc ních, tuy bà đã hết sức cô gắng ngăn ngừa, thân hình bà vẫn cứ bè bè ra. Bà vận toàn đồ đen, đầu phủ chiếc khăn ren và lông mày cũng rướn cao một cách kỳ quặc như vị phu nhân đứng ở gần quan tài. Bà cùng với các phu nhân khác bước ra khỏi phòng mình, dẫn họ tới cửa phòng để thi hài và nói:
– Lễ cầu hồn sẽ tổ chức ngay bây giờ, xin mời các vị vào.
Svátxơ dừng lại, nghiêng mình vẻ do dự, rõ ràng ông ta không chấp nhận và cũng không gạt bỏ lời mời đó. Nhận ra Piốt Ivanôvích, bà Praskôvia Phêđôrốvna thở dài, bước sát lại gần ông, cầm tay ông mà nói:
– Tôi biết bác là người bạn thực sự của Ivan I lyich… – Bà nhìn ông ta, chờ đợi ông ta có những cử chỉ thích hợp với lời bà nói.
Piốt Ivanôvích biết rằng lúc này mình phải làm dấu, phải bắt tay, phải thở dài và nói: “Xin bà cứ tin ở tôi!”, và ông đã làm như vậy. Làm xong ông cảm thấy mình đã đạt kết quả mong muốn, ông thấy cảm động và bà chủ cũng cảm động.